Di Trạch với “bài toán” khó

Minh Phú| 05/06/2016 07:04

Xã Di Trạch, huyện Hoài Đức là vùng ven đô, phần lớn diện tích đất nông nghiệp được quy hoạch để phát triển đô thị, công nghiệp.

Xã Di Trạch, huyện Hoài Đức là vùng ven đô, phần lớn diện tích đất nông nghiệp được quy hoạch để phát triển đô thị, công nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp còn lại khoảng 70ha, người dân trong xã đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, rau màu cho hiệu quả kinh tế cao hơn cấy lúa.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, ruộng đồng thường xuyên bị ngập úng do hệ thống thủy lợi bị "phá vỡ". Vừa bảo đảm phát triển đô thị, công nghiệp vừa bảo đảm sản xuất nông nghiệp hiệu quả là "bài toán" cần sớm có lời giải.

Trận mưa lớn cuối tháng 5 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho diện tích trồng cây nông nghiệp của xã Di Trạch. Khoảng 20ha dưa lê, đu đủ, ổi của người dân trong xã bị thiệt hại. Ông Phạm Văn Hùng, Thôn Dậu 2 cho biết, Gia đình thuê 3,5ha đất để trồng dưa lê và dưa Kim Cô Nương. Cuối tháng 5 vừa qua, 1,5ha cho thu hoạch khoảng 1 tấn dưa/ngày và được thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 20 triệu đồng/tấn. Trận mưa vừa qua gây ngập toàn bộ khiến gia đình thiệt hại hàng chục triệu đồng.

Không riêng gì ông Hùng, nhiều gia đình ở Thôn Quang, Thôn Dền cũng bị thiệt hại từ 10 đến 15 mẫu dưa. "Dưa lê vốn không chịu được úng nên chỉ ngập 1-2 ngày là thối gốc. Bao nhiêu công chăm sóc, vốn liếng đầu tư mất trắng" - ông Hùng buồn rầu. Vẫn biết sản xuất nông nghiệp luôn phải chịu rủi ro bởi thiên tai, nhưng đối với người nông dân ở xã Di Trạch, rủi ro còn thường trực hơn do hệ thống tưới tiêu bị chia cắt.

Khi đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp khan hiếm, những người dân Di Trạch tận dụng từng tấc đất xen kẹt, từng thửa ruộng dù đã nằm trong quy hoạch để chuyển sang trồng cây ăn quả, bất chấp rủi ro. Vì vậy, 3 năm qua, diện tích trồng dưa lê của Di Trạch được mở rộng lên 20ha. Thời vụ trồng dưa lê bắt đầu từ tháng 2 đến khoảng tháng 6 dương lịch hằng năm. Đây là cây trồng ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ còn tận dụng diện tích dưới các tán cây ăn quả như táo, ổi để trồng dưa lê. "Trận mưa vừa qua đã gây thiệt hại 20ha dưa bắt đầu vào vụ thu hoạch của nhân dân, ước thiệt hại khoảng 4-5 tỷ đồng" - Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Mạnh cho biết.

Cũng theo ông Mạnh, xã có gần 200ha đất nông nghiệp, đến nay đã thu hồi vào các mục đích khác tới 120ha. Trên 70% số hộ trong xã có liên quan tới GPMB, trên 1.000 hộ bị thu hồi 100% diện tích đất nông nghiệp. Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp đã nằm trong vùng quy hoạch phát triển đô thị, trường học nhưng chưa triển khai nên người dân tự chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chấp nhận rủi ro trong sản xuất. Cũng vì khó khăn đó chính quyền địa phương không thể mở các lớp tập huấn, hỗ trợ giống vốn và đầu tư công trình giao thông, thủy lợi phục vụ nhân dân phát triển sản xuất. Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Mạnh kiến nghị: Các vùng đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị nhưng chưa triển khai, thành phố xem xét cho phép địa phương đầu tư cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ sản xuất cho nhân dân. Có như vậy không gây lãng phí đất đai và giúp nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di Trạch với “bài toán” khó