Nhiều mối lo khi thời tiết diễn biến cực đoan

Kim Văn| 03/08/2016 07:02

Hàng nghìn vụ vi phạm công trình đê điều, thủy lợi, nhiều phương án phòng, chống thiên tai chưa được xây dựng chi tiết…

Hàng nghìn vụ vi phạm công trình đê điều, thủy lợi, nhiều phương án phòng, chống thiên tai chưa được xây dựng chi tiết… là những hạn chế của các quận, huyện, thị xã mà Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai TP Hà Nội chỉ ra sau đợt kiểm tra vừa qua trên địa bàn Thủ đô. Thực tế đó cho thấy nhiều vấn đề đáng quan tâm trước diễn biến ngày càng cực đoan của thời tiết.

Theo Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai thành phố Lê Xuân Uyên, trong 19 loại hình thiên tai cơ bản, Hà Nội chịu ảnh hưởng tới 15 loại và thường bị tác động nhất là áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập úng… Từ đầu năm đến nay, Hà Nội hứng chịu 3 đợt thiên tai: Mưa tuyết dịp đầu năm ở Ba Vì; mưa cực lớn trong thời gian ngắn vào cuối tháng 5; bão kèm mưa to vừa xảy ra cuối tháng 7... gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Để chủ động giảm nhẹ thiên tai, TP Hà Nội đã dành nhiều kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình đê điều, thủy lợi. Tuy nhiên, tình trạng xâm hại công trình phòng, chống lũ lụt đang diễn ra phổ biến trên địa bàn 224 xã, phường, thị trấn thuộc 26 quận, huyện, thị xã có đê đi qua.

Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội cho biết, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 2.222 vụ vi phạm Luật Đê điều nhưng các địa phương mới xử lý, giải tỏa được 586 vụ. Mặc dù thành phố chỉ đạo quyết liệt không để phát sinh vi phạm mới nhưng từ đầu năm đến nay, các quận, huyện, thị xã vẫn để xảy ra 131 vụ và chỉ xử lý được 6 vụ. Địa bàn còn tồn đọng nhiều vi phạm chưa xử lý là Ứng Hòa, Tây Hồ, Ba Vì, Phúc Thọ, Gia Lâm… Thực trạng này không chỉ đe dọa đến chất lượng, khả năng bảo đảm an toàn công trình phòng, chống lũ, lụt mà còn cho thấy sự chủ quan của các cấp quản lý nhà nước và người dân trước diễn biến ngày càng cực đoan của thời tiết.

Nguyên nhân của tình trạng trên được cho là do sự buông lỏng quản lý và chỉ đạo xử lý thiếu quyết liệt nên vi phạm ngày càng gia tăng. Theo Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Ứng Hòa - Mỹ Đức Phạm Ngọc Dũng, do không có chức năng xử phạt nên tất cả các trường hợp vi phạm, Hạt lập biên bản, gửi công văn nhưng chính quyền địa phương không kiên quyết xử lý. Tương tự, theo ông Đỗ Sỹ Tiến, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Thạch Thất - Quốc Oai, từ đầu năm đến nay trên tuyến đê đơn vị quản lý xảy ra 18 vụ vi phạm đê điều. Tất cả các vi phạm, Hạt đều lập biên bản, đề nghị chính quyền địa phương xử lý theo quy định nhưng kết quả chưa triệt để.

Bên cạnh những vi phạm đê điều, thủy lợi chưa xử lý, công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với thiên tai ở nhiều quận, huyện, thị xã của Hà Nội hiện nay vẫn còn thiếu sót. Theo Trưởng phòng Phòng, chống lụt bão và Giảm nhẹ thiên tai (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Minh Thanh: Một số địa phương và sở, ngành chưa xây dựng chi tiết phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro. Nhiều quận, huyện xây dựng phương án chưa sát thực tế, chưa phù hợp với địa bàn thường xuyên xảy ra lũ rừng ngang, có công trình cao tầng, chung cư xuống cấp, điểm đen úng ngập, cây xanh già cỗi… Hạn chế này không chỉ gây lúng túng cho các địa phương khi xử lý các tình huống cụ thể mà còn khó quy trách nhiệm cho từng người, từng bộ phận tham gia công tác phòng, chống thiên tai…

Thông tin từ ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai thành phố cho hay, thành phố đã có văn bản yêu cầu các quận, huyện, thị xã kiên quyết xử lý, giải tỏa vi phạm pháp luật đê điều, thủy lợi tồn đọng; xử lý kịp thời, dứt điểm những trường hợp vi phạm mới, tái vi phạm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không quyết liệt về trách nhiệm với người đứng đầu để "kéo" các địa phương tích cực vào cuộc, thì việc xử lý vi phạm đê điều, thủy lợi sẽ mãi ở tình trạng "đánh trống bỏ dùi" như hiện nay.

Ngoài yêu cầu tăng cường xử lý vi phạm, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai thành phố còn yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện, thị xã, các sở, ngành, doanh nghiệp khẩn trương xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro và điều chỉnh phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão; đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân về vấn đề này nhằm chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều mối lo khi thời tiết diễn biến cực đoan