Cốm Vòng tuổi thơ tôi

Phạm Kim Thanh| 10/10/2019 10:44

(HNMCT) - Bạn sẽ hỏi: Sao tôi lại đặt tiêu đề Cốm Vòng tuổi thơ tôi mà không phải là một cái tên chung nhất:  Cốm Vòng - đặc sản của Hà Nội? Làng Vòng đã mất hết đất trồng lúa, lên phố khá lâu rồi. Và cái cổng làng màu nâu đỏ dựng vài năm nay trên phố khiến tôi nhớ “ngày xưa ơi”...

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Đất làng Vòng cổ chuyên cấy lúa nếp cái hoa vàng, làm cốm dẻo thơm nức tiếng trong Nam ngoài Bắc, cho đến những năm 80 của thế kỷ trước vẫn xanh rờn lúa trên cánh đồng mênh mông. Mê nhất là đi trên những con đường xanh thảm lúa nếp, hương lúa uốn câu thơm ngòn ngọt, dìu dịu, như chắt ra từ đồng đất mỡ màu. Những nếp nhà lợp ngói ta - còn gọi là ngói vẩy cá nâu sẫm, ẩn dưới bóng mát rượi của vườn cây ăn quả.

Cảnh đồng quê ngoại thành êm ả, thơ mộng đã tưới mát tâm hồn tôi những tháng ngày đi học nơi sơ tán. Nhớ biết bao cảnh sáng sớm, sương mờ trôi, trên bến ô tô buýt ở cổng trường Thương nghiệp (nay là Trường Đại học Thương mại) và trường Sư phạm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), các bà các chị xếp những thúng cốm ủ lá sen già ven đường, khăn mỏ quạ, áo cánh gụ, môi đỏ thắm, các bà vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa chuyện trò chờ ô tô đến để xếp cốm lên xe vào bán buôn trong các chợ nội thành. 

Những năm 1970, các bà ở ngoại thành vẫn diện áo cánh gụ ra phố, nhẹ nhàng, duyên dáng. Tôi đi học, qua bến ô tô ấy, hít hương cốm thơm ngòn ngọt, dịu dàng... Thèm một vốc cốm non trong lòng tay mình, nhưng vẫn phải làm bạn với chiếc bánh mì ngọt nhỏ xinh của các bác ngành Thương nghiệp bán ở quầy lưu động. Đưa cái phiếu nhỏ như tem thư bưu điện cho bác mậu dịch viên và trả thêm 1 hào là được bánh 100gr để  ăn sáng, đi học.

Ở ngay cạnh làng Vòng, nhưng tôi ít khi được ăn cốm Vòng lắm. Đơn giản là thời bao cấp, đặc sản cốm Vòng khá đắt so với đồng lương công nhân bậc 5 của mẹ, 60 đồng chi tiêu cho bốn người trong gia đình. Thi thoảng lắm được mẹ đãi cốm và chuối tiêu trứng cuốc thì quả thật là bữa tiệc của hai chị em tôi. Bữa cơm gia đình của công nhân viên chức thời ấy chủ yếu vẫn là rau xanh và thịt kho lẫn với đậu, hay cá đồng, cá biển..., tất cả đều  mua theo tem phiếu, chia đều cho 4 tuần trong tháng. Nhớ mãi một Tết Trung thu, ông ngoại gửi hồng chín cây ở quê ra, mẹ liền gọi cả nhà cô Tẻo, nhà bác Diệm, tập trung lũ trẻ con trên tầng hai làm cỗ Trung thu. Cốm Vòng, chuối tiêu quả nhỏ nhưng ngon, bưởi mọng nước, bánh dẻo thơm lừng, chứ không rởm như nhiều bánh bây giờ.

Đô thị hóa với tốc độ chóng mặt, làng lên phố, đồng ruộng làng Vòng không còn, nhường chỗ cho những tòa nhà cao tầng mọc lên. Mỗi lần đến phố Dịch Vọng Hậu, nhìn cái cổng làng nghề truyền thống, lại nhớ những cánh đồng xưa, lúa uốn câu... rồi từ đó ra cốm me, cốm giót, cốm già... Riêng món cốm già dùng để nấu chè cốm, hay để trộn với thịt nạc và trứng, rán lên, ăn bữa cơm trong hơi may, thật không gì sánh được.

Cốm dẻo thơm hôm nay vẫn đi vào ngõ phố, nhưng lúa không còn trồng ở làng Vòng, mà người làm cốm phải mua lúa của Bắc Ninh, Hà Nam... Ở phường Dịch Vọng Hậu, một số gia đình vẫn giữ nghề truyền thống. Và mỗi khi hạ đến, thu về, người Hà Nội thời nay vẫn hóng những hạt cốm Vòng dẻo thơm để làm thức quà giản dị mà thanh, mà sang, gửi đi Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh..., gửi đi bè bạn năm châu.

Như gia đình tôi, mỗi lần từ Hà Nội vào thăm bác tôi ở thành phố Hồ Chí Minh đều nhớ mang cốm biếu bác, thế nào bác lại cất trong tủ lạnh để ngày hôm sau chia đều cho các anh chị tôi, mặc cho tôi giãy nảy lên: "Bác làm thế, hỏng cốm con mang vào, không ngon được đâu". Bác tôi nhả cốt trầu ra, cười: "Bộ chớ con tính sao bây giờ. Thôi, cứ cất đó, mai mang cho các anh chị con, để nó được thưởng hương cốm ngoài mình".

Ôi, nét thanh nét lịch, hồn Việt của người mình, bắt đầu từ những điều tưởng như rất nhỏ, nhưng đã được lưu truyền như thế...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cốm Vòng tuổi thơ tôi