Mùa nước lũ mênh mang một thuở

Văn Quý Yên| 20/09/2020 06:37

(HNMCT) - Hơn sáu giờ chiều mà mặt trời vẫn đung đưa bên mấy vạt mây lãng đãng phía đằng tây. Chiều kém gió. Nhỏm dậy trên đám cỏ gà bên sườn con đê quai, tôi gọi mấy đứa cháu cuộn dây thu diều. Bứt ngọn cỏ đưa lên miệng rồi ngơ ngẩn nhìn khoảnh ao nước trong leo lẻo dưới chiều tà. Cái ao này chính là cái lỗ vỡ đê quai nước xoáy vào tạo thành đã mấy chục năm. Xung quanh được rào kín với cái biển có dòng chữ to: “Ao sâu. Cấm tắm. Nguy hiểm”.

Năm trước có đám trẻ ra tắm bị đuối nước, may được phát hiện kịp, nên sau đó trẻ nhà ai ra chơi diều là phải có người lớn đi kèm. Ngắm nhìn cái lỗ vỡ, tôi bần thần nhớ về một thuở nhà cửa, cây cối ruộng vườn ngoi ngóp trong mùa nước lũ...

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Làng tôi đất bãi sông Hồng. Có đê quai nhưng cũng chỉ chịu được nước báo động số II, khi lũ về cao hơn là tràn. Mùa lũ trong khoảng từ tháng Năm đến cuối tháng Bảy âm lịch, lũ về là cả làng “chạy lũ”. Nhà nào cũng trữ sẵn dăm bảy đoạn tre dài, thừng chão... chằng buộc lên cột nhà, gác ván lên để kê đồ đạc và chuẩn bị chỗ nằm. Ngô, thóc trong chum lấy vơi đi, buộc sợi dây thừng vào cổ chum cho lên xuống tự do theo mực nước trong ba cái cọc tre giữ xung quanh. Đặt bếp kiềng trong chảo gang buộc vào cột nhà để đun nấu...

Khi nước lớn, cả nhà tập trung chống lụt ở nhà để bố tranh thủ bơi thuyền thúng ra cánh đồng đầu làng thả lưới bắt cá. Bố bảo: “Mấy ngày đầu, cá “mừng nước” hay đi chơi lung tung nên dễ sa lưới”. Quả thế thật, suốt 4 - 5 ngày có nước mới, cứ lưng lửng buổi tôi lại bơi thuyền ra lấy cá cho mẹ đi bán. Những lúc rỗi lại thả cái chũm ở đầu ngõ bắt những con cá “ngơ ngẩn lạc đường”. Khắp nơi trong ngõ xóm, trên cánh đồng quanh làng lênh đênh những thuyền thúng, bè cây chuối... cùng những cánh chũm đủ kích cỡ.

Nước lũ xuống đến đâu thì cọ rửa nhà cửa, đồ đạc đến đấy. Nước rút đi để lại lớp đất bùn phù sa, gạt hết đất ấy ra vườn là sang năm sẽ cho những buồng chuối mọng căng. Rồi bố mẹ ra đồng bãi chuẩn bị cho mùa vụ mới, còn bọn trẻ í ới gọi nhau mang theo chậu men hay cái thời, cái đó... đi tát vét ở rãnh ruộng mía, khi thì được mớ cá lành canh, lúc lại được cá nheo cỡ bằng chuôi dằm cỏ. Chưa hết, bọn trẻ còn mò mẫm đi đánh dậm ở mương ngòi hay những vũng nước đọng, kiếm được vô khối tôm, cua, tép cho bữa cơm gia đình. Nhiều buổi, cá tôm nhiều, nhà ăn không hết nên mẹ lại mang đi bán, thế là có thêm tiền mua sách vở, đồ dùng học tập cho các con.

Mùa lũ này qua đi, mùa lũ kia lại đến, mỗi năm khắc đậm dấu ấn tuổi thơ nhọc nhằn gian khó nhưng lại tạo rèn kỹ năng sống phong phú. Nhớ nhất mùa lũ năm 1971. Nước ngập cửa ra vào căn nhà cấp bốn, mẹ cùng mấy em đi sơ tán, còn hai bố con tôi ở lại chặt đoạn đòn tay mái nhà dỡ ngói lấy chỗ chui ra chui vào.

Có người làng lên Hà Nội sơ tán nhờ họ hàng ở phố Hàng Đậu về kể: “Ngồi trên cầu Long Biên mà hái được cả hoa bèo tây trên sông”, đủ biết nước năm ấy lớn thế nào. Sau mùa lũ to năm ấy, tôi vào bộ đội. Nhờ trải qua những mùa lũ quê nhà nên lúc vào trận không chỉ cẩn thận gói ghém tư trang cá nhân mà còn giúp đỡ đồng đội bình tĩnh vượt sông Hiếu, sông Lai Phước... an toàn khi tham gia chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972.

Mấy chục năm nay không còn lũ mênh mang nữa. Bên mấy đứa cháu ríu rít nghịch cười vui vẻ, tôi nhìn xuống dòng sông đã bị thu nhỏ hẹp bỗng thấy thấp thoáng hiện về lá thuyền mảnh dẻ, bồng bềnh cùng dáng bố cặm cụi một tay bơi thuyền, tay kia kéo từng đoạn lưới...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa nước lũ mênh mang một thuở