Trong màu cờ ấy!

Hà An| 01/02/2020 09:14

(HNMCT) - Mùa xuân, khi cây khế trong vườn ông ngoại bắt đầu phát lộc, cũng là lúc chúng tôi từ khắp nơi trở về miền ngược thăm ông. Cái thị trấn vùng núi đã ngày một hiện đại, dịp ấy trở nên tấp nập lắm.

Nhà ông ngoại lại ở ngay ngã tư, một căn nhà sàn xinh xắn có hàng lan can quả trám, hai chiếc cầu thang hai bên. “Căn nhà có chân” như tôi những ngày còn bé hay nghĩ thế, nằm trong một khu vườn còn nhiều cây, những khế, những mít, những ổi... Từ ngoài đường nhìn vào, hầu như không ai biết phía sau cánh cổng gỗ và con ngõ khá dài ấy là một ngôi nhà sàn. Ngôi nhà sàn cậu đã dựng cho ông để “ông sẽ luôn được sống trong kỷ niệm những ngày hoạt động cách mạng nơi rừng sâu, núi hiểm, nặng ơn nghĩa cưu mang của đồng bào...”.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Mùa xuân năm mới, nhà nhà hay treo cờ đỏ; nhất là nếu đúng vào dịp chào mừng Ngày thành lập Đảng 3-2, cờ Tổ quốc sẽ rực rỡ cả ngã tư. Từ ngõ vào, trên hàng lan can hình quả trám của ngôi nhà sàn cũng sẽ phấp phới một lá cờ như thế, tung bay!

Ông hay ra sân ngồi im lặng trên xe lăn những ngày mùa xuân ấm áp. Trước mặt ông, trên sân là gốc khế già, những chiếc lá xanh như ngọc cứ vươn ra tới tận chuồng chim câu. Dưới ánh mặt trời chúng tạo thành những hình hoa nắng nhảy nhót trên sân gạch đỏ. Vào xuân, cây khế phát lộc, điểm những nhánh tươi non vào giữa tán xanh và hoa nắng ấy làm thành một công trình “performance” (trình diễn) kỳ diệu của thiên nhiên. Tôi cứ đứng sau lưng ông và nhìn ra vòm cây. Im lặng! Trên hàng rào nứa, chú mèo con cũng giữ thế bất động, đôi mắt tròn trong veo chăm chú dò xét. Ba chúng tôi nghe trong trái tim mình những niềm rung cảm riêng với cuộc đời.

Ông đang nghĩ gì? Có lẽ là hoài niệm? Người già thường hay hoài niệm. Với ông thì chắc chắn là hoài niệm về những ngày gây dựng cơ sở, san sẻ cho nhau từng hạt muối, nắm ngô, thắm đượm “tình đồng chí, nghĩa đồng bào” ở khắp các địa bàn miền núi...

“Ruồi vàng, bọ chó, gió Than Uyên” - tôi nghe ông nhắc không biết bao lần trong câu chuyện hồi hộp về những cán bộ Việt Minh xuyên rừng hàng tháng trong lòng địch. Hồi ấy tôi vừa tò mò, vừa sợ gian phòng nơi ông ở. Nó đầy những tấm nệm bằng thổ cẩm, nặng trịch vì bên trong nhồi bông gạo, bông lau. Cặp da, mũ cọ, áo măng tô sờn... Đêm đêm, lắm khi toát mồ hôi khi hình dung ra từ những đồ vật kỳ bí ấy sẽ hiện ra những nhân vật cũng kỳ bí không kém. Ông hút thuốc lào. Trong khói thuốc lào bàng bạc như sương, ông cười: "Cha bố mày, sợ gì!". Tất cả những đồ vật này là kỷ niệm với đồng bào vùng cao những ngày gian khó.

Sau này thì tôi biết nhiều hơn những câu chuyện phía sau những đồ vật ấy của ông.

Tôi tốt nghiệp đại học. Ông già đi nhiều. Món quà cho tôi trong lần về thăm ông là một tập tài liệu đầy đặn, nét chữ nhỏ mà dài, rất đặc trưng của các cụ thời xưa. Không hiểu sao các cụ hoạt động cách mạng thời xưa có nét chữ giống nhau đến thế. Đó là tập hồi ký của ông. Tôi đọc, mỗi trang mỗi dòng nao nao trong trái tim tuổi hai mươi. Trái tim đã lớn, biết nghĩ, biết yêu thương, biết rung động, biết sống có hoài bão. Tôi sinh năm 1930, cùng năm sinh của Đảng; 15 tuổi, tôi gia nhập đoàn Thiếu sinh quân, đeo chiếc súng hai nòng báng còn chạm đất; 18 tuổi được kết nạp Đảng...".

Cuốn hồi ký đưa tôi đi cùng ông qua tháng năm chống Pháp, chống phỉ, chống Mỹ; xuyên qua những cánh rừng trong đói rét, trong sự càn quét lùng sục của giặc, trong nỗi đau chứng kiến đồng đội hy sinh vì beo vồ, hổ xé, vì sốt rét, vì địch úp, địch càn; qua những làng bản, những gương mặt đồng bào Thái, Dao, Mông, Tày, Nùng... “luôn một lòng tin Đảng, thương cán bộ và tìm mọi cách tiếp tế, nuôi giấu, cứu sống tôi và đồng đội hàng chục lần khi nguy nan trong lòng địch và khi phỉ nổi”.

Tôi đã lớn thêm, có lẽ cũng nhờ những trang hồi ký.

Tháng năm nối tiếp tháng năm. Cây khế trong vườn ông ngoại vẫn đều đặn ra lộc, thi thoảng thả những chùm hoa hồng tím xuống sân gạch, rồi kết trái, vẫy gọi chúng tôi trở về.

Tết này lên thăm ông, thấy cậu đã treo Quốc kỳ trên hàng lan can quả trám. Ông đã già yếu đi nhiều, không còn kể chuyện được nữa. Tôi ngước lên. Trong màu cờ ấy, vẫn như thấy ông tôi và những người đồng đội. Thấy bến phà quê ngoại khi ông rời làng trở lại căn cứ. Thấy con sông pháo sáng và bom đạn ì ùng, bà cắn răng để mẹ băng qua sông đi học...

Tôi cũng thấy Tổ quốc 90 mùa xuân qua trong phấp phới Đảng kỳ. Màu Quốc kỳ, Đảng kỳ thắm máu biết bao lớp người đã ngã xuống, thắm niềm tin chân lý tuyệt đối sáng trong như ông ngoại tôi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trong màu cờ ấy!