Giỗ chạp

Phùng Hoàng Anh| 23/01/2021 13:29

(HNMCT) - Tôi sinh ra ở làng, lớn lên ở làng. Các cụ nhà tôi nối đời làm trưởng một nhánh của một họ lớn chiếm tới 2/3 dân số của cả làng nên có những người dẫu đã gần 80 tuổi vẫn theo giỗ nhà tôi. Còn nhà tôi, từ các cụ, ông nội, bố, và cả tôi bây giờ ở nhà mình làm trưởng, nhưng lấy vợ ở một họ khác, thì lại theo phong tục truyền thống là góp giỗ bên ngoại.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Đã thành lệ, trước ngày giỗ tổ tiên, mọi người bao giờ cũng đi gửi giỗ với lễ vật được chuẩn bị theo lệ cổ thường là gạo nếp, gà trống, rượu, hoa, quả... Nhà trưởng làm cỗ dâng cúng người mất trong ngày giỗ, con cháu các chi, nhánh cả nội ngoại tề tựu trước nhà thờ gia tộc dâng hương tưởng nhớ tổ tiên, ông bà. Ngày giỗ là dịp gia tộc quây quần, các thế hệ con cháu phấn đấu noi theo tấm gương tốt của tổ tiên để tiếp tục truyền thống hiếu học, nhân nghĩa... của gia tộc. Những tấm gương sáng sẽ được các cụ ghi lại trong gia phả tộc họ. Sau khi dâng hương xong, người trưởng tộc có thể nêu ngắn gọn cuộc đời và hành trạng của các tổ ở các đời cho con cháu biết và tiếp nối học tập.

Ngày giỗ lớn của trưởng chi tộc, con cháu về tề tựu dự giỗ thật đông, trong đó có những nhánh đã an cư ở những địa phương khác, thậm chí ở nước ngoài. Nhưng khi về quê dự giỗ, con cháu nhiều đời gặp gỡ nhau tại nhà tổ, chào hỏi nhau ríu rít, rất chân tình và ấm áp, đúng nghĩa “máu chảy ruột mềm”, “một giọt máu đào hơn ao nước lã”... Sau phần dâng hương, con cháu cùng thụ lộc. Thật xúc động vô cùng khi mọi người, dù công việc bận rộn đến mấy cũng cố gắng về dự đông đủ.

Ngày giỗ rất quan trọng, vì đó là dịp sum họp con cháu trong đại gia đình. Bên nhà ngoại, mẹ tôi là út. Ngày nhỏ, bao giờ tôi cũng được theo mẹ về dự lễ giỗ ngoại. Cảm động nhất là ngày giỗ ông ngoại vào đầu xuân, cũng gần ngày mất của cụ ngoại gái, nên lâu dần đã gộp vào làm giỗ cùng một ngày. Tôi là cháu ngoại, thi thoảng mới về quê nên nhớ mãi những ngày giỗ ấy, tình cảm gia tộc sao mà thân thiết, gần gũi. Ngày giỗ, cũng là dịp tôi được “nhận mặt” họ hàng, thuộc các thứ lớp trong đại gia đình bên ngoại để biết cách xưng hô cho đúng. Giỗ ngoại năm nay, mẹ tôi cũng về với ông bà đã chục năm rồi, tôi thay mẹ đi về góp giỗ mà lòng dưng dưng nhớ mẹ khôn nguôi.

Gần năm mươi tuổi đời, trải qua rất nhiều mùa giỗ, chứng kiến sự thăng trầm của xã hội, tôi ấn tượng sâu sắc về ngày giỗ tổ tiên cả trong ký ức và hiện tại. Có nhiều dòng họ lớn, người khai mở dòng họ ở một vùng đất, khi mất đi con cháu nhiều đời sau tổ chức lễ giỗ họ. Cả họ, bao gồm các chi, nhánh cùng góp giỗ và làm lễ tại nhà thờ họ. Người đầu tiên khai khẩn, mở đất, lập làng, lâu đời trở thành Thành hoàng làng được thờ trong đình, đền, miếu thì cả làng lại làm giỗ vào ngày hội làng. Người Việt còn có cả ngày Quốc giỗ nhằm tưởng nhớ công lao lập nước của các vị vua đầu tiên của dân tộc. 

Càng có tuổi tôi càng hiểu thêm về ý nghĩa của ngày giỗ. Đó không chỉ là dịp thể hiện tấm lòng “uống nước nhớ nguồn”, hiếu kính với tổ tiên, mà còn là dịp để gia tộc sum vầy, con cháu tề tựu nhận mặt họ hàng, trước là tưởng nhớ tổ tiên, sau là thăm hỏi người cao tuổi, chia sẻ với người còn khó khăn... Dẫu giờ đây cuộc sống hiện đại, nhiều phong tục, thói quen đã được giản lược thì ngày giỗ vẫn mãi là nét đẹp văn hóa truyền thống được kế thừa, trao truyền và lan tỏa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giỗ chạp