Nỗi lo sạt lở đê Sông Bùi

Kim Văn| 10/06/2016 06:52

Sạt lở cũ chưa khắc phục, sạt lở mới lại xảy ra. Hiện tượng này đang trở thành nỗi lo của huyện Chương Mỹ trong việc phòng chống lũ lụt, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân...

Sạt lở cũ chưa khắc phục, sạt lở mới lại xảy ra. Hiện tượng này đang trở thành nỗi lo của huyện Chương Mỹ trong việc phòng chống lũ lụt, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân, nhất là những gia đình sinh sống trong khu vực ven đê Sông Bùi khi mùa mưa bão đang cận kề…

Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Bị Vũ Văn Mạnh: Sau trận mưa ngày 24-5 và rạng sáng 25-5, đoạn đê Sông Bùi đi qua địa bàn xã đã xuất hiện hai vị trí sạt lở. Xã đã báo cáo huyện Chương Mỹ về sự cố trên, đồng thời làm biển, rào chắn cảnh báo khu vực nguy hiểm cấm người và các phương tiện đi vào.

Nửa tháng qua, gia đình bà Tạ Thị Dung và nhiều người dân Thôn 5, xã Quảng Bị lo mất ăn mất ngủ vì sự cố sạt lở đê Sông Bùi. Nỗi lo ấy tăng dần mỗi khi nghe tin dự báo thời tiết có mưa lớn. Bà Tạ Thị Dung cho biết: "Đoạn đê này quá yếu, mùa mưa năm nào cũng bị sạt lở khiến nhân dân rất lo lắng. Trận lụt năm 2008, hàng trăm người dân trong thôn đã phải di dời khẩn cấp; nhiều công trình phụ, chuồng trại, nhà vệ sinh của dân đã bị cuốn trôi. Không ít gia đình lâm vào cảnh màn trời chiếu đất như bà Nguyễn Thị Chải, ông Đào Viết Khang… Chúng tôi mong các cấp, ngành sớm đầu tư gia cố để nhân dân yên tâm sinh sống, làm ăn".

Sau khi kiểm tra thực tế, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Đặng Viết Xuân cho rằng: Đây là tình trạng hư hỏng đê rất nghiêm trọng đe dọa an toàn công trình phòng chống thiên tai, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Cụ thể, từ km10+600 đến km10+635, thuộc đội 8, Thôn 5, đê tả Sông Bùi về phía hạ lưu bị sạt lở cung sạt dài khoảng 20m tạo thành vách thẳng đứng sâu 2m so với mặt đê; có chỗ khoét sâu hàm ếch vào đường bê tông 0,2m; cột điện ven đường trơ móng đế. Đoạn từ km10+750 đến km10+900 phía hạ lưu có nhiều cung sạt nhỏ tạo thành vách thẳng đứng sâu gần 2m so với mặt đê; có chỗ chỉ còn cách mặt đường bê tông 0,5m; một số tấm bê tông mặt đê bị vỡ, nứt, lún.

Ngoài hai vị trí này, tuyến đê tả Bùi còn hai vị trí sạt lở nằm trên địa phận xã Trung Hòa (xảy ra trước đợt mưa vừa qua và chưa được khắc phục). Tại km2+800 về phía sông xuất hiện hai cung sạt lở liền nhau dài 35m, tụt sâu 0,5m, khiến mặt đê bê tông đoạn này bị võng xuống, khe lún giữa hai tấm bê tông mặt đê mở rộng 3-5cm; phần đất lề tiếp giáp với bê tông mặt đê bị tụt xuống. Tại vị trí km3+100 về phía đồng xuất hiện cung sạt dài 40m, tụt sâu 0,3m. Cung sạt ăn sâu vào mái đê cách mặt đê 1m. Bên cạnh 4 vị trí sạt lở vừa nêu, trên tuyến này, nhiều tấm bê tông mặt đê bị nứt, gãy, vỡ tạo thành ổ gà gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Cụ thể, tại trạm điều tiết Yên Duyệt xã Tốt Động dài 300m và đoạn từ km8+400 đến km10 xã Tốt Động dài 1.600m; tuyến đê hữu Đáy từ tràn Võ Lao xã Văn Võ đến xã Phú Nam An dài 2.000m.

Theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng, tả Bùi là tuyến đê quan trọng nhất của huyện, có chức năng bảo vệ hơn 6.000ha lúa mùa cho 19 xã, thị trấn. Đây cũng là tuyến đê chạy dài, có nhiều công trình dưới đê, hằng năm liên tục phải đối phó với lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình đổ về. Vì vậy, để bảo đảm cho công trình đê điều phục vụ công tác phòng chống thiên tai năm nay; đồng thời bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân trong khu vực, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, UBND huyện Chương Mỹ vừa báo cáo và đề nghị UBND TP Hà Nội, Sở NN&PTNT xem xét, xử lý cấp bách những vị trí hư hỏng trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo sạt lở đê Sông Bùi