''Di sản'' thắm tươi chảy bên sông lớn

Quang Hưng| 01/01/2021 11:23

(HNMCT) - Vùng cây xanh mát mở ra từ những con đường Liên Mạc, Phúc Diễn, Tây Tựu... Hồng bạch trắng tinh khôi, cúc chi vàng ruộm, hoa phăng cách màu trải theo hai bên. Ùn xe người từ trung tâm thành phố về đến đường Hồ Tùng Mậu chia đôi hai quận Nam - Bắc Từ Liêm, chóng mặt với những đi những phanh những dừng tưởng như mãi mãi, lạng được vào đường hoa và cây, thoáng chốc nhẹ cả người.

Minh họa: Nguyễn đăng Phú.

Vô tình chúng tôi có những dịp được thấy lần thì lá non mây mẩy, lần thì hoa màu sặc sỡ, lần thì chỉ còn những luống đất chờ gieo mới. Có hôm um tùm những tán bưởi xanh thẫm, nhìn từ xa lấm tấm hoa trắng. Ngày khác đã thấy những quả tròn mập da xanh bóng bọc trong nilon. Và lần nào cũng là những người lụi cụi khi cắt hoa, khi buộc giàn, khi gánh thùng tưới tắm, khi cầm cuốc xới gốc, đi ủng, áo khoác dài tay, đeo khẩu trang kín mít. Người trong làng đã lên phường nhưng nguyên vẻ lam lũ với chiếc áo xanh công nhân hay mấy bộ đồ màu vải cũ sờn.

Còn những hàng cây thì xanh rợp suốt năm. Các hàng xà cừ to khỏe vượt lên không trung. Có cảm giác cây lớn mạnh gánh cả một không gian thôn làng vậy. Tôi liên tưởng rặng tre xanh um dang rộng vòng tay bảo bọc làng mạc và thấy rằng, những vùng cây cối của mỗi một làng quê cho cảm giác như cộng đồng nơi này có chỗ nương dựa, bên cạnh những vùng trú ẩn tinh thần là đình chùa miếu quán, là ban thờ gia tiên. Xà cừ mọc theo những đường kéo về phía đê, giữa các ruộng hoa, nối ra gần đến đường mới mở rộng tấp nập, lô nhô chung cư, nhà cao.

Tôi mơ ước người địa phương cố gắng giữ gìn như bây giờ, và rồi từng bước tái tạo cỏ cây hoa lá, không để cửa nhà, phố xá, chung cư tràn vào ăn hết cả vùng đất màu đẹp đẽ làm thành cái vệt xanh giữa quốc lộ và đê sông Hồng. Một vùng đệm của hoa, của cây, của không gian làng mạc còn sót lại. Phải giữ không gian đó, giữa xanh trong thấp thoáng điểm mái chùa, những cổng làng mở về phía sông, chỉ vài bước là đã lên mặt đê, nhận mùi gió nước phù sa loang loáng. Nhiều làng trong phố như Khương Đình, Ngọc Hà, Vạn Phúc, Vòng, Mai Dịch... nay còn lại phần “lõi làng” là các di tích, là hội hè lễ tết, còn “tấm áo” là các vùng cây, các không gian xanh đã biến mất. Đó chính là bài học từ câu chuyện làng lên phố. Sẽ đẹp đẽ biết bao khi phường, quận giữ được phần hồn gốc gác làng quê xưa. 

Như bây giờ, đi qua phố mới Phúc Diễn, Tây Tựu, Minh Khai, Liên Mạc đến Nhổn, vốn đều là làng xã huyện Từ Liêm trước, nối sang các xã ven sông của Hoài Đức, Đan Phượng, càng thấy quý bao nhiêu những ruộng hoa, hàng cây, vườn tược xanh tốt đang... thưa dần đi. Dòng xanh điểm màu hoa, bừng những mùa hoa mở hè, gọi xuân, chờ Tết, nhẫn nại chảy bên này đê, nhận một phần màu mỡ dòng sông mẹ ngấm qua đất vào nuôi nấng. Bao năm, và qua bao đời, người ta hãnh diện nói về đất hoa, đất cam, đất bưởi, những hoa quả gánh vào làm tươi mới phường phố, những sản vật làm sáng thêm các vùng thôn dã kề cận Thăng Long - Hà Nội và lan hương vị, tỏa tiếng thơm đi xa. Phải nói rằng, ấy là di sản sống, còn tươi thắm của những dải đất nối dài bên sông. Giờ cần lắm đấy, giữ không gian cho di sản hiện diện thanh tân, hài hòa bên cuộc sống con người sung túc. 

Sông làng, sông cây, hoa, quả - sông di sản chảy tốt tươi theo sông nước, nối về phố, mở ra ngoại thành, nâng đỡ tâm hồn con người, bớt một phần tâm trạng nhọc mệt phố xá chen chúc, dẫn hướng tâm hồn, tiếng nói các vùng đất khác mới đến đây còn lạ lẫm, cần được biết để nhập gia tùy tục. Muốn vậy, phải giữ cho được dòng sông di sản ấy lớn, rộng, ăm ắp lá xanh, quả tươi, hoa đầy màu sắc quanh năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Di sản'' thắm tươi chảy bên sông lớn