Và tôi nhớ Tết...

Hạnh Thu| 24/01/2020 22:20

(HNMCT) - Tôi nhớ nhà, nhớ Tết. Tháng Chạp đã nao nao nỗi niềm liệu có thể về Hà Nội, về Việt Nam để sum họp mùa xuân? Trong ký ức của tôi về Tết, đó là nơi ai nấy đều một lòng hướng về cái thời khắc chuyển giao ấm áp.

Ảnh: Nguyễn Thanh

Vào dịp cuối mỗi năm, hoa đào, hoa mai lại theo Tết về đầy ngõ. Sau này họ mang đến cả hoa thược dược, hoa huệ, hoa lay ơn, hoa đồng tiền, hoa hải đường, hoa ly... để bán cùng. Thế nên chị em tôi không phải lo việc mua hoa trang trí nhà cửa. Cứ túc tắc đến chiều 30 mà thưởng thức nỗi háo hức khi sắp sửa mang cả những mùa hoa từ phố về nhà...

Anh em chúng tôi sau một năm bận rộn, thậm chí làm việc cả ngày nghỉ cuối tuần, thì Tết luôn là dịp bỏ lại đằng sau tất cả những lo toan thường nhật, để ào về với mẹ, để gặp nhau nhìn nhau, nói chuyện với nhau như những đứa trẻ của nhiều mùa xuân trước... Tôi khi ấy, thường cứ tự lặng lẽ mà vui, mà nghe trong từng nhịp đập nơi lồng ngực mình những nôn nao cảm động và thương nhớ. Thương nhớ ngay cả khi ở giữa anh chị em, ở bên cạnh mẹ.

Và thế là trong đủ đầy của những mùa xuân của đời sống mới hôm nay, lại cứ thường hồi tưởng về những lo toan, tất bật đã qua - trong những dịp Tết về khi chúng tôi còn nhỏ. Mẹ luôn là người “chỉ đạo” quyết liệt nhất trong tất cả những ngày áp Tết. Các con của mẹ hối hả, luôn tay luôn chân. Từ tối 29 tháng Chạp, cả nhà cử người đến xếp hàng ở hiệu giò chả Quốc Hương, số 9 Hàng Bông mua vài chục cái bánh chưng, vài chục cân giò gà để ngày 30 các anh mang đi biếu gia đình nội ngoại...  Rồi là phải có mâm cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp, mâm cúng thổ công và mâm cúng tổ tiên đêm giao thừa, phải có đủ thức ăn đồ cúng cho 3 ngày Tết để không phải đi chợ...

Nhiều lắm! Mà mẹ thì nhớ hết chẳng sót một việc nào.  

Tôi không quên được việc đi chợ ngày 29 và 30 Tết để mua gà trống, mua su hào, mua cà rốt, rau mùi, bóng bì, nấm hương, bánh đa nem, thịt lợn..., chuẩn bị làm cỗ cúng. Chiếc xe máy cà tàng chở được cả 2 chị em tôi cùng với túi to túi nhỏ đeo không sót chỗ nào trên xe. Tết cứ ồn ào, ấm áp, lan từ người này sang người khác làm cho không gian chợ búa không còn là không gian mua bán ngày thường nữa, mà đã trở thành những ngày hội mang niềm vui của người mua và niềm hy vọng của người bán. Biết vậy nên chị em tôi không mặc cả khi mua của những người gánh gồng ngoài phố và luôn gửi lại họ những nụ cười tươi như những lời chúc Tết sớm cho những người đang chộn rộn về quê.

Có năm, tối 29 Tết mẹ muốn làm giò xào (giò thủ). 5 kg thịt thủ và thịt ba chỉ sẽ được luộc sơ, thái mỏng để xào. Thái thịt mất khoảng 1 - 2 tiếng đồng hồ, mỏi nhừ lưng. Chị tôi xào thịt với hạt tiêu và nước mắm ngon, thơm phức. Mẹ sẽ hướng dẫn cách làm để bó cho ra hết mỡ, giò săn chắc và để được lâu.

Ngày 30 Tết, nhà thơm phức mùi nấm hương ngâm, mùi măng hầm chân giò. Các anh trai thì tất bật lau dọn, trang trí nhà cửa..., đi mua quất.

Đối với tôi, việc quan trọng nhất là nhà cửa sạch sẽ. Tôi luôn cảm thấy việc chuẩn bị Tết sẽ hoàn tất nếu được kết thúc bằng việc lau nhà bằng nước mùi. Trong lúc lau, tôi cứ đinh ninh là mình đang xua đi những bụi bẩn u ám của năm cũ và chuẩn bị cho một năm mới sạch sẽ, an lành.

Anh cả tôi sẽ thức rất khuya, chờ qua giao thừa để xông nhà. Trong lúc mọi việc chuẩn bị đã xong và chờ thời khắc lễ trừ tịch, anh thường ngồi đọc báo Tết. Mẹ cũng vậy. Khoảnh khắc ấy, nhìn mẹ yên vui, thanh thản lạ kỳ. 

Đó cũng là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất của mùa xuân Hà Nội, của mẹ trong trái tim tôi!

Với một người đã trải qua 50 cái Tết, ở Việt Nam cũng có, ở nước này nước kia cũng có, Tết luôn chiếm vị trí đặc biệt trong tâm trí tôi. Đấy là mùa của xúng xính áo mới tươi vui, của ánh mắt ấm áp người thân trong rộn rã khí thiêng trời đất. Tết là chút gì đó náo nức hy vọng vào những điều tốt đẹp, an lành... Tết là được gặp lại những người bạn, cùng nhau nhớ lại thời đi học, đi hội sách, đi mua hoa chợ Tết. Là nỗi nhớ bố, người cha nhân hậu, người chiến sĩ đã góp phần giải phóng Thủ đô, người đưa anh em chúng tôi đến với thế giới văn học từ khi còn bé.

Tết với tôi vì thế rất đặc biệt, không thể thiếu và không thể thay thế được. Nghĩ đến Tết là nghĩ đến gia đình, đến sự trả ơn, đến sự đồng lòng, đến niềm vui ta có thể gửi trao cho người khác...

Và tôi đã quyết định năm nay về Hà Nội ăn Tết với gia đình, gặp bạn bè... Tôi nhớ Tết!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Và tôi nhớ Tết...