Có một loài hoa lặng lẽ nở trong đêm…

Thu Hằng| 23/10/2019 11:37

(NSHN) – Hoa quỳnh được mệnh danh là nữ hoàng bóng đêm bởi hoa chỉ nở lặng lẽ vào ban đêm. Những bông hoa rực rỡ, cháy hết mình, dâng hiến, thơm ngát, rồi sớm ra đi, nhưng hương thơm vẫn còn vương vấn mãi...

Trong quan niệm của người phương Tây, hoa quỳnh tượng trưng cho “sắc đẹp phù du”, nở đó để rồi tàn đó, nhưng với người phương Đông, hoa quỳnh tượng trưng cho “vẻ đẹp chung thủy”, chỉ nở một lần rồi tàn, cũng như tình yêu đầu tiên và duy nhất dâng hiến cho người mình yêu.

Hoa quỳnh kén người trồng như kén bạn tâm giao. Người chơi hoa quỳnh phải chờ đợi công phu, kiên nhẫn mới có dịp được tận mắt ngắm hoa nở. Đây là một thú vui tao nhã của những ai say mê tìm kiếm cái đẹp.

Hoa quỳnh thường nở vào buổi tối để tránh ánh nắng gay gắt của mặt trời. Vào những đêm trăng thanh, gió mát, ngồi bên tách trà cùng người tâm đầu ý hợp ngắm những đóa quỳnh khoe sắc là những giây phút dịu dàng hiếm hoi sau một ngày vất vả ngược xuôi.

Xưa, mỗi lần biết hoa sắp nở là các cụ lại mời thêm vài người bạn thân đến nhà, trò chuyện, thưởng trà, chờ chiêm ngưỡng nhan sắc của một loài hoa.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh đã kể về những buổi ngắm hoa quỳnh nở ở nhà cố dịch giả “Trăm năm cô đơn” Nguyễn Trung Đức. Ông viết: “Bây giờ đã chớm thu. Tôi vẫn thường xuyên lên xuống những bậc cầu thang gỗ cũ kỹ, chật hẹp và tối, để lên căn gác nhỏ của ngôi nhà số 8 Tràng Tiền. Trước căn gác nhỏ là những chậu hoa, những chậu cây cảnh lúc nào cũng xanh tươi. Tôi đã một lần được ông rủ đến nhà chơi vào lúc nửa đêm, để xem hoa quỳnh nở. Ông đặt chậu nước trong leo lẻo lên một cái ghế đẩu, giữa nhà. Những búp quỳnh được cài rất khéo trên miệng chậu nước. Hai anh em tôi ngồi hai bên nhâm nhi trà thuốc, chợt ông reo lên: “A, nở rồi!”

Tôi thấy như mình đang được sống trong ngôi nhà cổ tích. Một vệt trăng sáng rỡ từ ngoài cửa sổ hắt vào, khi ông tắt luôn cả ngọn đèn điện phía trên giá sách. Những búp hoa từ từ cựa mình. Rồi một bông, hai bông, đồng loạt cả mười bông đều cụ cựa và he hé nở, một chập sau đồng loạt bung ra. Hương quỳnh tràn ngập căn phòng yên ắng và thanh tịnh. Mặt nước trong chậu kẽ rung rinh. Gương mặt Trung Đức ngời sáng, hồn nhiên chăm chú dõi theo những bông hoa trắng ngần tinh khiết. Rồi chừng dăm phút sau cái phút run rẩy thưởng hoa đầy khoái cảm ấy, bỗng mái tóc dài của ông sã xuống sát chậu nước. Ông ngờ nghệch cầm một bông quỳnh đã rũ rượi giơ lên. Cả hai chúng tôi đều không tin ở mắt mình nữa. Chúng tôi cùng lặng thinh nhìn ra ngoài cửa mờ mờ ánh trăng. Sương thu ướt nhòe những chùm lá”. 

Trong “Trang hoa”, nhà văn Nguyễn Tuân tả hoa quỳnh nở đầy đau đớn: “Phút long trọng nhất của hoa quỳnh là lúc nó đang như bà mẹ rặn đẻ, nó cố phá màng hoa mà buột được cánh ra. Cánh nó lẩy bẩy như những tiếng thơ còn ngập ngừng trên bản thảo, phân vân chưa biết mình hiện hình ra như thế thì đã vừa lòng nhà thơ chưa. Hoa quỳnh nở thật mệt nhọc, tưởng đến long hết rễ trong chậu cây. Quỳnh run run loạng choạng trong đêm điện”...

Có cảm giác như người nghệ sĩ đang giơ tay hứng lấy từng khoảnh khắc hoa nở để mà nâng niu, trân trọng. Cái đẹp vì thế mà ra đời.

Trong tất cả những tàn phai, thì quỳnh là tàn phai nhanh nhất. Hoa bừng nở trong đêm, âm thầm... rồi ngủ ngay trong đêm! Và rồi hoa cứ ngủ vùi như thế đến cả tuần mới thật sự héo khô. Những cánh hoa bám chặt cuống gầy guộc buông thõng xuống...

Hoa quỳnh là biểu tượng của tình yêu trong sáng, chân thành, nhưng mong manh, mong manh đến mức chính bản thân quỳnh cũng không kiểm soát được cuộc đời của mình có thể tự tồn tại được bao lâu? Thôi thì hãy cứ tỏa sáng, dâng hiến hết mình, cho dù hoa có nhanh tàn thì hương thơm vẫn cứ lưu luyến mãi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có một loài hoa lặng lẽ nở trong đêm…