Đồng hiện với hoa anh đào

Tản văn của Nguyễn Quang Hưng| 12/02/2021 06:58

(HNMCT) - Cứ đi lang thang nội ngoại thành để mường tượng trên những vệt đường sá nay, xưa từng có gì. Chẳng phải xa xôi thuở trước, hồ đầm còn rộng rãi và rừng lan đến sát kinh thành đó sao.

Trong những không gian ta đi qua, nếu làm được một phép đồng hiện thì sẽ thấy bao lớp người, lớp nhà cửa, lớp đền miếu cỏ cây đan cài, lồng ghép cùng nổi bật lên trước mắt ta trong một ngày nắng vàng tươi. Ta lắng nghe, tưởng đâu đâu cũng vọng vang âm điệu. Là những kẻ sinh sau, không được dự phần vào những biến động lớn lao, những thời đoạn oanh liệt nào đó, nhưng chúng ta vẫn hạnh phúc khi chiêm ngưỡng những gì từng hiện diện, để làm đầy lên tâm hồn mình, và nghiệm ra nhiều hơn cho mình, về bài học cuộc đời, bài học sống làm người.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Bước trong phố đông chật bây giờ, lạc vào một mảnh sân nhỏ, ánh mắt phiêu lưu vào những khuôn viên ít ỏi còn lại hai bên mặt phố, nghĩ đến những cầu thang uốn đen bóng từ mặt sàn đá hoa lên tầng hai lát gỗ. Nhớ tiếng chân đi lại ọp ẹp, cọt kẹt, mường tượng những đôi giầy tây ông chủ bút nào đó bước lên, mở đọc câu chuyện mới tác giả tỉnh xa gửi về. Có khi là những đôi giầy cao cổ lầm bụi đất, các chiến sĩ tự vệ thành rầm rập chạy lên gác tìm chỗ cố thủ. Súng nổ, gạch đá rơi, những bức tường trên phố sập xuống khiến căn nhà rung lên. Có những thanh lan can, những bức tường nào đó vệt máu đã thấm lại, khô vào trong gỗ, trong gạch, mưa nắng bạc phai và người đời sau cọ rửa bao nhiêu lần, rồi sửa sang, rồi tháo dỡ, rồi thay mới hết cả, ta không nhìn thấy được nữa. Nhưng hẳn rằng, đã và vẫn còn những giây phút ấy, những khuôn mặt nhòe trong đạn bay, pháo nổ nhoáng nhoàng, nhòa vào máu, mồ hôi, khói và nước mắt những ngày cuối tháng Chạp lạnh buốt.

Bây giờ thì hoa đã đỏ lên trong chợ. Đông đúc các màu, nhưng cái không khí lá hoa bừng lên những ngày cuối đông chuẩn bị đón mùa, thì có thể gọi chung một sắc đỏ, một không khí đỏ, hồng hào, đua nhau chen chúc. Quang cảnh tấp nập của chợ hoa làm cho mình tưởng đang ấm lên, dù bốn phía xung quanh gió buốt ẩm không ngừng quần đảo. Tôi nhìn những người cầm trên tay mấy cành đào, những người đang phụt nước vào các tầng lá chậu quất, tự hỏi họ có phải những người năm ngoái không? Những người ấy, hoa trên tay, hoa bày trước mặt, đon đả mời chào mua hoa, nay có ở đâu đó trong chợ này không, hay đang về đâu rồi?

Phố nhỏ dài đã thành nơi truyền thống mở chợ hoa Tết, cho ta cái cảm giác rất rõ của sự đồng hiện, của xưa và nay, xa và gần, mơ hồ và cụ thể, vọng niệm và hiển hiện... đang đan xen, chuyển động. Ta nhận rõ hơn bước đi của thời gian từ năm cũ sắp sang năm mới, của những dồn dịch, kìm nén, hình như cũng đang căng ra, sắp nở tung trong hy vọng của người, cho một sự gì đó mới mẻ hơn, toại nguyện hơn sẽ đón nhận ở tháng ngày phía trước. Lại như bỗng nhiên rất cũ kỹ, lùi về xa xôi, sắc hoa lá này giữa những ngôi nhà cổ hai bên hè phố, trong một chợ hoa Tết đã có tuổi hơn nhiều tuổi hôm nay của ta. Nhưng cũng là rất mới, như mọc tiếp, mọc còn dài lâu những thân tre, đốt mía làng quê, những hoa cành lá mới của vườn tược, ruộng đồng. Và từ hôm qua đến hôm nay tới ngày mai, cái tập quán sinh hoạt cùng cây cối tươi đẹp vẫn được giữ, được duy trì và hòa hợp cùng vô vàn hiện tại của nghìn, triệu con người.

Chợt nhớ người chăm đào chất phác và lam lũ trong mấy người trồng đào hiếm hoi còn lại nơi làng ven hồ Tây mà tôi đã có mấy năm lên chơi, mượn hoa về bày. Người đàn ông ấy, giữ ruộng đào như là để cho mình được nhìn thấy, được chăm tỉa cây và hoa thôi vậy. Chứ chẳng nề gì mấy chuyện bán chác, thuê mướn đào mỗi năm, cái điều vốn là lẽ thường phải thế của người chăm cây cả năm trông tiền cuối vụ. Giữ lại vài chục gốc đào trong thửa ruộng ven đường mà quanh đấy đất đai đã đo bán gần hết. Con đường mù bụi một thời sang sửa, tôi tìm lên, giữa ruộng đào, xem những bông hoa cánh kép đầu tiên nở to, thấy mùa xuân đã bắt đầu quyến luyến vạt đất này, mà mình đứng ở đây, len lỏi giữa lộc đào tua tủa xanh ngát và những bông nụ đỏ chói, cứ như là đang đón Tết vậy. Lạnh, mà sao cứ muốn đứng chơi lâu ở vườn đào nhỏ ấy, nghe kể chuyện chăm đào, trông đào. Người trồng đào quý ai thì có khi cho mượn cả Tết chứ không chịu lấy đồng cho thuê nào. Không lấy cây thì cưa cho mấy nhánh đào dông, những bụi đào cho mọc tự do, chả cần chăm nom, đem về cắm chum cắm vại. Thân đào thuôn dài nghiêng ngả, dựa, đan vào nhau, đem lại cho căn phòng mùa xuân một cảm giác vườn tược.

Đất làng phường hóa, đất huyện quận hóa, xu hướng đô thị hóa ào lên nhanh lắm. Làng cổ cố níu giữ nếp sinh hoạt thôn xã cũng không tránh khỏi dòng chảy bê tông hóa ào ạt phủ kín ruộng đồng. Tôi nhìn những con đường mở rộng chạy bắt ngang các đại lộ, nhớ rằng trước kia rợp bóng hai hàng xà cừ, và thấp thoáng phía ven đường, những cụm hoa đào đỏ rung rinh theo bàn tay người trồng vườn đang cắt tỉa. Thấp thoáng bóng người vừa bước ra trong căn lều nhỏ trống trải. Mùa xuân mới lại về, đồng hiện những hình dung và sắc màu rực rỡ. Đất đai, phố xá đồng hiện trầm tích vàng son của lịch sử, của văn hóa bao lớp người dựng nên, đắp thêm lên. Bao nhiêu lớn lao, thiêng liêng, được khởi nguồn, góp gom từ những điều nhỏ bé. Ngay cả khi có những khoảnh khắc riêng tư vuột qua, những tên ai đó là vô danh trong dòng trôi kỳ vĩ của lịch sử, thì những gì bình dị, nhẹ nhõm mà thân mật từ thời khắc, con người xung quanh gợi nên cho ta, vẫn là ký ức tươi đẹp mà ta phải giữ lấy, trong sự hiện diện chung với bao điều lạ lúc xuân mới đang về.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng hiện với hoa anh đào