Tiếng rao vang đâu đây...

Trà Giang| 29/09/2020 23:04

(NSHN) - “Hà Nội ơi tươi xanh màu áo học trò/ Những con đường thân quen còn đó/ Tiếng rao vang đâu đây nghe động trời đêm”. Những câu hát trong ca khúc “Hà Nội đêm trở gió” của nhạc sĩ Trọng Đài gợi cho người nghe về một âm thanh rất Hà Nội, thứ âm thanh giàu tính nhạc đã đi vào thơ ca và cả hội họa: Tiếng rao!

Theo nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: “Tiếng rao của những người bán hàng rong ở Hà Nội ít nhất có từ thời Lý. Cho đến nay, phố phường Hà Nội vẫn còn những tiếng rao. Ban đầu, tiếng rao đơn giản chỉ là để báo cho dân phố biết họ bán cái gì, rồi dần dần nó có vần, có nhịp và thành "folklore đường phố" của Hà Nội...”. 

Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, các sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã ký âm lại tiếng rao bên dưới những bức ký họa như một dấu tích về đời sống đô thị độc đáo của Hà Nội thời bấy giờ. Những bức vẽ đó được Viện Viễn Đông Bác cổ tập hợp thành một cuốn sách mỏng in hai mặt xuất bản năm 1928. Cuốn sách đã lưu lại các ký họa bằng chì và màu nước về những người bán phở, mía, nước chè, cháo, bánh mì rong trên phố Hà Nội. Những tiếng rao được ký âm dưới mỗi bức tranh như những khuông nhạc, là một nguồn tư liệu quý giá cho hôm nay.

15 sinh viên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tái hiện hình ảnh hàng rong trên phố Hà Nội và ký âm cả lời rao độc đáo.

Những tiếng rao đi vào tranh như những khuông nhạc.

Những bức họa đã trở thành tư liệu quý.

Tháng 9 năm ngoái, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội - L'Espace tổ chức triển lãm “Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội”, lần đầu tiên đưa những ký họa này đến với công chúng trong một sự tương tác đặc biệt với âm thanh. Âm thanh những lời rao được nghệ sĩ Đàm Quang Minh và nhóm Đông Kinh cổ nhạc chuyển thành những nốt nhạc rồi phát ra từ chiếc hộp gỗ phía sau mỗi bức tranh. Khi người xem chạm hoặc di chuyển trên mặt tranh sẽ nghe thấy âm thanh tương ứng với hình ảnh.

Khán giả vừa thưởng thức những ký họa, vừa lắng nghe tiếng rao trong triển lãm tương tác tại L'Espace tháng 9-2019.

Những tư liệu này cho thấy tiếng rao của Hà Nội rất giàu tính nhạc, thậm chí có học giả còn khẳng định, chưa thấy một dân tộc nào có tiếng rao hàng đầy nhạc tính như người Việt Nam. Thời gian gần đây, nhiều nhạc sĩ đã thu tiếng rao để đưa vào các tác phẩm âm nhạc thể nghiệm của mình, vẽ nên bức tranh Hà Nội bằng âm thanh. Và đây cũng là âm thanh đã đi vào rất nhiều ca khúc như một thứ biểu tượng của đời sống mưu sinh nơi thành thị: “Nặng trĩu tiếng rao hàng/ Ai mua hàng ơi/ Vọng vui tiếng gánh hàng rao/ Chìm trong nắng, chìm trong tiếng phố ồn ào” (“Tiếng rao hàng gánh” - nhạc sĩ Nguyễn Hằng Giang)...

Sau triển lãm tại L'Espace, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp phối hợp với NXB Kim Đồng tiếp tục đưa những bức ký họa đặc biệt này đến với công chúng trong cuốn sách “Hàng rong và tiếng rao hàng Hà Nội”, sẽ ra mắt vào tháng 10 tới.

Tiếng rao với người Hà Nội không phải chỉ là một âm thanh quen thuộc của đời sống, nó còn là âm thanh của hoài niệm, của nỗi nhớ. Thứ âm thanh dễ gợi cảm xúc, đặc biệt trong cái se lạnh của những đêm cuối thu, cái giá rét nao lòng của những đêm đông đất Bắc. Nhớ về Hà Nội là nhớ đến những tiếng rao đêm! "Đêm mùa đông đi trên con đường quen/ Nghe tiếng rao bồi hồi nỗi nhớ/ Đâu hàng cây quạnh hiu phố cũ?/ Hà Nội ơi đêm mùa đông, Hà Nội ơi…" (Bài “Hà Nội đêm mùa đông” của nhạc sĩ Hoàng Phúc Thắng)...

Với người Hà Nội, tiếng rao đã trở thành một di sản!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếng rao vang đâu đây...