Nhớ những tháng Chạp năm nào

Quý Vân Yên| 04/01/2020 06:16

(HNMCT) - Thế là một tháng Chạp nữa lại đã đến. Cái Tết bây giờ đủ đầy, nên không còn phải chộn rộn chuẩn bị trước hàng tháng như những ngày xưa nữa, nhưng hình như cũng vì thế lại khiến tôi nao nao nhớ những tháng Chạp của ngày còn thơ bé.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Hồi ấy, cứ sau đợt thi học kỳ I những năm cấp 1, cấp 2 trường làng là đã  chớm sang đầu tháng Chạp. Niềm vui nhân đôi khi được thả lỏng sau một kỳ học tập lại háo hức chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Nhưng không phải là được đón Tết, được chơi ngay đâu, trước hết phải cùng bố mẹ phá dỡ những đống phân mục đã được đắp ủ từ 5 - 6 tháng trước để góp với đội sản xuất bón lót cho những ruộng ngô, khoai vụ xuân hè và lúa cấy vụ chiêm.

Hưởng ứng phong trào “sạch làng, tốt ruộng”, lũ trẻ chúng tôi ngày ấy cứ sau giờ học là rủ nhau đi nhặt phân trâu bò, gọi nhau quét rơm rạ, rác lá tre rơi vãi hay chặt những cây dại mọc ở ngõ ngách đường làng rồi đem về băm nhỏ bỏ xuống hố phân trát bùn rơm kín chung quanh để ủ cho rau màu vụ đông cuối năm. Ngày ấy không chỉ mỗi việc học như trẻ em ngày nay mà chúng tôi còn tham gia vào các “chiến dịch” cấy trồng của hợp tác xã, mỗi học sinh dùng vôi tôi viết khẩu hiệu "Cấy chiêm chưa hết, ăn Tết chưa vui"; hay "Gieo ngô chưa hết, ăn Tết không ngon" lên những bẹ chuối hoặc cái mẹt rách, rồi buộc dây treo lên những cành tre, cành cây ăn quả lưu niên dọc theo con đường len lỏi vào các ngõ xóm. Tối tối lại có trống ếch đi cổ động xóm trong, xóm ngoài thôi thúc nhắc nhở mọi người tập trung lo việc đồng áng trước rồi hãy lo việc Tết...

Vãn việc đồng áng rồi là đến lúc hợp tác xã cho tát ao làng lấy cá chia cho xã viên ăn Tết. Vui sao khi nghe tiếng kẻng ra nhận phần cá. Lũ trẻ đội rổ hò reo xúm xít quanh khu vực chia cá, đứa nào đứa nấy hồi hộp nín thở nhìn theo tay bác đội trưởng lần lượt bỏ lá thăm vào đống cá chờ xem nhà mình được phần nào. Toàn là cá tươi còn giãy đành đạch, đem về nhà mẹ sơ chế rồi cẩn thận xếp từng khúc lẫn với lát giềng, lá gừng tươi. Mẹ đặt cái nồi đất to lên bếp củi trấu để lửa liu riu kho cho thật dừ mà bảo: “Để dành đến Tết mới được ăn”. Mùi cá thơm lừng đến điếc cả mũi nhưng mấy anh em đứa nào cũng nghe lời mẹ, chỉ thầm nuốt nước bọt mà thôi!

Chuẩn bị Tết, thích nhất là ngày nghỉ học, mẹ cho đi tàu điện lên Bách hóa tổng hợp Bờ Hồ mua quần áo mới. Mẹ chỉ đủ tiền cho mỗi đứa mua một cái quần hoặc một cái áo, và phải dài rộng hơn để còn mặc cho 1 - 2 năm nữa, sau đó lại chuyển xuống cho em mặc tiếp. Đúng là cái cảm giác trẻ được manh áo mới, không thể nào diễn tả cho hết nỗi âm ỉ vui sướng. Phải chờ đến Tết mới được mặc nhưng đứa nào đứa nấy háo hức lắm, thi thoảng lại tủm tỉm cười một mình...

Cữ sau "ông Công ông Táo", những nhà "chòm" (cùng nuôi chung) lợn hẹn ngày mổ chia thịt giã giò, làm mọc, gói bánh chưng. Con lợn chỉ có một cái đuôi nên phải tính xem có bao nhiêu đứa trẻ của những nhà “chòm” để bác chủ nuôi cắt chia sao cho đủ mỗi đứa một miếng thưởng thức trước, nếu nhiều trẻ quá thì sẽ khoét cái đuôi vào sâu hơn, miếng chia nhỏ hơn để cho đủ thì thôi.

Cuối Chạp, khắp xóm lách cách tiếng chày nghiến giã giò trong cối đá. Nhà nhà hẹn ngày gói bánh chưng để còn mượn nhau nồi luộc, người dỡ đống gốc tre ở góc sân chuẩn bị củi giả, người tìm mấy viên gạch thay ông đầu rau bắc bếp, người lại lấy xô bùn non ở bờ ao trát chung quanh nồi luộc để không bị ám khói... Còn lũ trẻ chúng tôi tíu tít khoe nhau đứa nào có quần mới, áo mới, đứa nào có giày dép mới... diện Tết. Khói rơm rạ vương vấn luẩn quẩn khắp trong thôn ngoài ngõ lẫn với mùi hương bên bếp luộc giò, luộc bánh chưng khiến lòng người lâng lâng.

Tháng Chạp ngày xưa mẹ sắm manh áo mới cho các con, tháng Chạp nay chúng tôi lại biếu mẹ cái áo bông, áo len mới mặc Tết. Năm nay vừa mang áo về biếu mẹ, mẹ đã cười bảo: “Mẹ còn mấy cái áo nhung, áo len, áo bông tàu kia kìa. Con mang biếu cụ Thiệu đang ở một mình con nhé”! Tôi chợt nhận ra rằng những người phụ nữ đã từng trải qua cuộc sống khó khăn thiếu thốn như mẹ tôi thì nay vẫn luôn lo giúp cho mọi người xung quanh như thế!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ những tháng Chạp năm nào