Một thoáng Tây Hồ

Phạm Giai Quỳnh| 31/07/2019 14:23

(NSHN) - Hồ Tây từng là một trong những khu vực du ngoạn của hoàng gia,  một trong những thắng cảnh của đất Thăng Long. Trải qua hàng nghìn năm biến thiên của lịch sử, hồ Tây từng bị cắt xẻ vùi lấp, truyền thuyết và thực tế đan cài để lại muôn vàn cảm xúc trong lòng hậu thế hôm nay.

Ảnh Marcus Larcey

Tôi vốn là người chỉ chịu được mùa thu và mùa đông, tiết khí mùa hè dễ làm thân tâm suy kiệt, có những ngày chỉ ngồi chờ một ngọn gió ẩm hơi nước mang mưa tới, nhưng mùa hè lại có một điều đáng để mong chờ, ấy là dạo hồ Tây. Không vì sen, chỉ vì trúc. Ngày trước ở đây đã từng có một làng phủ rợp trúc xanh, nhưng đến nay thì nó đã biến mất, may thay trong khu vực hồ vẫn còn có vài bụi trúc nhỏ đủ để ngắm nhìn. Sen dễ khiến cho hồ mất đi vẻ đạm mạc, riêng hương trúc xanh mới che được phần nào mùi bùn ở vài đầm nhỏ quanh đó, nếu như có thêm mấy giậu cúc thì lại càng thi vị. 

Ảnh Marcus Larcey

Bốn bề rộng thoáng, thế nước mênh mang, nếu đến đây vào buổi sáng sớm là có thể nhìn thấy quang cảnh đẫm sương đã một phần làm nên cái tên Dâm Đàm năm nao, cũng là nguyên nhân của án Lê Văn Thịnh hóa hổ mươi thế kỷ trước. Tiếng chày Yên Thái lắng xuống đáy nước lịch sử từ lâu, hồ rộng năm xưa cũng đã bị cắt xẻ vùi lấp mất một phần, chẳng còn tìm được vết tích giống như trong tấm bản đồ cổ thành nữa. 

Núi Tầm Mộc nổi giữa hồ nay đã biến mất, các lăng tẩm đền đài, am quán cũng dần  trở về với cát bụi. Dưới lòng hồ bảo vệ hàng trăm ngôi mộ cổ cùng những nhân vật từng đứng trên vũ đài lịch sử và cả những người vô danh. Chúng ta chỉ có thể biết được họ đã từng tồn tại ở đây, đã từng du lãm, cảm thán trước từng ngọn núi, vườn hoa, rào trúc, hồ trong mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất cổ xưa này. 

Ảnh Nguyễn Trọng Thiệu

Nguyễn Huy Lượng từng viết một câu trong “Tụng Tây Hồ phú”, rằng: “Cảnh vốn sẵn nước trong giăng sáng, người sao nên phụ cảnh này ru?”. Phải, người sao nên phụ cảnh này được đây? Tôi bèn dừng chân ngắm mặt nước tĩnh lặng, ánh trăng bàng bạc rải hòa xuống hồ, chợt có một chú cá ngoi lên quẫy động cả vầng nguyệt sóng sánh mặt hồ, bóng tròn tản mát, rung động rồi tiếp tục hợp lại nguyên vẹn. Dưới mặt nước rờn sóng là những tòa nhà cao tầng, là hàng lan can với bóng cây rợp, là dáng hình lữ khách vụt qua. Vạn năm, nghìn năm rồi tới trăm năm, ai hay có bao nhiêu bóng hình đã soi xuống mảnh "gương trời" này, biết đâu nơi tôi đang đứng lại là nơi mà tiền nhân đã múc nước pha trà?

Ảnh Marcus Larcey

Tối đến, khách tới hồ hóng gió rất đông, thảng hoặc sẽ bắt gặp một vài đôi tình nhân ngồi trên bậc thang dẫn xuống mé nước. Ánh đèn sáng rực của những quán ăn, quán cà phê bao quanh dường như nằm trong một thế giới khác, không hề liên quan tới chốn này. Gần đó có một vài người đang thả câu, tất thảy đều lặng yên, sóng vỗ nhẹ, gió mơn man, tất cả ồn ào phồn hoa đều bị đẩy về phía sau, nơi đây chỉ dành cho người ngắm phong cảnh tìm tới. 

Tôi sinh ra trong cảnh núi đồi, lênh đênh phiêu bạt ngót nửa phần đời đã sống, mỗi lần nhìn thấy nơi nào có non, có nước là lại cảm thấy thân thuộc. Đất thành thị phồn hoa sầm uất khiến con người khó tránh khỏi được cảm giác trống trải, chỉ có thể dựa vào một mảnh hồ trong làm gương soi mình, một bờ tre trúc xanh rì mà tiếp tục rong ruổi. 

Ảnh Marcus Larcey

Trăng trên cao dần bị mây đen che lấp, người vãn dần, vẳng âm thanh trên bầu trời của một vài cánh chim ăn đêm. Sau gót trở về của tôi, gió mát sóng vờn trên mặt hồ rồi lại tĩnh lặng như tâm ảnh soi chiếu hết thảy bể biếc nương dâu trong nhân thế. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một thoáng Tây Hồ