Khúc đồng dao trên lưng trâu

Giang Bùi| 28/03/2021 05:04

(HNMCT) - Nằm ệp trên lưng trâu, tôi buông tay cấu nhẹ lên lưng nghé con đang nũng nịu cọ cái đầu non tơ vào lưng mẹ nó. Nghé biết bị trêu, nó ngúng nguẩy nhảy cẫng, tung hai chân sau lên trời, vọt giữa cánh đồng mênh mông không biết đâu là ruộng, đâu là bờ. Có lúc nó nô giỡn, đầu húc lấy húc để vào bờ ruộng, lúc lại dùng miệng ngoạm hờ cây lau có những bông dài trắng muốt phấp phới giữa trời đầy nắng gió. Gặp vũng nước cạn, nó nhảy xuống, nhào lộn, toàn thân bê bết bùn. Ôi chao, chả ai bảo, đúng là bản năng của loài trâu mà! Tôi ngắm nghé con, ngắm cánh đồng mênh mông, yêu quê hương thanh bình, yên ả biết bao...

Minh họa: Lê Tiến Vượng.

Với tuổi thơ của trẻ mục đồng, trâu, nghé như một phần máu thịt không thể thiếu. Những khi có tâm trạng, tôi nhớ cồn cào về con trâu Vàng, và lại bồi hồi nhớ đến đấng sinh thành của mình.

Tôi không thể không nhớ, vì mỗi sớm mai thức dậy, mở cửa ra là đã thấy trâu ta phe phẩy đuôi trong chuồng như đang chờ đợi rồi. Hồi bé có lần tôi hỏi: Bố ơi, con trâu nhà mình là màu đen, sao lại gọi là trâu Vàng? Bố tâm đắc: Nó tên Vàng không phải vì nó màu vàng, mà là nó quý như vàng. Bố tôi bảo: Thời phong kiến, trâu là một trong ba thứ quý giá nhất và bắt buộc nhất mà người đàn ông trụ cột gia đình phải lo: “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà/ Cả ba việc ấy thật là khó thay”. Việt Nam có nhiều tục ngữ, ca dao về con trâu như “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, “Lạc nhà theo chó, lạc ngõ theo trâu”...

Kinh nghiệm làm nông cũng như chăm nuôi các thế hệ trâu, tôi đều lĩnh hội từ bố. Khi còn sống, hằng ngày bố yêu thương, chăm bẵm con Vàng như chăm bẵm những đứa con của ông vậy. Buổi đêm, chỉ cần nghe tiếng trâu thở và tiếng hự khẽ của nó là ông biết nó lạnh, ông mò mẫm ra chuồng, lấy thêm rơm, phủ lên lưng nó cái chăn rách, vỗ về nó cho đến khi nghe tiếng thở đều đều của nó mới yên lòng. Vào sáng sớm, cửa chuồng vừa mở, con Vàng đã cọ cọ cái mõm vào tay ông thay cho lời chào. Theo sau con Vàng, ông vai vác cày, tay cầm dây thừng, chủ tớ cùng ra ruộng. Đã quá quen thuộc với nghề nông nên đường cày của Vàng thẳng tưng, luống nào ra luống ấy. Vào mùa cày cấy, bố tôi thường bồi dưỡng cho cả nhà một nồi cháo thịt bổ ngon, đương nhiên con Vàng cũng được vài ngọn mía ngọt hoặc những cây ngô dày...

Tôi nhớ mãi ngày bố qua đời và hình ảnh con trâu Vàng khi nó biết ông chủ mất. Bố tôi qua đời đột ngột. Nhiều hôm sau đó, con Vàng lúc nào cũng lồng lộn, ngang bướng phá bĩnh mỗi lần tôi dắt nó ra ruộng cày. Nó không nghe lời tôi, dù quát tháo hay vỗ về, cưng nựng như bố tôi vẫn làm với nó, cũng không được. Bước chân nó nặng trịch, đôi mắt luôn hướng ra nghĩa địa, nơi bố tôi nằm đó. Mọi khi, sau buổi cày, thả trâu ra, nó gặm no cỏ rồi tự tìm về. Vậy mà những hôm đó, nó lững thững ra đúng chỗ mộ bố tôi, nằm phủ phục, cứ như có người gọi vậy, phải khó khăn lắm tôi mới đưa được nó về chuồng.

Tháng Giêng năm ấy, 1986, trời lạnh lắm, con Vàng không chịu được, chân sưng to, nó nằm im, không ăn uống gì. Hình như nó đã quá già để có thể sống thêm một mùa đông giá; cũng có thể nó vì buồn nhớ chủ ròng rã mấy tháng trời, tới lúc kiệt quệ. Tôi chứng kiến con Vàng chết như thế nào. Mắt nó nhắm nghiền, nước mắt rỉ đến đâu khô đến đấy và lặng lẽ tắt thở. Tôi ôm đầu nó mà khóc...

Giờ đây, máy cày, máy bừa thay trâu. Con trâu không còn là đầu cơ nghiệp nữa; và cũng không còn nhiều người nhớ tới bài thơ “Thi nghé” của nhà thơ Huy Cận nữa rồi. Nhưng tôi thì không bao giờ quên, quãng 40 năm trước, mỗi lần nằm trên lưng trâu, thong dong khắp các ruộng bãi quê nhà, ngắm nghé con chạy tung tăng, tôi lại nghêu ngao: “Nghé hôm nay đi thi/ Cũng dậy từ gà gáy/ Người dắt trâu mẹ đi/ Nghé vừa đi vừa nhảy...”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khúc đồng dao trên lưng trâu