Nhớ ''đá ong khô nhiều suối lệ''...

Thu Hằng - Ảnh: Hà Nguyên Huyến và sưu tầm| 06/04/2021 17:55

(NSHN) - Đá ong từ lâu đã được xem là nét đặc trưng của xứ Đoài. Đây là loại vật liệu xây dựng đã tạo ra các công trình nhà cửa, đền chùa, thành lũy cả nghìn năm qua, làm thành một không gian làng quê độc đáo, tưới tắm tâm hồn bao con người nơi đây.

Cây cầu Vang (đi từ làng Mông Phụ sang Phụ Khang) ở Đường Lâm (Sơn Tây) được xây bằng đá ong. Ảnh: Hà Nguyên Huyến

Đá ong là món quà quý thiên nhiên ban tặng cho vùng đất xứ Đoài. Lặng lẽ nằm sâu dưới lòng đất hàng nghìn năm, những lớp đá ong xù xì, thô ráp được bàn tay con người kỳ công đục đẽo bỗng trở nên vuông vắn tươi đẹp lạ kỳ. Đặc biệt, sắc đá vàng sậm thân thương luôn tạo cảm giác ấm áp, thân quen chứ không lành lạnh, xa lạ như các loại đá khác. Từ xa xưa, cha ông ta đã chọn đá ong làm vật liệu chính để xây dựng nhà ở và nhiều công trình kiến trúc.

Ở vùng đất xứ Đoài, hầu hết nhà cổ được xây bằng đá ong. Thứ đá đó cũng là vật liệu để xây các ngôi chùa cổ, thành cổ, các công trình dân sinh như giếng nước, mố cầu ở Sơn Tây, Thạch Thất… nay phủ rêu xanh nhưng vẫn vang mãi bài ca về tính sáng tạo và tinh thần lao động cần cù của biết bao thế hệ người dân xứ Đoài.

Mỗi lần về quê ngoại ở Phù Sa (Sơn Tây), tôi rất thích dạo quanh các con ngõ đá ong dài hun hút, đôi chỗ quấn quýt giàn tường vi hay hoa giấy phớt hồng. Thích nhất là được chạm tay vào những bức tường đá ong, cảm giác thời gian như ngưng đọng. 

Sinh thời, bà ngoại bảo, đá ong đã có ở đây từ ngàn đời. Vì đá bền, nhẹ, lại sẵn có nên nhiều nhà trong làng dùng đá ong để làm nền móng, xây tường nhà, tường quanh sân. Sống trong những ngôi nhà xây bằng đá ong không chỉ có cảm giác an toàn, tươm tất mà còn giúp con người thấy ấm về mùa đông và mát về mùa hè... Nếu dùng đá ong làm thành giếng đào còn giúp lọc phèn cho nước trong hơn.

Ngôi nhà 3 gian mộc mạc của bà ngoại xưa cũng được xây bằng đá ong. Cổng ngõ, tường bao cũng bằng đá ong. Cả tuổi thơ tôi đã chạy nhảy nô đùa trong cái không gian thấm đẫm hồn quê, vô cùng gần gũi với thiên nhiên ấy.

Từ ngày ngoại mất, cuộc sống có nhiều đổi thay. Kiến trúc đá ong dần vắng bóng, thay vào đó là những công trình bằng những vật liệu tiện lợi hơn. Ngôi nhà cấp 4 bằng đá ong của ngoại cũng được bác tôi dỡ bỏ, xây mới bằng gạch, đổ bê tông kiên cố. Bác bảo, xây nhà bằng đá ong bây giờ đòi hỏi kỳ công và tốn kém hơn rất nhiều so với xây gạch hay đổ bê tông cốt thép, bởi vậy chỉ những gia đình có điều kiện và hoài cổ mới chọn đá ong làm vật liệu xây nhà...

Như nhà văn, nhà “Đường Lâm học” Hà Nguyên Huyến từng chia sẻ, hồn cốt làng quê còn thì làng quê mãi còn. Có một thời đá ong làm nên tên tuổi của làng, song đá ong không chịu lực và có nhiều nhược điểm hơn so với vật liệu mới... Bởi vậy, bảo tồn và phát triển giá trị của đá ong như thế nào trong giai đoạn hiện nay là cả một vấn đề.

Chiều nay, về thanh minh ở quê ngoại, không hiểu sao hai câu thơ của Quang Dũng cứ ngân nga trong đầu khiến tôi không khỏi bùi ngùi...

“Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan”...

(Đôi mắt người Sơn Tây)

Không chỉ với tôi mà với nhiều người, ký ức về đá ong vẫn mãi là một miền hoài niệm, bền bỉ theo năm tháng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ ''đá ong khô nhiều suối lệ''...