Nỗi nhớ Hà Nội

Kiều Bích Hương| 26/01/2020 02:52

(HNM) - Saint Petersburg! Năm giờ chiều một ngày đầu tháng mười. Nhiệt độ chạm ngưỡng âm, trời gọi tối sớm. Nhóm cựu học sinh cấp ba khóa 91-94 Hà Nội chúng tôi chạy vội về phía ngôi sao màu vàng lấp lánh của quán Hanoi City. Dưới ánh sáng trầm ấm tỏa ra từ những khung đèn giấy, mùi cơm vừa chín tới, hương phở, tiếng cà phê tí tách nhỏ xuống đáy cốc ngà ngà màu sữa đặc... làm trời đêm Saint Petersburg bỗng cháy bỏng nỗi nhớ Hà Nội.

Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm

Chúng tôi ngồi giữa những khoảng tường có dáng áo dài tựa bóng cửa ô, bập bềnh nón trắng bên gánh hàng rong. Đang ở giữa mùa thu Nga mà lại tự hỏi tháng tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhỉ. Sống xa xứ vậy đấy. Không phải ngồi một chỗ mà nhớ quê đâu. Quê thực ra là mình. Mình mang quê theo mà không biết đấy thôi.

Bất chợt Oanh, bạn cùng trường cấp ba Lý Thường Kiệt bảo: “Tớ phát hiện Malmo cũng có mùi hoa sữa đấy. Con đường đi học nhiều cây lắm, mùi hoa của loại cây này rất giống hoa sữa Hà Nội nhé”. Bạn tôi đang học lại cấp ba ở phương trời mới. Tuổi phong sương lại cắp sách tới trường. Chẳng phải là chuyện lạ đối với người Việt xa xứ thế hệ 7X chúng tôi. Con đường gần như duy nhất để hòa nhập cuộc sống mới ở xứ sở mới là học lại những thứ cơ bản nhất. Học để không ngộ nhận rằng cứ qua biên giới bên kia, ấy là thiên đường.

Từ Bỉ, tôi từng bay tới Đan Mạch, rồi lấy tàu sang Malmo. Đó là thành phố của Thụy Điển chỉ cách Copenhagen cây cầu Oresund bắc giữa đại dương. Dạo ấy là đầu hè. Trời Bắc Âu cuối tháng năm đã vàng nắng nhưng vẫn còn buốt gió. Ba mẹ con Oanh ở trong một khu nhà chung cư kiểu cũ xây từ năm 1975. Chỉ ba tầng nên không thang máy. Mùi thức ăn ngập cầu thang. Ra vào đụng nhau cũng chịu khó chào hỏi ra phết. Giống Hà Nội quá còn gì. Một ngày đẹp trời, các nhà vác bếp ra sân tập thể nướng thịt. Khói thơm cuộn lên, tiếng mỡ nhỏ xuống than xèo xèo dội vào cửa sổ nhà Oanh. “Nhớ cảnh bà con quạt chả ngoài phố quá”. Con gái Oanh mới mười tuổi. Không rõ bọn trẻ xa Hà Nội ở tuổi này sẽ nhớ gì? “Con nhớ trung thu. Mẹ hay đưa đi mua quà ở Hàng Ngang, Hàng Đào. Con thèm bánh dẻo lắm”.

Hè năm nay, tôi ghé Sài Gòn chơi, được bạn văn Hải Miên tặng cuốn Thương nhớ thời bao cấp (Thành Phong và Hữu Khoa). Chắc có ý bảo “Thương nhớ thời bao cấp cũng là thương nhớ Hà Nội đấy thôi”. Đúng là nghĩ lại, vẫn tủm tỉm cười trước những biển hiệu viết tắt Lộn cổ tầng hai (ở tầng hai có dịch vụ thay lại cổ áo sơ mi sờn rách), Chất đốt nhân dân, Quầy thịt thanh niên... Thời chung đụng và đói kém, mâm cỗ nhà khá giả thái miếng thịt dày tay một chút được ví ngay miếng thịt to như cái tàu bay. Trí tuệ và sự hóm hỉnh dân gian ấy đã phần nào giúp ta vượt qua biết bao nhọc nhằn. Phở mậu dịch Kịch truyền hình. Nhớ chứ. Làm sao quên được tiêu chuẩn Một yêu anh có Sen-kô, Hai yêu anh có Pơ-giô cá vàng, Ba yêu nhà cửa đàng hoàng, Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng Thủ đô...

Tiêu chuẩn thời của cô dì tôi thôi, đang là thiếu nữ thời những năm 1970, đầu 1980. Chứ giai đoạn đó, tôi còn là đứa trẻ như hai cô bạn đồng niên Đỗ Thị Thảo (Pháp) và Lại Thái Nguyên (Bỉ). Thái Nguyên ở Khu tập thể khoa học tại Kim Mã, vì bố mẹ đều là dân Viện Khoa học Việt Nam. “Những tiếng động khiến tôi nhớ nhất về Hà Nội mỗi sáng dứt khoát phải là tiếng rao khàn khàn Cháo sườn, bánh rán nóng đây. Trưa nắng xiên khoai phải là tiếng rao đồng nát. Tối trời cả khu tập thể râm ran tiếng trẻ con gọi nhau về ăn cơm”. Tiến sĩ dược học Đỗ Thị Thảo, đang làm chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật cho Công ty Merck Millipore tại Molsheim, Pháp. Tuổi thơ cô từng ở trong tập thể Viện Thiết kế. “Mùa thu, tôi với con bạn thân chở nhau bằng xe đạp lang thang trên những khu phố đậm mùi hoa sữa. Hồi đấy phố xá còn vắng, đi ra ngoài thấy rất bình yên. Tôi nhớ chỗ mình ở gần khu Times City bây giờ. Không quá xa đê, gần cảng than. Đông trẻ con lắm, chạy như giặc. Hồi đó, cứ mùa lũ là trẻ con, người lớn kéo nhau lên đê xem mực nước sông Hồng. Người lớn lo vỡ đê, trẻ con vô tư chơi nhảy dây, nhảy lò cò. Thỉnh thoảng có hộp sữa bò thì buộc dây, cho thêm đồng xu tạo tiếng động kéo dọc bờ đê”.

Nơi hồng trái tim mình

Từ Liverpool, phải chuyển hai lần hỏa xa tôi mới tới được Carlisle cách biên giới Anh và Scotland bảy dặm về hướng Nam. Gần trưa, trời đã ấm nhưng thành phố trầm xám màu gạch cổ chưa vui ngay lên được. Từ đây lái xe về thị trấn Langholm của Scotland thăm chị Kim Anh không khí còn tĩnh lặng hơn. Chị Kim Anh, người con gái ngõ Tràng Tiền chật chội náo nhiệt đã về làm dâu xứ sở mù sương này hơn mười năm nay. Chị xa mặt Hồ Gươm lung linh mây trời để sang sống trong ngôi nhà cổ đối diện dòng sông Esk rì rầm nước chảy ngày đêm. “Cuộc sống quá bình lặng ở đây đôi khi làm mình chìm đi. Nhớ cái không khí náo nhiệt ở Thủ đô ta, người giàu hay người nghèo cũng đều sôi nổi sống. Mỗi khi về thăm Hà Nội, mình lại thấy phấn chấn hơn. Chị nhớ những cái Tết tuổi thơ mẹ rửa lá dong đãi đỗ, bố gói bánh chưng. Mỗi nhà chia nhau một góc bắc bếp luộc bánh ở khu nhà để xe lợp mái tôn của công nhân Nhà in Báo Nhân Dân. Bếp lửa luộc bánh hồng rực cả đêm, trẻ con tụ lại đánh tam cúc háo hức thức đợi vớt bánh”.

Từ thị trấn Langholm, chị Kim Anh chạy xe khoảng nửa tiếng thì tìm được làng Gretna Green. Chốn đông vui, tấp nập đây rồi. Gretna Green thuộc Scotland, giáp biên giới Anh. Gọi làng nhưng không có nhà dân. Cả Công ty Famous Blacksmiths Shop - tổ hợp cửa hàng, nhà hàng, bảo tàng, khách sạn chiếm trọn làng Gretna Green. Quan trọng hơn nữa, với chị Kim Anh: “Tầm tháng sáu đến giữa tháng mười, nơi này xuất hiện nhiều khách Hà Nội. Nghe giọng là mình lại gần, hỏi anh hay chị ở Ngã Tư Sở hay Thanh Xuân, Ngô Thì Nhậm hay ngõ Tràng Tiền... Thế là tíu tít nhận đồng hương”.

Lịch sử thành lập Công ty Famous Blacksmiths Shop từ năm 1754 đến nay, nhân viên châu Á đầu tiên được tuyển vào làm việc chính là chị Kim Anh. Công việc hằng ngày của chị là bán đồ lưu niệm Scotland, phiên dịch tiếng Trung và Anh cho khách hàng, lễ tân cho nhà bảo tàng và dịch vụ cưới. Khi cần, chị cũng có thể là người làm chứng đăng ký kết hôn trong lễ cưới của các cặp đôi đến đây. Thỉnh thoảng từ Hà Nội trở về Gretna Green, hành lý của chị Kim Anh lại căng đầy quà tặng đồng nghiệp và món ngon cho mình: “Thịt bò khô Hàng Giấy, ô mai Hàng Đường, hộp sơn mài và khăn tơ tằm Hàng Gai”. Hà Nội nằm trong chiếc va ly ấy chứ đâu.

Lại nhắc ô mai. Các bạn đồng niên từ Hà Nội sang Nga hội tụ tháng mười vừa rồi cũng mang theo bánh cốm, sấu non dầm, mứt gừng đãi nhóm xa xứ chúng tôi. Ừ nhỉ, đông đến là mùa của ô mai. Saint Petersburg bỗng ấm lên hương vị ấy. Cái lạnh xứ người bỗng phả chút hanh hao củi lửa đượm gió mùa Đông Bắc. Đã thấy rõ màu và mùi. Đã thấy những ngã tư, ngã năm, ngã sáu tấp nập người xe chở đào quất. Đã thấy những góc nhỏ, ngõ nhỏ thơm mùi hạt tiêu ướp thịt, mùi gạo đỗ ngâm nồng trong thau chậu. Dưới gầm giường, bưởi đường, cam sành thầm lặng thả hương vào giấc ngủ đêm. 

Hà Nội được chở sang tận đây rồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi nhớ Hà Nội