Đại Phùng - làng nói khoác

Minh Phú| 19/06/2016 07:58

Tò mò về người Đại Phùng có tài nói khoác, tôi tìm về xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, nơi người dân vẫn truyền tụng câu ca: “Đại Phùng nói khoác đổng đời/Phượng Trì nối khố ăn chơi đủ vành”.

Tò mò về người Đại Phùng có tài nói khoác, tôi tìm về xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, nơi người dân vẫn truyền tụng câu ca: “Đại Phùng nói khoác đổng đời/Phượng Trì nối khố ăn chơi đủ vành”.

Quả thực, trong số hàng nghìn ngôi làng ở Thủ đô, hiếm có làng nào, người dân lại có tài nói khoác và “khuyến khích” cái sự nói khoác như ở làng Đại Phùng. Đơn giản là bởi cách ứng xử của người dân trong làng đã khẳng định tài khéo léo, nói mẹo, lập luận có lý khiến người nghe từ bất ngờ, khó tin đến thán phục.

Ngay khi mới đặt chân đến Đại Phùng, cán bộ văn hóa xã Đan Phượng Tạ Đăng Sáng đã trổ tài với chúng tôi: Cây bí nhà tôi gốc thì ở Đại Phùng nhưng ngọn “bò” ra tận chợ Đồng Xuân! Thoạt nghe, không ai tin khiến ông Sáng phải giải thích: Sáng nay, bà xã nhà tôi cắt ngọn bí mang ra chợ Đồng Xuân bán thì chả phải gốc ở Đại Phùng mà ngọn ở chợ Đồng Xuân là gì? Câu chuyện càng lúc càng lôi cuốn, ông Sáng kể tiếp: "Hôm trước, nhà tôi có khách đến chơi. Đậu sống có rồi, bày ra vẫn nóng. Muối chấm cũng có rồi chỉ thiếu mỗi quả ớt. Tôi sai thằng cu ra vườn hái ớt, nó chạy vào bảo: Con phải bắc 3 cái thang mới hái được quả ớt. Khách nghe xong lặng người không tin: Cây ớt vốn bé nhỏ, cần gì phải bắc 3 cái thang. Thì ra, do trời mưa, vườn bị ngập, thế nên phải bắc 3 cái thang nằm ra để bước trên thang mới hái được ớt".

Nói về tục nói khoác ở làng, ông Tạ Đăng Sáng cười cho biết: Nói khoác chính là “đặc sản” ở Đại Phùng. Nó xuất hiện từ năm nào không ai biết. Chỉ nhớ từ hồi tóc còn để chỏm, ông Sáng đã chứng kiến các cụ trong làng nói khoác đối đáp với nhau và nể phục. Ở Đại Phùng, cụ Bùi Vinh Chẩu là người sưu tầm và nhớ được nhiều câu chuyện nói khoác trong làng. Cụ kể: Từ xa xưa, ở Đại Phùng có tục: Các trai làng tổ chức thi nói khoác, ai nói khoác giỏi thì được thưởng. Lúc đó có một anh chàng cứ thập thò ngoài cửa, quan liền hỏi: Làm sao nhà ngươi không vào mà lại đứng đấy! Anh ta liền đi vào khép nép thưa: Dạ thưa quan! Hôm nay nhà con có cái giỗ lụi (giỗ nhỏ), con phải đồ chín chõ xôi nên ra chậm, quan tha cho. Nhà ngươi có mấy người? Dạ nhà con có 5 người ạ! Nhà ngươi có 5 người mà đồ những chín chõ xôi thì nhét vào mắt à? Dạ thưa quan! Con phải đồ cho chín chõ xôi, chứ ai lại cúng xôi sống ạ! Quan nghe có lý, khen hay. Sau khi nghe thi nói khoác, quan khen chuyện nào nói khoác cũng có lý liền phán rằng: Ta sẽ ban thưởng cho tất cả các anh đã nói khoác. Các anh muốn gì cứ nói! Một chàng trai bước lên thưa: Bẩm quan! Chúng con chỉ xin quan cho mỗi người một chiếc “áo quan”. Quan tròn xoe mắt ngạc nhiên: Các ngươi còn trẻ cả, đã chết đâu mà xin áo quan. Dạ thưa quan, ấy là chúng con muốn xin chiếc áo của quan chứ không phải quan tài đâu ạ! Quan nghe đến đây vừa thán phục, vừa tiếc của, nhưng đã hứa rồi đành phải gọi thợ may, may cho mỗi người một chiếc áo gọi là áo quan.

Trời phú cho người dân nơi đây biệt tài nói khoác qua nhiều thế hệ mà hiếm nơi nào có được. Anh Lê Xuân Dương, người dân Đại Phùng cho hay: Nét khác biệt của nói khoác Đại Phùng hoàn toàn không phải là nói láo, nói sai sự thật với mục đích ba hoa, lừa gạt người khác. Mà trái lại, chuyện bắt đầu từ một sự việc có thực nhưng người Đại Phùng chọn lọc, sử dụng ngôn từ để có nhiều nghĩa khác nhau, vừa tự nhiên, vừa hài hước và vẫn đúng. Từ đó tạo ra những tiếng cười sảng khoái, giúp dân làng có nghị lực sống lạc quan và yêu đời. Tiếc rằng, bây giờ, chỉ còn những người lớn tuổi trong làng thuộc nhiều tích chuyện, các em nhỏ do bận học và có nhiều thứ để giải trí nên không còn thích thú.

Chủ tịch UBND xã Đan Phượng Nguyễn Văn Thông cho biết: Đại Phùng là thôn lớn của xã Đan Phượng, có khoảng 1.000 hộ dân. Người dân Đại Phùng vốn cần cù chịu khó. Hiện nay, cùng với sản xuất nông nghiệp, nơi đây còn phát triển nhiều nghề như: Mộc, rèn, chế biến nông sản… nên đời sống kinh tế của người dân khá cao. Đại Phùng còn là “đất học” nơi có nhiều dòng họ khoa bảng, đỗ đạt cao; có đình Đại Phùng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Nói khoác chính là một nét đẹp văn hóa đặc trưng mang đến những tiếng cười, niềm vui khích lệ bà con hăng hái lao động, sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại Phùng - làng nói khoác