Quà của mùa thu

Thu Hằng| 03/09/2019 10:19

(NSHN) - Cứ vào tiết thu, khi gió heo may mang theo hơi sương lành lạnh thổi về, nhìn những gánh hồng, gánh cốm đi vào phố, người Hà Nội lại nhớ đến câu ca: “Tháng chín buôn cốm bán hồng”.

Tháng chín, thời điểm đẹp nhất của mùa thu, cũng là mùa của cốm, của hồng.

Cốm - thứ quà của lúa nếp non, từ lâu đã đươc xem là đặc sản của mùa thu Hà Nội. Những ngày này, trên khắp các phố, chợ Hà Nội đâu đâu cũng nồng nàn hương cốm. Các bà, các chị làng Vòng quẩy đôi gánh xinh xinh, giắt bó lúa non đã tuốt hạt trên đôi quang, đi dọc các phố mà rao “Ai cốm đây” nghe thật ngọt ngào.

Bây giờ thì nhiều nơi làm được cốm nhưng không ở đâu cốm ngon như ở làng Vòng.

Cốm làng Vòng mang hương vị đặc biệt và phong cách của cốm Hà Nội. Để có được món quà tinh túy đó, người làng Vòng đã phải hết sức cầu kỳ, tỉ mẩn trong từng công đoạn. 

Những bông lúa nếp ngậm sữa, uốn câu mà chưa kịp chín được gặt về, không đập mà tuốt lấy thóc, sàng bỏ rơm, đãi qua nước để loại bỏ hạt lép. Sau đó hong khô rồi  đem rang trong chảo bằng gang trên bếp củi. Khi rang phải đảo thật đều tay trong thời gian nửa tiếng đồng hồ. Rang xong để nguội rồi cho vào cối giã, mỗi mẻ vài cân, khi thấy có trấu thì xúc ra để sảy, rồi lại cho vào giã tiếp. 

Một mẻ cốm phải qua 7,8 lần giã mới đủ độ mềm, thanh mảnh, dẻo dai. Cốm rang giòn quá đem giã sẽ bị đớn. Giã cốm phải nhẹ và nhanh tay. Khi giã phải luôn tay đảo cốm từ trên xuống, giã khoảng 7-8 lần thì thêm ít nước cất từ hoa bưởi rồi đựng vào lá sen. 

Cốm thành phẩm phải được gói trong hai lần lá: Bên trong là lá ráy xanh và mát để giữ cốm không khô và không phai nhạt mầu xanh ngọc, lớp ngoài là lá sen có hương thơm thoang thoảng. Ngoài buộc cái lạt rơm thơm mùi lúa nếp.

Người Hà Nội không phải gặp hàng cốm nào cũng mua. Đúng là cốm làng Vòng thì đắt mấy cũng chịu.

Ăn cốm tươi chỉ thuộc về những ai sành ăn và không vội vã. Thứ quà mộc mạc của đồng quê này được thưởng thức một cách tao nhã. Bao giờ cũng vậy, tay phải nhúm cốm trong lá sen bỏ sang lòng bàn tay trái, rồi tay phải lại nhón vài ba hạt trên lòng bàn tay trái đưa vào miệng thong thả nhấm nháp để cảm nhận từng hạt cốm dẻo dẻo thơm thơm thấm vào răng vào lưỡi.

Còn hồng, tuy không phải là đặc sản của người Hà thành nhưng nó theo gót chân của người tứ xứ đến tặng cho Hà Nội. Từ lâu, hồng là loại quả đứng đầu trong những quả quý dùng để tiến vua.

Cốm và hồng kết hợp để tạo nên một thứ quà trang trọng dùng trong những dịp vui mừng, hiếu hỉ. Hồng và cốm là thứ quà mùa thu mang biếu ông bà, cha mẹ thể hiện sự biết ơn, lòng kính trọng của con cái. Hồng và cốm cũng đi vào ca dao vì đây là lễ vật quan trọng kết duyên đôi lứa, gần gũi thông gia, gắn bó duyên tình. Cùng với mùa thu xao xuyến, nhiều chàng trai cũng hồi hộp, phấp phỏng: 

“Nghe tin em muốn lấy chồng
Để anh mua cốm mua hồng sang chơi…”

Và :

“Gắng công kén hộ cốm Vòng
Kén hồng Bạch Hạc cho lòng ai vui”

Trong lễ ăn hỏi, nhà trai đem cốm đem hồng sang nhà gái thì còn gì quí hơn. Cốm Vòng xanh màu lưu ly để bên cạnh những trái hồng trứng thắm mọng như biểu tượng của một cuộc tình duyên tươi đẹp, trai gái xứng đôi. Cái vị của chúng khi kết hợp với nhau cũng vậy. Một thứ mộc mạc thanh đạm, một thứ ngọt sắc, hai thứ quyện vào nhau, tôn nhau như tình yêu đôi lứa.

Cốm và hồng ôm cả mùa thu trong hương vị, như thể nếu thiếu cốm và hồng thì không phải là mùa thu Hà Nội ấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quà của mùa thu