Nhớ thú chơi hoa thủy tiên

Thu Hằng| 11/02/2021 04:24

(HNNN) - Người Hà Nội nổi tiếng cầu kỳ từ lời ăn tiếng nói đến những thú chơi. Chơi hoa thủy tiên là một thú chơi tinh tế, công phu và tao nhã của người Hà thành. Thú chơi này không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng cứ mỗi độ Tết đến, tại đền Bạch Mã xưa vẫn thường có hội thi hoa, thưởng hoa thủy tiên...

Người chơi thủy tiên thưởng thức vẻ đẹp từ hoa, lá, dáng, rễ, củ... Ảnh: Vân Nam

Ngày Tết với hoa thủy tiên trong ký ức

Dù nhiều năm sống ở nước ngoài nhưng nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách vẫn giữ phong thái và cốt cách của người Hà Nội trong thú chơi Tết. Với ông, từ khi còn bé đến nay, các giò thủy tiên trong bát sứ cổ và hương thơm quý phái của loài hoa này vẫn là biểu tượng của ngày Tết Nguyên đán.

Còn họa sĩ Lê Thiết Cương vẫn nhớ như in lời bà anh kể, rằng thủy tiên là loại hoa không thể thiếu được trong ngày Tết của người Hà Nội. Trong những bức ảnh gia đình treo ở phòng khách có một bức lớn chụp bà anh ngồi trên chiếc ghế vách bên cạnh cái bàn bán nguyệt mặt đá, trên bàn có một lọ hoa thủy tiên. Phần bo của bức ảnh còn nhìn rõ mấy dòng chữ ghi bằng bút mực: Giải nhì Hội thi thủy tiên xuân Canh Thìn, Hà Nội 1940.

Với họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ, trong ký ức Tết ngày bé không có cành đào cắm trong nhà mà phần nhiều là hoa thủy tiên và hoa cúc. Cha ông, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc thường bảo: “Ai cũng nhổ một cây đào về nhà cắm, rồi xong thì Tết vứt đi, chả ra sao cả. Nhẽ ra cả vùng Nhật Tân, Xuân Đỉnh là một rừng đào, Tết đến rủ nhau lên ngắm giữa thiên nhiên, như dân Nhật thưởng thức hoa anh đào, có phải đẹp không”.

Năm nay đã xấp xỉ 80 tuổi nhưng nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn vẫn nhớ như in những ngày Tết từ thuở ấu thơ khi gia đình bà còn ở Tứ Liên - xưa là ngoại thành Hà Nội. “Hàng xóm nhà tôi ngày ấy là nhà bác Hai Phụng vô cùng thân thiết. Bác Phụng trai cứ đận giáp Tết lại ngồi ngoài sân chung, gọt khoảng 30 - 40 củ “hành tây”, chị em chúng tôi thường ngồi cả buổi tối xem bác gọt rất tỉ mỉ và thong thả. Bác vừa làm vừa giải thích: “Các cháu biết không, chơi hoa thủy tiên ngày Tết là niềm vui thanh tao, nho nhã và sang trọng của người Hà Nội. Nhưng thích nhất là tự gọt thủy tiên cách nào để gần 30 Tết là bắt đầu nở. Các cháu cứ nhìn hằng ngày thì biết, thủy tiên lớn nhanh lắm đó. Khoảng giữa tháng Chạp là lá lên xanh um rồi. Lúc đó lại xem bác tỉa lá nhé. Tỉa sao cho ai thích hoa nở tròn là có hoa tròn đầy, ai thích hoa nghiêng bên phải là có nghiêng bên phải. Hay là bố các cháu thích một chậu hoa lại chia làm hai nhánh, bác cũng gọt sao để khi nở hoa sẽ ra hai nhánh”... Bọn chúng tôi ngồi há miệng im thin thít nghe bác kể chuyện gọt hoa. Đến khoảng 25, 26 tháng Chạp, chúng tôi thức dậy khi hoa thủy tiên của bác xếp đầy ngoài sân đã nở lác đác, mùi thơm tinh khiết, thoang thoảng mà như lơ lửng đâu đây. Mọi người được bác gọt hoa tặng đã lần lượt đến nhận chậu thủy tiên mà mình dặn trước. Và ai cũng có chút quà, người thì con gà, người chai rượu, mấy chiếc bánh chưng, hộp bánh hoặc cành đào mang biếu vợ chồng bác. Riêng nhà tôi, bố đã dặn trước nên bọn tôi chọn bình thủy tiên mà củ đã được bác chia hai khéo léo, tỏa ra hai nhánh vươn cao nở hai chùm hoa trắng tinh e ấp, hẹn đúng mùng một Tết sẽ nở bung đón mừng năm mới” - nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn hào hứng kể...

Không chỉ thưởng hoa, xưa, những nhà quyền quý ở Hà Nội mùa xuân thường ướp trà với hoa thủy tiên để gia đình dùng hoặc đãi khách thân. Sinh thời bà Trịnh Văn Bô kể về cách ướp trà: Hoa thủy tiên được hái rất nhẹ nhàng, trà với hoa trộn theo tỷ lệ nhất định, không đem sấy mà cho vào chai con cóc, một loại chai lọ phổ biến thời xưa, sau đó đóng nắp bằng xi măng cho thật kín, rồi cất nơi thoáng mát uống quanh năm. Nay hầu như không ai ướp trà với loài hoa này nữa.

Thú chơi tao nhã của người Hà Nội

Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, chơi hoa thủy tiên rất cầu kỳ từ khâu lựa củ, gọt hoa, chăm uốn... Bù lại, người chơi hoa có thể thưởng thức vẻ đẹp hài hòa của cả rễ, lá, hoa và hương thơm rất đặc biệt mà không loài hoa nào có được. Chính vì vậy mà thủy tiên là loại hoa duy nhất dùng bát cắm riêng, không phải lọ, bát bằng thủy tinh hoặc pha lê trong suốt, chân cao, loe miệng. Bát cắm thủy tiên không thể dùng vào bất kể việc gì khác.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cho biết, các cụ ngày xưa nếu muốn dự các kỳ thi thủy tiên thì phải rành rõi về các thế của thủy tiên, ít nhất là các thế căn bản như long, lân, quy hay phụng. Các thế này chỉ thể hiện qua cách gọt tỉa lá thôi. Hoa không tính. Thí dụ như nếu muốn tỉa thế phụng thì để ba giò lá phía sau mọc thẳng tự nhiên, trong khi lá hai bên bẻ uốn hay gãy gập ra ngoài. Nếu cũng sắp đặt như vậy, nhưng lá hai bên uốn vào trong thì sẽ thành thế long... Tất cả phải được thực hiện từ việc chuốt tỉa lá. Chứ không được dùng các thủ thuật như uốn lá, cài tăm... Người ta đặt ra các điều lệ thi chưa chắc đã vì tính mỹ thuật, mà nhiều khi chỉ để thử thách tài nghệ của người thi thôi.

Biết thưởng thức, biết chăm sóc, biết tìm được một giò thủy tiên đẹp không dễ. Được bộ rễ mượt, trắng thì lại ngắn. Tốt lá thì lại ít nụ... Ấy là chưa kể thời tiết, đông chí sớm hay muộn, ấm hay lạnh, nồm hay hanh tùy năm nhiều, năm ít, thậm chí chợ hoa Hàng Lược có năm chẳng một hàng nào bày bán thủy tiên. Người đẹp thường đỏng đảnh. Thủy tiên là loại khó tính, đòi hỏi người chơi phải công phu và biết chiều chuộng nó, phải biết nương theo cái thất thường của thời tiết mà kìm, ủ, thúc cho hoa nở không sớm, không muộn, sao cho cứ đúng giao thừa, thủy tiên mới nở hàm tiếu thì may mắn nhất.

Họa sĩ Lê Thiết Cương kể, sinh thời, bà anh có một cái hộp nhỏ bằng gỗ Hoàng hoa lý đựng mấy món đồ chuyên dùng sửa hoa. Từ cái bút lông thỏ để chuốt rễ thủy tiên cho trắng đều, một cái bút nhỏ, cứng để cọ lớp nhựa bao bên ngoài củ, mấy con dao bằng cật tre để gọt củ, kéo ngắn để tỉa lá...

Người xưa mê thủy tiên bởi đó là một kỳ công chinh phục. Người nóng tính, hấp tấp, vội vàng khó chơi được hoa thủy tiên. Mỗi khi gọt, tỉa, chăm sóc, uốn chỉnh thủy tiên đều cần sự tĩnh tại, tập trung tinh thần cao, nếu không rất dễ bị phạm, gãy, hỏng. Cái đẹp của thủy tiên là cái đẹp vẹn toàn, đẹp từ rễ, lá, hoa, hương và tổng hòa cả dáng thế.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách, lần cuối ông được nhìn thấy người Hà Nội chơi hoa thủy tiên là Tết năm 1962. Bẵng đi mấy chục cái Tết thời chiến tranh gian khó, thời hậu chiến đói nghèo, Hà Nội không thấy bóng dáng của thủy tiên. Mấy năm gần đây, thủy tiên đã quay trở lại. Chợ hoa Tết ở Hà Nội có rất nhiều hàng bán hoa thủy tiên. Tuy nhiên, thú chơi này mới chỉ hồi sinh phần “xác” mà chưa sống lại phần “hồn” của lối chơi xưa.

Như nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng đã nói, hồn cốt Hà Nội nằm ở con người. Người Hà Nội chuộng sự tinh tế, cái gì các cụ để lại là gìn giữ, chăm chút... Rất mừng là giới trẻ bây giờ bắt đầu biết học để gọt thủy tiên thành các thế, dáng cổ truyền, giữ được nét đẹp của người Hà Nội. Họ tự lập các hội nhóm yêu hoa thủy tiên, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chơi hoa và những tác phẩm hoa thủy tiên đẹp mắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ thú chơi hoa thủy tiên