Chùa Hương ngày trái hội

Phương Quang - Ảnh: Đan Toàn| 04/10/2020 15:34

(NSHN) - Đã nhiều năm nay, dù muốn tôi cũng không đi Hội chùa Hương, một lễ hội kéo dài nhất và có thể là đông người tham dự nhất Việt Nam. Hội chùa Hương kéo dài từ đầu tháng Giêng cho đến hết tháng Ba âm lịch với số khách hành hương trung bình 6-7 vạn người mỗi ngày.

Những năm gần đây, rất nhiều người Hà Nội và các vùng lân cận có nếp quen đi lễ chùa Hương ngay ngày đầu năm mới, thậm chí ngay sau Giao thừa mà không đợi tới ngày khai hội mùng 6 tháng Giêng…

Muốn ăn rau sắng chùa Hương
Tiền đò ngại tốn, mà đường ngại xa…

(Tản Đà)

Cái sự đông đúc của dòng người đi cầu tài cầu lộc… trong mùa chính hội nói lên sức hút mạnh mẽ của lễ hội chùa Hương, cả về mặt tâm linh lẫn cảnh sắc. Song nó cũng chính là nguyên do cho sự ngại ngần của tôi, và chắc cũng của nhiều người khác, khi đến với vùng đất danh thắng này những ngày đầu năm, dù vào thời khắc ấy, đôi lúc nhớ đến nao lòng những cánh đò xao xác trôi trên suối Yến mờ ảo trong làn mưa bụi… Đơn giản là sự đông đúc ấy ít nhiều làm cho Lễ hội bị pha trộn bởi mùi trần tục, bán mua và quan trọng hơn, đối với những khách hành hương với mong muốn tìm về một miền không gian thoáng đãng, trong lành thì cơ hội không có bao nhiêu. 

Đem cái tâm trạng ấy chia sẻ với bạn bè, một anh bạn quê vùng đồng chiêm trũng Mỹ Đức gợi ý: Cứ gì phải đi vào mùa lễ hội, hãy cứ thử đến Hương Sơn vào một ngày thu… Vậy là vào một ngày thu năm nay, mấy anh em tôi làm chuyến hành hương về đất Phật ngày trái hội.

Cũng là con đường 21, nối từ Ba La - Bông Đỏ qua Vân Đình về cầu Tế Tiêu mà sớm nay cho một cảm giác là lạ. Con đường mà vào ngày chính Hội, ngay từ sáng sớm đã tấp nập người xe thì sớm nay vẫn như đang ngái ngủ trong làn sương thu mỏng mảnh. Hơn 6h sáng, muốn dừng ở Vân Đình nếm món bánh cuốn đặc sản cùng bánh đa đỏ nấu cá rô đồng cũng e quán quen chưa mở cửa. Con đường từ thị trấn huyện Mỹ Đức chạy về Hương Sơn, ít năm nay mở rộng thênh thênh, nay càng rộng khi chỉ dăm ba chiếc xe chạy. Bến Đục với dăm ba chiếc đò đón khách thay cho cảnh đông đúc thường thấy cùng làn nước leo lẻo của mùa thu dậy lên cảm giác thư thái, an lành khó kìm được ước muốn khỏa tay mà vốc lên một ngụm nước mát. Từng đi chùa Hương nhiều lần, mà sao cái cảm giác ấy bây giờ mới ùa đến. 

Một cảm xúc thật lạ khi xuôi dòng Yến Vĩ. Ngồi trên con đò trôi chầm chậm, qua làn nước mùa thu trong leo lẻo có thể nhìn rõ những búi rong tóc tiên dập dờn theo nhịp chèo khua sóng. Không khí trong lành, cảnh sắc thanh tịnh, hơi thu lành lạnh như xua đi mọi muộn phiền, xô bồ của cuộc sống. Không chỉ có thế, dòng suối Yến ngày thu còn dành tặng cho du khách món quà đặc biệt. Tháng 10 là thời điểm hoa súng nở rộ. Vào buổi thật sớm, nếu cất công rẽ vào con lạch nhỏ gần cầu Hội ngay lối vào động Thanh Sơn bạn sẽ nhận được một phần thưởng xứng đáng. Cả một thảm hoa súng nở hồng trên gương nước lung linh in sắc trời thu xanh thẳm. Một cảnh đẹp khiến ta bất giác muốn nín thở vì nỗi lo khuôn hình đẹp như một ảo ảnh ấy sẽ tan biến như trong một giấc mơ. 

Nắng thu nhè nhẹ, hơi thu man mác như mời gọi mấy anh em, vốn là những tín đồ của môn đi bộ rèn luyện sức khỏe, từ chối sự thuận tiện của tuyến cáp treo để men theo 2 cây số đường núi quanh co từ Thiên Trù lên Động Hương Tích. Thật bõ công khi được đặt chân trên từng bậc đá được những cơn mưa cuối hạ rửa sạch, ngắm nhìn cây lá đã nhuốm sắc thu, thư thả rửa mặt bằng nước giếng Long Tuyền mát lạnh nơi chùa Giải Oan, thắp tuần hương lễ Mẫu nơi đền Cửa Võng mà không lo cảnh chen chúc tắc đường cũng như hàng quán xô bồ. 

Chưa bao giờ sau chuyến hành hương về Hương Tích mà tôi lại có cảm giác sảng khoái, tràn đầy sinh lực đến như thế. Lặng ngắm mái ngói thâm trầm của chùa cổ Thiên Trù, chiêm ngưỡng vẻ đẹp những đầu đao cong vút không bị che lấp bởi mù mịt khói hương như cữ Giêng, Hai, tôi tự nhủ: Nhất định sẽ còn rủ bạn bè đến thăm Hương tích ngày trái hội…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chùa Hương ngày trái hội