Hoa cúc nở rộ, lại Trùng dương

Phạm Giai Quỳnh| 03/10/2019 11:22

(HNMCT) - Bấm đốt ngón tay đã sang tháng Chín âm lịch, bầu trời dần chuyển sắc từ thanh tân đến thâm trầm, cây cối hoa cỏ dần tàn úa. Thời gian cứ thế mà trôi đi, chớp mắt đã lại Trùng cửu (9/9 âm lịch, còn gọi là Trùng dương). Ngày lễ này vốn được du nhập vào nước ta từ sớm, đã thấy được bóng dáng của nó qua thơ văn tiền nhân, tác phẩm sớm nhất tôi được đọc có lẽ là Ly hạ Trùng dương cúc (Dưới giậu cúc tết Trùng dương) của Viên Chiếu thiền sư thời Lý, tuy nhiên nó lại không phổ biến trong dân gian.

“Lau lách bạc phơ sầu bạn quý/ Cúc thở hương thanh nhiễm áo xưa”(*)

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Tôi cho rằng thu là một mùa nhiều lễ tiết quan trọng nhất trong năm, đặc biệt là Trung thu và Trùng cửu. Nếu Trung thu là ngày đoàn viên thì Trùng cửu lại là ngày leo núi uống rượu, chúc sức khỏe các bậc cao niên, hưởng không khí thanh mát, trò chuyện với bạn hữu. Không khí của ngày Trùng cửu thường lạnh, có thể nói là thời khắc sắp chuyển giao từ thu sang đông, thế nên cũng khắc nghiệt và dễ làm người ta sinh bệnh hơn.

Năm xưa vì để tránh dịch bệnh mà mọi người đổ lên núi, dần dà thành lệ, thêm vào ngày đó một số tục như uống rượu cúc, leo núi và ngắm hoa, thật hợp với tao nhân mặc khách. Tôi không dám nhận mình thuộc phường mặc khách, chỉ dám nhận là kẻ yêu rượu, nên ngay từ mùa thu năm trước đã phải chuẩn bị sẵn cúc thơm, rượu quý, mật ngon, vò đẹp để ủ một mẻ rượu, dành mời thầy và bè bạn, cũng là kiếm cớ riêng để mình hưởng thụ mà thôi.

Cúc là thu quân, tôi yêu cúc nên yêu cả mùa thu, vì yêu mùa thu nên yêu cả tiết Trùng cửu. Khi dậy sớm vào ngày này, bạn sẽ được ngắm bầu trời còn đọng sương dần hòa lẫn với ánh ban mai - nắng mùa thu óng vàng như mật, dần rót phủ xuống mặt đất, mở bình rượu ra để chắt lấy từng giọt thơm nồng khiến người ta chưa uống mà đã say.

Sau đó gói ghém bầu rượu, chuẩn bị tươm tất rồi tới nhà thầy, bạn bè đã tụ họp dần về, trong đó đa phần là bạn vong niên, vì cùng yêu một thứ mà tương phùng và tạo thành một mối duyên sâu bền như tình thân.

Ai nấy đều mang tới một thứ quà riêng, nếu thời tiết xấu không tiện leo núi hoặc đi chơi thì mọi người sẽ quây quần lại, cùng uống rượu, chẳng bàn chuyện thị phi, chẳng nói tới những chuyện không vui, chỉ kể những gì hay đẹp, kể về những gì mình đã học, đã đọc, những nơi mình đã đi. Ấy mới là tuyệt thú. Rượu sánh rót ra, óng ánh đầy tràn, hương hoa cúc nhàn nhạt lan tỏa hòa cùng tiếng cười nói dễ khiến cho người ta phải say.

Trước khi chuyển về thành phố sống, mỗi tiết Trùng cửu, tôi thường chọn leo lên một ngọn đồi thấp gần nơi mình ở, dọc lối đi, cỏ cây dần úa, thảng hoặc vẫn còn sót lại một vài loại quả dại mọng đỏ sắp rụng, khí mát thấm dần vào lồng ngực làm đầu óc và cơ thể thêm tỉnh táo, sảng khoái. Đích đến lúc đó là một bãi cỏ trống nho nhỏ, xa xa có tiếng mõ trâu gõ vào thinh không, tôi gỡ chai rượu con trong túi ra, uống một ngụm nhỏ, phóng tầm mắt ngắm cảnh chiều tà mà chỉ thấy không gian vô bờ như định sẵn con đường mình sẽ phải vượt qua sau này.

Lại nhớ Nguyễn Du từng than trong Mạn hứng, rằng: “Ninh tri dị nhật tây lăng hạ, Năng ẩm Trùng dương nhất trích vô?” (Ai hay ngày sau nằm dưới mộ/ Trùng dương còn được giọt rượu thơm?).

Đến nay không còn nhiều người biết tới và chơi lễ Trùng cửu, nó chỉ còn lưu truyền đối với một số trí thức văn nhân, những người yêu tục lệ cổ mà thôi. Tiếc thay! Bây giờ, tôi lại nghĩ tới đôi câu thơ khác của Nguyễn Phúc Ưng Bình, rằng: “Có rượu cúc thơm say chuếnh choáng/ Dẫu núi không cao cũng leo chơi”, hay câu hỏi không lời đáp của Nguyễn Phi Khanh: “Đời người được mấy cái tết Trùng dương?”.

Phải, đời người ngắn ngủi, tôi thôi chẳng buồn vì tục lệ cũ dần bị nhịp sống hiện đại phủ mờ. Tôi không có thù du(**) như người xưa, chỉ xin chúa Thu cho bẻ một nhành cúc trắng để thay thế, nhét chặt túi thơm đeo bên mình, cầu mong cho tháng năm đều có thể hoan ca...

(**) Còn gọi là Sơn thù du, là loại cây thân mộc thường mọc ở vùng núi các nước thuộc vùng khí hậu ôn đới ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc... hoa nở vào mùa xuân, quả được dùng để chữa nhiều loại bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoa cúc nở rộ, lại Trùng dương