Nhớ bếp...

Nguyễn Trần Đức Anh| 18/12/2019 17:00

(HNMCT) - Cuộc đời mỗi con người, hầu như ai cũng có ký ức về căn bếp như một phần kỷ niệm mãi khắc sâu và theo suốt những năm tháng trưởng thành. Nhưng chỉ mấy mươi năm thôi, chiếc bếp ở nước Việt đã trải qua mấy chặng đường. Ngày nhỏ, khi đủ để nhận thức thì cái bếp đầu tiên mà tôi biết đến là bếp dầu. Gia đình tôi ở trong căn phòng của một khu tập thể. Nhà nào cũng giống nhà nào, đều dùng bếp dầu. Dễ sử dụng, lửa nhanh và hiệu quả, bếp dầu khi đó gần như là sự lựa chọn duy nhất cho cán bộ công nhân, viên chức.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Thời bao cấp mua dầu bằng tem phiếu khó khăn lắm nên phải biết tiết kiệm. Chị em tôi chớm lớn là đã được bố mẹ dạy làm việc nhà, mà châm bếp là một nhiệm vụ quan trọng. Tôi còn nhớ hôm nào châm bếp lên được lửa xanh bố mẹ khen lắm. Nhiệm vụ của tôi khi ấy đơn giản, châm bếp dầu xong, đặt ấm nước lên, và... bàn giao lại cho chị gái hoặc bố mẹ.

Qua thời bao cấp, điện sinh hoạt đã ổn định, thì bếp điện dần chiếm chỗ của bếp dầu. Đun bếp điện sạch hơn, lại không phải tích trữ dầu hỏa trong nhà hôi rình. Nhưng cái bếp điện ngày ấy khác xa bây giờ, bếp làm bằng dây may so đặt chìm trong cái mâm đất nung xẻ rãnh loằng ngoằng. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn sợ về cái sự nguy hiểm của bếp điện may so ấy. Nguy cơ chập cháy, rò điện lúc nào cũng có thể xảy ra, chưa kể một biến thể của bếp dây may so này là cái cục “tàu ngầm” - một dây may so quấn trực tiếp quanh lõi đất nung, thả trực tiếp vào ấm, nồi để đun nước. Đun nhanh lắm nhưng cũng sợ lắm. Giữa nỗi sợ hãi của bếp điện may so, nhà nào có được cái bếp điện Liên Xô thì quả là giấc mơ tiên.

Sau này giá điện ngày càng cao, nhu cầu dùng điện ngày càng lớn, bếp than tổ ong đã ra đời. Chi phí rẻ, hiệu suất cao, nhưng nguy cơ độc hại, gây ô nhiễm thì cũng đứng hàng nhất. Tôi lúc ấy chừng học cấp 3, đã thôi nhiệm vụ châm bếp dầu từ lâu, nhảy sang quạt than. Để một viên than đen sì hồng rực lên, phải mất tới 30 - 45 phút mồi lửa bằng giấy báo, củi nhỏ, rồi thổi lửa với sự hỗ trợ của quạt giấy, quạt nan, khói mù mịt và nhem nhuốc. Giờ đây, ở nhiều nơi vẫn sử dụng bếp than tổ ong, nhất là tại một số gia đình khó khăn hay các quán hàng nhỏ để tiết kiệm chi phí. Chỉ có điều người ta có dụng cụ “gầy” than hồng rất nhanh, chứ không gò lưng chảy nước mắt như trước nữa. Tới đây, để bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, với chủ trương đúng đắn của thành phố, bếp than tổ ong sẽ được thay thế và loại bỏ hoàn toàn trong đời sống sinh hoạt, kinh doanh của người dân Hà Nội.

Đến nay, phổ biến trong đời sống là bếp ga, bếp hồng ngoại, bếp từ. Những loại bếp hiện đại được đặt trong hệ thống tủ bếp sạch sẽ và đẹp như trên các tạp chí nước ngoài, giờ đây có mặt ở rất nhiều ngôi nhà thành thị cũng như các miền quê. Chỉ có điều, ở vùng nông thôn nhiều gia đình vẫn duy trì song song hai loại bếp. Dường như cái bếp củi, bếp rơm thơm mùi ký ức ít nhiều vẫn hữu dụng và vẫn không thể thiếu trong không gian sống của làng quê. Thật vậy, bếp củi, bếp rơm gắn liền với đồng ruộng và nền văn hóa nông nghiệp lúa nước ấy đã nuôi sống, sưởi ấm và thắp sáng lên ước mơ của bao người, bao thế hệ. Bếp lửa ấy không chỉ là nơi đun nấu, mà còn chứa đựng những nét sinh hoạt văn hóa dung dị và thuần phác của con người, của nông thôn Việt Nam. Bếp lửa ấy là nơi tâm tình trò chuyện, là nơi chia sẻ buồn vui cuộc sống, nơi gắn kết các thành viên trong gia đình, gắn kết nhiều thế hệ..., như nhà thơ Bằng Việt từng viết "Một bếp lửa ấm iu, nồng đượm"...

Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố, chưa bao giờ đun bếp củi, bếp rơm, nhưng ký ức về bếp lửa quê nhà qua từng trang văn thơ, qua từng bức ảnh chụp như thể một điều gì đó ám ảnh khôn nguôi. Có lẽ bởi vì khi thơ bé, mỗi lần về quê, việc đầu tiên là tôi ào xuống bếp, để xem bà tôi có ở đó không, để ngồi với bà bên bếp lửa thơm nồng, để tận hưởng những phút giây hạnh phúc và bình dị của quê nhà...

Tôi trưởng thành, đi làm, đã thiết kế và thi công không biết bao nhiêu căn bếp hiện đại, nhưng lòng vẫn cứ nao nao nhớ về cái bếp lửa cũ xưa ấm áp ấy ở quê nhà. Tết sắp đến, ở thành phố lại thèm được cảm giác ngồi bên nồi bánh chưng, bếp lửa bập bùng mà hàn huyên. Bất giác buột miệng nhâm nhẩm bài hát của anh bạn đồng nghiệp - kiến trúc sư, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến: "Nhớ mẹ đun bếp, bố ngồi đun bếp/ Và chúng tôi đứa reo đứa ca quanh nồi bánh chưng/ Này bạn ơi, bếp lửa hồng, ngày xuân cũ, dào dạt mãi đón xuân này/ Này bạn ơi, bếp lửa hồng, ngày xuân cũ, còn nấu trong trái tim chúng ta những nồi bánh chưng…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ bếp...