Bút máy Trường Sơn ngày ấy

Phạm Kim Thanh| 25/07/2020 09:06

(HNMCT) - Mỗi lần đọc lại những lá thư của cha tôi viết bằng bút máy Trường Sơn, nhớ da diết những ngày xưa thơ bé, đọc từng dòng cha viết từ Trường Sơn ngàn dặm gửi về, nét chữ phóng khoáng nghiêng nghiêng trên giấy pơ luya Trúc Bạch và giấy thếp có dòng kẻ của nhà máy Việt Trì.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Thời nay, các bạn trẻ không thể hình dung nổi hình dáng chiếc bút mang tên Trường Sơn huyền thoại.

Với chúng tôi, những học trò viết bút máy Trường Sơn vào những năm 1960 - 1970, cây bút đã trở thành kỷ niệm sâu sắc. Tạm biệt chiếc bút lá tre viết bằng mực tím để luyện chữ trên giấy ô ly suốt bốn năm học cấp 1; sang đầu cấp 2, tôi hớn hở khi được mẹ thưởng cho chiếc bút máy nhỏ xinh màu xanh đậm. Thân bút có ống đựng mực nhỏ, ngòi bút xinh xắn úp lên chiếc “lưỡi gà” để nhận mực Cửu Long chảy qua tăm hút mực. Lớp ngoài cùng là vỏ bút bằng nhựa cứng. Bạn có thể cài bút lên túi ngực áo sơ mi hay để trong cặp sách. Lúc đó, chiếc bút máy là cả một gia tài. Có nó, chúng tôi không còn phải mang theo lọ mực tím mỗi khi đi học.

Bút máy Trường Sơn không chỉ dành cho học trò, mà còn để cán bộ, công nhân viên, xã viên, nông dân viết báo cáo, viết thư, học bổ túc; là hành trang không thể thiếu của bộ đội, thanh niên xung phong. Trong một lá thư gửi mẹ tôi trước khi vào chiến trường, cha tôi dặn trong dòng tái bút: “Nhớ gửi cho anh giấy pơ luya, bút máy Trường Sơn, ảnh của em và con”. Từ năm 1968 đến nay, đã hơn nửa thế kỷ, những lá thư mà cha tranh thủ viết ở mỗi binh trạm dọc đường hành quân gửi về vẫn không phai màu mực Cửu Long.  

Có bao nhiêu bộ đội và phóng viên vào chiến trường là có bấy nhiêu chiếc bút Trường Sơn trong ba lô. Đường hành quân qua trăm suối, ngàn đèo, ngã bệnh sốt rét, mất dần tư trang, nhưng súng và bút máy Trường Sơn thì người lính nào cũng giữ gìn cẩn trọng. Nghỉ chân ở binh trạm là viết thư cho gia đình, bè bạn, người yêu; viết nhật ký, làm thơ... Các nhà thơ - người lính tài hoa như Phạm Tiến Duật, Hoàng Nhuận Cầm, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Trọng Định... đã làm thơ trên đường ra trận, sáng tác những bài thơ mà thế hệ chúng tôi đã được học từ năm 1974. Tôi nhớ mãi bài thơ Lửa đèn của nhà thơ Phạm Tiến Duật: “Anh cùng em sang bên kia cầu/ Nơi có những miền quê yên ả/ Nơi đêm ngày giặc điên cuồng bắn phá/ Những ngọn đèn vẫn cứ thắp lên”

Sau chiến tranh, trong số di vật được tìm thấy ở những nấm mộ liệt sĩ rải khắp mọi miền đất nước có biết bao chiếc bút máy Trường Sơn. Và cũng có biết bao nhiêu lá thư, bài thơ, sổ nhật ký được viết bằng bút máy Trường Sơn được lưu giữ trong bảo tàng. Từng cây bút, từng hàng chữ như có hồn của người lính. Đó cũng là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam trong những năm tháng chiến đấu bảo vệ quyền sống trong hòa bình, độc lập tự do.

Đất nước thống nhất, bút bi bắt đầu xuất hiện và dần chiếm ưu thế trong đời sống, bút máy Trường Sơn ít được dùng rồi dần dần mất hẳn. Nhưng ký ức về một thời chiến tranh gắn liền với cây bút thân quen sống mãi trên những trang sách và trong lòng bao người cựu chiến binh, người mẹ, người chị và cả lứa học trò chúng tôi, một thuở mong chờ cánh thư gửi tâm tư tình cảm nhờ chiếc bút máy Trường Sơn ấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bút máy Trường Sơn ngày ấy