Sản xuất, tiêu thụ rau an toàn ở Hà Nội: Vẫn vướng nhiều rào cản

Nguyễn Mai| 08/07/2016 06:44

Sản xuất rau an toàn chưa tương xứng với công sức lao động; vật tư nông nghiệp, giống, thuốc bảo vệ thực vật chưa được quản lý, quan tâm đúng mức...”

“Sản xuất rau an toàn (RAT) chưa tương xứng với công sức lao động; vật tư nông nghiệp, giống, thuốc bảo vệ thực vật chưa được quản lý, quan tâm đúng mức...” - Đó là những rào cản trong quá trình sản xuất RAT mà người dân xã Vân Nội (Đông Anh) vừa gửi tới lãnh đạo Bộ NN&PTNT tại cuộc kiểm tra sản xuất, tiêu thụ RAT trên địa bàn TP Hà Nội.

Chính sách chưa đến với nông dân

Chủ nhiệm HTX Sản phẩm tiêu thụ RAT Vân Nội Trần Văn Mây cho biết: Xã Vân Nội có 93ha trồng RAT, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. Tuy vậy, thời gian dài, nông dân loay hoay tìm cách “trị” “con sâu dưới đất” nhưng không có nhà khoa học nào giúp. Sau đó, người dân tự mày mò, nghĩ ra cách sau mỗi vụ rau, rắc vôi bột và tháo nước vào ruộng để ngâm. Cách làm này đã loại bỏ được mầm bệnh, cây trồng phát triển, ít sâu hơn. Ngoài chuyện “con sâu”, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho nông nghiệp cũng chưa đi vào cuộc sống. Ông Mây cho rằng, chương trình bình ổn giá của thành phố hỗ trợ nhiều nhưng chủ yếu cho doanh nghiệp, siêu thị, còn người trồng rau chưa được hưởng lợi gì, bởi sản phẩm tiêu thụ thông qua hợp đồng ký với doanh nghiệp.

Liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho biết, trong danh mục Bộ NN&PTNT quản lý có 1.785 loại hoạt chất và 4.094 tên thương phẩm thuốc BVTV, và con số này không ngừng tăng qua các năm. Các công ty kinh doanh và cửa hàng buôn bán thuốc BVTV liên tục quảng cáo với chiêu thức và chính sách khuyến mãi hấp dẫn. Từ đó, người dân gặp khó khăn trong lựa chọn đúng thuốc BVTV, đặc biệt đối với các hộ chưa được tập huấn về IPM (học thực tế, thực hành trên đồng ruộng). Do đó, cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý, không sản xuất hoặc hạn chế tối đa sản xuất thuốc BVTV có độc tố cao; tăng cường sản xuất thuốc BVTV vi sinh, thảo mộc để người dân có nhiều lựa chọn trong sản xuất. Ông Nguyễn Duy Hồng thừa nhận, công tác quản lý còn khó khăn do nông dân sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, số hộ sản xuất rau trên địa bàn thành phố khá lớn, với trên 200.000 hộ, diện tích 5.000ha đã chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Khó khăn nhất là khâu tiêu thụ

Khó khăn lớn nhất đối với người sản xuất RAT Hà Nội hiện nay là khâu tiêu thụ sản phẩm. “Chúng tôi sẵn sàng làm rau sạch tuyệt đối, tuy nhiên khi mang sản phẩm đi tiếp thị ở các bếp ăn tập thể đều bị khách hàng từ chối vì giá cao hơn so với thông thường. Do vậy, đối với các vùng sản xuất RAT mong được Nhà nước "bắc cầu nối" với các doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ...” - ông Mây nói.

Thực tế, người tiêu dùng khó mua được RAT có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, trong khi người sản xuất chưa bán được đúng giá trị. Các HTX trên địa bàn thành phố cũng chưa phát huy được vai trò trong tiêu thụ RAT cho nông dân. “Người tiêu dùng thiếu lòng tin khi không thể phân biệt RAT với không an toàn bằng cảm quan, chỉ phân biệt được sản phẩm qua tem nhãn nhận diện của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp tham gia do lợi nhuận thấp, rủi ro cao, vốn đầu tư lớn" - ông Nguyễn Duy Hồng đánh giá, đồng thời đề nghị bộ, ngành liên quan cần có chính sách trong khâu tiêu thụ rau, thịt cho các đô thị lớn; hỗ trợ cho các doanh nghiệp thông qua các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm; ban hành quy định về rau hữu cơ để phân biệt giữa RAT và rau hữu cơ; quy định về kiểm soát nguồn gốc xuất xứ rau lưu thông, thương mại trên thị trường.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, nhận thức và cách tiếp cận về RAT của người sản xuất ở Vân Nội là đúng. Phải đánh giá đúng giá trị của RAT mới thúc đẩy được nông dân sản xuất sạch. Đây là thực tiễn để Bộ NN&PTNT nghiên cứu trong ban hành các cơ chế, chính sách liên quan. Ông Lê Quốc Doanh cũng cho biết, hệ thống chứng nhận chất lượng RAT như VietGAP chỉ thích hợp với vùng sản xuất quy mô lớn, các tiêu chí kỹ thuật phức tạp, chi phí áp dụng cao nên nông dân sản xuất quy mô nhỏ khó tiếp cận. Trong khi lượng rau xanh của Hà Nội sản xuất chưa đáp ứng đủ nhu cầu, Hà Nội cần liên kết với 2-3 địa phương lân cận để xây dựng vùng sản xuất RAT phục vụ thị trường Thủ đô. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu để có cơ chế, chính sách hỗ trợ vùng sản xuất RAT.

Hà Nội hiện có 12.000ha canh tác rau phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã với trên 40 chủng loại rau. Ước tính, sản lượng rau đạt gần 600.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô, 40% còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất, tiêu thụ rau an toàn ở Hà Nội: Vẫn vướng nhiều rào cản