Nỗi nhớ Hà Nội qua trang sách

An Nhi| 13/08/2018 09:18

(NSHN) - Dù không hề nhắc đến Hà Nội, nơi Quỳnh Lê sinh ra và lớn lên, nhưng ta vẫn thấy thấp thoáng đâu đó hình ảnh Thủ đô trong những trang sách của chị.

(NSHN) - Lần trở về trong dịp hè năm nay, tác giả, dịch giả Quỳnh Lê đem đến cho độc giả hai tác phẩm mới: “Quê hương bé nhỏ” (Gael Faye) - ở vai trò dịch giả; “Pho Mát và Đậu Bắp: Làm trẻ con ở Thụy Sĩ” - ở vai trò tác giả. Dù không hề nhắc đến Hà Nội, nơi Quỳnh Lê sinh ra và lớn lên, nhưng ta vẫn thấy thấp thoáng đâu đó hình ảnh Thủ đô trong những trang sách của chị.

“Đồng bệnh tương liên”

“Quê hương bé nhỏ” là câu chuyện về đất nước Burundi quyến rũ ở châu Phi qua con mắt của cậu bé 11 tuổi Gaby. Xen lẫn sự sợ hãi chiến tranh, xung đột sắc tộc là kỷ niệm ngọt ngào của tuổi thơ hồn nhiên, nghịch ngợm mà nhân vật đã trải qua. Gael Faye viết tác phẩm này như kể lại câu chuyện của chính mình, một chàng trai được sinh ra ở Burundi, trong gia đình có mẹ là người Rwanda và bố là người Pháp.

“Chuyện hồi hương vẫn luôn ám ảnh tôi. Không ngày nào quê hương không giục giã. Một tiếng động khe khẽ, một mùi hương lan tỏa, thứ ánh sáng chiều tà, một cử chỉ đơn thuần hay đôi khi là sự tịch mịch cũng đủ làm trỗi dậy những kỷ niệm của thời thơ ấu”. Những trang viết giàu cảm xúc yêu thương đã giúp tác phẩm đoạt giải thưởng “Goncourt Thiếu niên” của Pháp vào năm 2016.

Quỳnh Lê kể rằng, khi lật giở trang sách “Quê hương bé nhỏ”, chị cảm nhận sự đồng điệu sâu sắc. Quỳnh Lê hiểu quê hương “bé nhỏ” ở đây không phải về diện tích hay dân số, mà là nơi ta sống khi còn nhỏ. Giống như tác giả Gael Faye, Quỳnh Lê đang sống ở nước ngoài. Như dịch giả viết, cảm giác “đồng bệnh tương liên” đã khiến chị bắt tay dịch cuốn sách này. Và người đọc cảm nhận được giọng dịch gần gũi, tha thiết nỗi nhớ quê hương.

Trong “Pho Mát và Đậu Bắp: Làm trẻ con ở Thụy Sĩ”, Quỳnh Lê kể chuyện nuôi dạy con ở xứ người. Đó là trải nghiệm của Quỳnh Lê - người mẹ có hai con lai Việt - Pháp. Ở một đất nước có nền giáo dục tiên tiến thiên về hoạt động ngoại khóa, tìm hiểu nghệ thuật, tự nhiên, lịch sử, nhưng cách kể của tác giả không hề có sự so sánh dù trong tâm trạng nhớ quê hương tha thiết.

“Việc làm mẹ không phải là một nghề mà là việc ta học mỗi ngày. Trẻ con mỗi ngày đều dạy cho chúng ta những bài học mới, những điều bất ngờ và thậm chí là dạy cho chúng ta biết kiềm chế cảm xúc của mình”, tác giả Quỳnh Lê chia sẻ. Pho Mát và Đậu Bắp, vì thế, giống như những người thầy, người bạn của mẹ, đưa mẹ hòa vào cuộc sống mới cùng mình. Sự cộng hưởng và học hỏi từ nhau của hai phía vốn dĩ là cách giáo dục thích hợp với bất cứ gia đình nào.

Quê hương qua những trang sách

Bên cạnh hai cuốn sách trên, trước đây, độc giả còn biết đến 3 cuốn sách khác của Quỳnh Lê. Đó là 2 cuốn sách chị viết “San San chân to đi xốp”, “Kinshasa - không niềm hân hoan dưới mặt trời rực rỡ”, và 1 cuốn sách dịch “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” (Nuage Rose - Hồng Vân). Có thể cảm nhận rõ, 5 cuốn sách đều là những câu chuyện của người xa xứ, trong đó, hình ảnh Hà Nội hiện lên đâu đó trong ký ức của tác giả, dịch giả.

“San San chân to đi xốp” ra mắt cách đây 3 năm, có lẽ là câu chuyện đem đến hình dung rõ nét nhất về tuổi thơ của tác giả ở Hà Nội. Qua con mắt của một cô bé sinh ra và lớn lên ở phố cổ có biệt danh là San San, hình ảnh Thủ đô thời bao cấp hiện lên sống động. Đó là những ngõ nhỏ thơm mùi hoa sữa, những mái nhà nâu đỏ, Nhà thờ Lớn với tường gạch xám cũ kỹ, hai tháp chuông lớn và những cửa sổ hẹp huyền bí. Đó là những buổi chiều mùi thức ăn sực nức bay ra từ những ngôi nhà, là những đêm mất điện, quạt giấy, quạt nan bung ra như những cánh bướm dưới bầu trời đầy sao...

“Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” của tác giả Hồng Vân - người Pháp gốc Việt - được Quỳnh Lê dịch cũng là câu chuyện tương tự. Với giọng văn mang màu sắc tiểu thuyết, hành trình của những bạn nhỏ theo gia đình rời Hà Nội đi sơ tán hiện lên thú vị. Dù sợ hãi chiến tranh, thiếu thốn đủ thứ nhưng các nhân vật vẫn lạc quan, vui vẻ và lấp lánh tình yêu. Những trang sách khiến người đọc rưng rưng xúc động về một thời đã xa...

“Kinshasa - không niềm hân hoan dưới mặt trời rực rỡ” là tiểu thuyết đầu tiên của Quỳnh Lê, đến tay độc giả năm 2016. Kể về một cô gái Việt Nam đến Kinshasa (Congo) để tìm hiểu về quá khứ bí ẩn của cha mình, cuốn sách chứa đựng trải nghiệm của tác giả, với 4 năm sống tại Congo. Bằng sự quan sát tinh tế, chọn lọc chi tiết tài tình, Quỳnh Lê đưa người đọc đặt chân vào một miền đất mà không nhiều người Việt có điều kiện tới.

Miền đất ấy được kéo thật gần nhờ liên tưởng của chị: “Những ngày đầu ở Kinshasa, khi nghe mọi người ríu rít trong ngõ hẻm cạnh nhà, tôi cứ hình dung đó là tiếng các dì mình cùng ngồi nhặt rau và nói chuyện...”.

Là người biên tập hầu hết sách của Quỳnh Lê, nhà văn Nguyễn Trương Quý nhận định: “Đi qua nhiều miền đất, Quỳnh Lê có bề sâu trải nghiệm văn hóa và đã khéo léo đưa vào những trang sách để chúng hiện lên đầy cảm xúc, nhiều thông tin, thông điệp. Tôi nghĩ Quỳnh Lê đã định hình được phong cách của mình trên văn đàn và giúp các tác giả hôm nay tìm được cảm hứng viết về những gì đã qua”.

Quỳnh Lê sẽ tiếp tục viết và dịch những tác phẩm ăm ắp tình cảm với quê hương, để “dù có ở đâu, nói ngôn ngữ nào thì ta vẫn biết mình đến từ đâu và nơi ta có thể quay về”, “kết nối các con với quê hương Việt Nam”.

Tác giả, dịch giả Quỳnh Lê tên thật là Vũ Lê Thúy Quỳnh, sinh năm 1976. Chị từng là phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam và Hãng Thông tấn AFP tại Hà Nội. Hiện chị đang sống và làm việc tại Thụy Sĩ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi nhớ Hà Nội qua trang sách