Nhớ những ngày giáp Tết!

Thu Hằng| 18/01/2020 11:12

(NSHN) - Tết bắt đầu nổi vị từ sau rằm tháng Chạp. Tự nhiên chẳng ai bảo ai, bố mẹ chuyển sang tính ngày bằng lịch âm. Ngày Tết càng gần, mẹ càng tất bật lo toan, riêng bọn trẻ thì mong ngóng bởi trong ký ức thấy Tết thật là vui…

Trước Tết, không khí nhộn nhịp. Người đi ngoài phố đông hơn, bố mẹ cũng tất bật hơn. Bố cùng chị dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ chăn màn còn mẹ thì lo tích trữ các thực phẩm ngày Tết. Mỗi khi đi làm về, trong cái giỏ xe có thêm bó măng khô thơm mùi nắng, gói miến dong thơm mùi đất ẩm, mấy cân gạo nếp thơm như mùi rơm mới, cân đậu xanh ngai ngái...

Trong mâm cỗ Tết truyền thống của người Hà Nội không thể thiếu món canh măng khô được hầm kỹ với chân giò. Măng khô phải ngâm nước gạo hằng ngày từ lúc này. Nhà có con gái lớn nên mẹ dặn rằng, mỗi lần vo gạo thì lấy nước đó ngâm măng, măng sẽ mềm và ngon. Ngâm độ vài ba ngày, măng đã hết cái độ cứng quèo khô quắt thì rửa kỹ rồi bắt đầu luộc sôi sùng sục trong nồi to, sôi kỹ một lúc thì bắc xuống, trút ra rá lại luộc tiếp luôn nước mới. Cái mùi ngai ngái của măng khô vừa luộc bỏ nước cũ xông khắp gian bếp đã thấy mùi vị rất đặc trưng của Tết.

Rồi các nhà rủ nhau đi làm bánh quy gai ở lò nướng bánh đầu phố. Sáng ngủ dậy thấy trên mặt bàn mẹ để một túi, nào bột, nào đường, nào trứng gà, có khi thêm một hộp sữa ông Thọ để mang ra hàng gia công “quy gai quy xốp”. Sau cả ngày xếp hàng chờ đợi, cuối cùng chị cũng mang về một túi ni lông đầy những chiếc bánh thơm phức ngọt ngào.

Gói mứt Tết mua theo sổ thực phẩm, bìa mua hàng Tết thường để trên ban thờ nên mấy chị em tôi tập tọe làm món mứt khế. Món này là dễ nhất trong các loại mứt. Ngào đường xong thì miếng khế thẫm lại, quanh quánh những mật và lơ thơ vài sợi gừng nhỏ. Nhìn đã thấy ngọt, chưa ăn đã thấm tận vào lòng. Món này mẹ để riêng trong cái âu nhỏ, và cho dẫu nó có thể bị vụn chưa đẹp mắt lắm thì tôi vẫn nghe giọng mẹ hãnh diện khi giới thiệu: "Đây là mứt khế cháu nó làm!"...

Tết Bắc không thể thiếu cái vị chua của dưa nén, hành nén. Dưa cải nén phải chuẩn bị từ đầu tháng. Nén lẫn với hành củ. Giáp Tết, chị tôi được phân công nhặt hành củ vớt ra từ cái vại to, cắt ngắn và nhặt bỏ bớt áo ngoài, đến khi chúng trắng, hoặc hơi ngả màu xanh nhạt là được.

Tết mà không có bánh chưng thì không ra Tết. Mùi bánh chưng mới luộc thơm bốc khói chính là nét duyên sắc độc đáo nhất của mùa Tết.

Ngày ấy, dù ít nhưng nhà nào cũng rửa lá, ngâm gạo, đãi đỗ xanh, rồi đi xếp hàng từ sớm tinh mơ để mua được thịt ưng ý về gói bánh. Mẹ tôi năm nào cũng gói 15 cái bánh chưng to còn tôi thể nào cũng nài nỉ mẹ gói cho chiếc bánh chưng xinh để khoe với chúng bạn. Vui nhất là tối luộc bánh. Cả khu tập thể cứ vài ba nhà lại dồn vào luộc chung trong một chiếc thùng to. Đầu tiên lót mớ lá dong xuống đáy thùng, rồi xếp bánh vào. Cứ thế nổi lửa luộc bánh. Khi củi than đượm thì kều ra nướng khoai hoặc ngô nếp non. Cả gian bếp tập thể ấm sực và đủ các mùi thơm quyến rũ. Các bộ bài tam cúc, tú lơ khơ được bày ra, rôm rả đến khuya...  

Ký ức Tết hồi nhỏ của tôi không có cành đào cắm trong nhà, mà phần nhiều là hoa thủy tiên và một bình hoa tươi. Đây vừa là nét văn hóa vừa là một cái gì đó ấp ủ hy vọng cho một năm mới tốt lành hơn... Tôi nhớ mẹ thường mua mấy bông thược dược, cắm cùng với 2, 3 bông lay ơn hồng, trắng và mấy cành violet xen lẫn đồng tiền đơn. Một bình hoa rất đặc trưng của người Hà Nội...

Nhớ nhất là những buổi chiều cuối năm, lúc nào cũng tất bật khác thường, nào thì chuẩn bị cho bữa cơm tất niên, mâm cúng giao thừa, nào là cho mồng Một. Mẹ tôi tin rằng mâm cỗ được nấu nướng cẩn thận và đầy yêu thương, kính trọng dâng lên Trời Phật, tổ tiên sẽ như tấm lòng thành của người phụ nữ cầu mong cho gia đình mình mọi điều tốt đẹp.

Tối 30 nhà cửa gọn gàng, cả nhà tắm nước lá mùi chờ đón năm mới sạch sẽ, thơm tho. Gió rét làm mùi Tết, vị Tết ấm áp tình người hơn. Lớn một chút biết trong những năm bao cấp khó khăn ấy chị em tôi vẫn có áo đẹp để mặc diện Tết là do mẹ đã tháo ra từng cái áo dài, rồi cả cái tủ áo dài thời trẻ của mẹ lần lượt biến thành áo quần của chị em tôi. Bởi vậy Tết nào chúng tôi cũng xúng xính, tươm tất.

Nhìn lại những ngày tất bật chuẩn bị Tết trong nôn nao, háo hức, tôi có thể thấy sự nỗ lực và tấm lòng của bố mẹ cố gắng để gia đình có một cái Tết truyền thống đủ đầy, giữ được những nét đẹp của người Hà Nội. Tôi hiểu đó chính là nếp nhà. Và tôi muốn con cái mình cũng hiểu những tất bật chuẩn bị Tết không phải là nỗi sợ mà thực ra là một niềm vui, một hạnh phúc được thắp lửa ấm cho gia đình cho những dịp Tết cổ truyền quý giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ những ngày giáp Tết!