Thêu những ước mơ

Đỗ Bích Thúy| 27/01/2020 06:17

(HNMCT) - Tôi đã từng nghĩ rằng, mãi mãi Hà Nội chỉ là nơi ở trọ cho dù mình có sống ở đây đến tận lúc già, lúc qua đời.

Ảnh: Hà Thanh

Nhưng đến một ngày, khi đi xa Hà Nội lâu ngày, tôi ngỡ ngàng nhận ra là tôi đang nhớ Hà Nội. Thật kỳ lạ là tôi có thể nhớ Hà Nội đến thế, một điều khó tin, và tôi chưa từng nghĩ đến.

Tôi đã trở thành một công dân thực sự của mảnh đất này từ khi nào nhỉ? Từ khi có hộ khẩu? Hay từ khi đón đứa con đầu tiên chào đời? Hay từ khi tôi gõ những dòng đầu tiên trong cuốn sách đầu tiên về Hà Nội? Không biết nữa, và có lẽ nó cũng không thực sự quan trọng.

Khi tôi in cuốn sách ấy, một vài người bạn nói rằng tôi đã chạm tới trái tim, tâm hồn, xúc cảm của những người như tôi - nhập cư một cách muộn màng vào Hà Nội.

Một buổi sáng nọ, bạn tôi than thở trên facebook, rằng cô ấy đã rất vất vả để đưa các con đến trường trong dòng người dày đặc xe cộ, khói bụi. Và ước gì tuổi thơ của con được giống như mình xửa xưa, thong thả chạy nhảy trên những triền đê lộng gió để đến trường. Tôi có nói với bạn rằng, chính chúng ta đã, đang góp phần biến Hà Nội trở thành như vậy đấy.

Ồ, chính là như vậy, chỉ có điều đôi khi ta quên mất mà thôi.

Tôi đã sống ở Hà Nội hai mươi năm. Trong hai mươi năm ấy tôi chuyển chỗ ở chín lần, từ nội thành tới ngoại thành. Nhưng thực lòng, trong tâm can, cái cảm xúc sâu sắc, tha thiết, dịu ngọt nhất là những gì mà tôi đã đón nhận được ở những con phố cũ. Và khi tôi nhớ Hà Nội, có lẽ là tôi đang nhớ những con phố ấy.

Tôi nhớ bà hàng xóm ở Xã Đàn. Đúng hơn là tôi nhớ con ngõ dẫn vào nhà. Ngõ bé lắm, xe máy tránh nhau không được. Những con ngõ bé như thế ở Hà Nội nhiều vô cùng. Bên trái nhà tôi là một bà hàng xóm làm hàng xáo, thỉnh thoảng bà ninh cả măng, rang cả lạc để phục vụ một quán ăn nào đấy. Tôi trồng những chậu cây be bé trên cái ban công cũng be bé và rất thiếu ánh nắng, đối diện với nhà bà. Bà thường ở bên kia ngồi sàng sảy, chúng tôi chỉ cách nhau chừng một sải tay, và với sang nhau nói chuyện. Những chuyện lặt vặt quanh xóm, chuyện con cái, chuyện mất nước, mất điện, chuyện chuột bọ, gián kiến...

Thỉnh thoảng có những ngày nắng to, mặt trời lên từ rất sớm thì cũng có một ít tia nắng rọi vào ban công nhỏ của tôi. Tôi cảm thấy những chậu cây lao xao vì vui vẻ. Chúng sống thiếu sáng, yếu ớt, nhưng không chết. Vẫn len lén lớn lên, và thi thoảng còn ra những bông hoa tí xíu.

Từ bên kia, mùi lạc rang húng lìu bay sang thơm nức. Thỉnh thoảng bà bán ế, do thời tiết khách ăn ít, hay bất kỳ lý do nào đó, bà buồn thiu với nửa nồi măng vàng óng đã ninh lục bục lịch xịch suốt cả một đêm trên bếp. Cả xóm lại xúm vào mua hộ, mỗi người một ít. Cũng có khi mua vừng lạc. Tôi thích ăn vừng lạc, là cái thói quen của con nhà nghèo từ xửa xưa. Nếu hôm ấy trong nhà dù vẫn còn cũng sẽ nhoài qua ban công, đưa cái rổ sang, bỏ trong rổ tờ hai chục nghìn. Rồi bà sẽ lấy tiền ra, và bỏ vào đấy túi lạc rang muối.

Bà có một cậu con trai học lớp 10, sáng nào đi học cũng chào mẹ rất to. Trước khi đi luôn hỏi: Mẹ có còn cần con giúp gì nữa không ạ? Và nghe rõ mẹ nói: Không cần đâu con. Con đi học đi! Thì cậu mới ra khỏi nhà.

Thỉnh thoảng bà rỗi, ngồi trên cái sàn xi măng đầy bụi cám và thêu một chiếc khăn trải bàn, hay khăn phủ đôn. Những miếng vải trắng tinh, được bà khéo léo rút sợi ra để tạo thành những đường kẻ. Và bà dùng chỉ màu để viền những đường kẻ ấy, rồi căng tấm vải lên khung, thêu những bông hoa cúc tím với những chiếc lá màu xanh biếc, nhỏ xíu. Đấy là loại khăn trang trí mà thi thoảng tôi còn thấy trong một vài gia đình Hà Nội cũ. Nhưng tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy nó được làm ra bởi đôi tay của một người quanh năm ngày tháng chỉ có thóc, gạo, cám, măng, lạc, vừng...

Ánh sáng yếu ớt từ những lỗ thủng trên tấm lợp mái hiên đã mục chiếu xuống nơi bà đang ngồi. Tôi nghe như có một con chim nhỏ đang hót, hay như một bông hoa đang nở ra và tỏa mùi thơm tinh khiết ở quanh bà. Nghe nói, bà được sinh ra trong một gia đình cũng “ra gì” lắm ở phố Hàng Chiếu. Nhưng chẳng hiểu cuộc đời run rủi thế nào mà có ngày bà lại sống ở đây, trong có hơn chục mét vuông và được chồng lên thành ba tầng một tum, tít ngõ sâu, hẹp, tối, quay cuồng với cuộc sống mưu sinh chật vật.

Nhưng dù thế nào, bà vẫn giữ lại được cho mình cái niềm vui tinh tế và ít nhiều xa xỉ bên những tấm vải trắng muốt. Tôi cứ cảm thấy bà đang thêu lên đấy ước mơ nhỏ nhoi, giản dị mà bà luôn giấu kín trong lòng. Rồi một sớm mai nào đó, cực nhọc bỏ quên bà, và bà có thể lấy nó ra mà nhấm nháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêu những ước mơ