Gỡ "nút thắt" xử lý rác thải làng nghề

Kim Văn| 17/07/2016 07:46

Ứng Hòa là một trong số ít địa phương của Hà Nội chọn cách chủ động bảo vệ môi trường bằng xử lý rác thải sinh hoạt ngay tại địa bàn huyện.

Ứng Hòa là một trong số ít địa phương của Hà Nội chọn cách chủ động bảo vệ môi trường bằng xử lý rác thải sinh hoạt ngay tại địa bàn huyện. Tuy nhiên, vấn đề khó nhất của huyện là chưa tháo gỡ được những "nút thắt" trong xử lý rác thải làng nghề.

Theo Trưởng thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu Nguyễn Bá Huê: Làng có 981 hộ dân thì có 100 người thu mua phế liệu và 148 hộ làm nghề phân loại, tái chế. Nghề này tạo công ăn việc làm cho gần 1.000 lao động, trong đó có hơn 200 người ngoài địa phương, thu nhập khoảng 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Nhờ có nghề mà cuộc sống của người dân nơi đây có bát ăn bát để. Tuy nhiên, quan sát khâu “chế biến” rác của các hộ sản xuất ở đây, chúng tôi thật sự lo ngại. Tất cả khối lượng nước trong quá trình rửa rác được xả thẳng ra con mương rìa làng; các loại rác không có khả năng tái chế bị đổ trộm và đốt bừa bãi...

Theo Phó Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Ứng Hòa Dương Công Khoa: Trên địa bàn huyện còn các xã: Viên Nội, Trường Thịnh, Viên An, Kim Đường, Vạn Thái, Hòa Nam… thiếu điểm tập kết rác thải sinh hoạt. Vì vậy, vẫn còn tình trạng nhân dân vứt rác bừa bãi ra đồng ruộng, kênh mương... Trước thực trạng trên, huyện Ứng Hòa đã ban hành nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm là thành lập các tổ thu gom rác và bố trí quỹ đất, xây dựng các điểm tập kết rác thải… Do kiên trì vận động nên đến nay hầu hết nhân dân huyện Ứng Hòa đã ủng hộ chủ trương xã hội hóa, nộp phí vệ sinh để duy trì hoạt động mỗi tuần hai lần tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt.

Ông Văn Đình Tiến, ở thôn Thanh Hội, xã Trung Tú cho biết: Từ khi xã trang bị cho mỗi gia đình một thùng đựng rác và tổ thu gom đi vào hoạt động, người dân ở đây đã chấm dứt tình trạng vứt rác thải tràn lan; ý thức chấp hành về vệ sinh môi trường của người dân đã có chuyển biến tích cực; đặc biệt trong tập kết rác đúng giờ, đúng nơi quy định… Sẵn đà chuyển biến ý thức, nhiều xã của huyện Ứng Hòa đã vận động nhân dân tổ chức tổng vệ sinh mỗi tuần một lần vào ngày thứ bảy; các hộ di chuyển chuồng trại chăn nuôi đến khu quy hoạch sản xuất tập trung như Trung Tú, Liên Bạt, Hòa Xá...

Tuy nhiên, khi vấn đề rác thải trong khu dân cư được giải quyết lại nảy sinh tình trạng ô nhiễm môi trường ngoài đồng ruộng. Do nhân dân không chấp nhận lấy đất làng mình, gần làng mình làm điểm tập kết rác của các địa phương khác nên gần như thôn nào, xã nào ở Ứng Hòa cũng có bãi rác. Vì thiếu kinh phí nên các điểm tập kết không được đầu tư bài bản, chủ yếu là tận dụng các khu đất trống, kênh mương gần trục đường giao thông… rất mất mỹ quan. Khắc phục tình trạng này, huyện đã huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng khu xử lý tập trung hợp vệ sinh tại thị trấn Vân Đình và xã Đông Lỗ; đồng thời, ký hợp đồng với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển rau sạch Sông Hồng vận chuyển rác về các khu xử lý trên và đề nghị doanh nghiệp đặt thùng container chứa rác làm điểm tập kết tạm…

Theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Ứng Hòa Đặng Văn Giáp: Khó khăn lớn nhất của huyện là làm cách nào để xử lý hiệu quả môi trường làng nghề Quảng Phú Cầu. Hiện nay, huyện đã tính đến giải pháp quy hoạch xây dựng điểm công nghiệp làng nghề để đưa các hộ sản xuất lớn ra ngoài khu dân cư nhưng vướng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Một giải pháp khác cũng được đặt ra là đầu tư xây dựng lò đốt cho riêng loại rác làng nghề. “Mặc dù Công ty cổ phần Đầu tư phát triển rau sạch Sông Hồng đã đầu tư lò đốt rác nhưng chưa được các cơ quan chức năng cấp phép vận hành, nguyên nhân là do có quá nhiều thủ tục hành chính” - ông Đặng Văn Giáp thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ "nút thắt" xử lý rác thải làng nghề