Cánh diều Hà Nội bay trên quảng trường Nhà Trắng

Thùy Liên| 17/02/2018 14:02

(NSHN) - Thú chơi thả diều của con người có từ xa xưa, thể hiện ước mơ bay bổng, tìm hiểu và khám phá thế giới.

(NSHN) - Thú chơi thả diều của con người có từ xa xưa, thể hiện ước mơ bay bổng, tìm hiểu và khám phá thế giới. Theo thời gian, thú chơi dân dã này đã được nâng tầm và phát triển thêm nhiều loại hình mới như diều thể thao, diều nghệ thuật, diều quảng cáo... Trong lĩnh vực này, các nghệ nhân Hà Nội cũng đã để lại những dấu ấn không nhỏ.

Từ… diều lại trở về... diều

Quen biết ông từ gần hai mươi năm trước, khi cùng sinh hoạt trong Chi hội Văn học của Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Tây, sau là Hội Nhà văn Hà Nội, tôi cứ đinh ninh Đỗ Hồng Hà vừa là tên thật, vừa là bút danh của ông. Vì thế, khi nhận lời đến thăm nhà ông ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội, tôi nghĩ rằng, cứ đến đó hỏi, nhà văn nổi tiếng như ông, chắc nhiều người biết. Theo chỉ dẫn của ông qua điện thoại, tôi tìm đường đến đình Diều rồi hỏi nhà ông. Hỏi mấy nhà quanh đó, ai cũng lắc đầu, bảo rằng ở đây không có ai là Đỗ Hồng Hà, lại là nhà văn cả. Lướt qua lướt lại trước đình Diều mấy lần, kết quả cũng chẳng khá hơn. May sao, cuối cùng, một cụ già dựa vào mô tả của tôi về đội tuổi, vóc dáng của ông Đỗ Hồng Hà, bảo rằng: - Ở đây, không có ông nào là Đỗ Hồng Hà cả, chỉ có ông Độ “diều” thôi, chú vào hỏi thử xem, nhà ở ngõ bên trái đình Diều kia kìa!


Tôi đi vào con ngõ nhỏ, ngắn, còn lởm chởm gạch đá do đang xây dựng. Ngõ chỉ có một nhà. Vừa nhìn thấy ông, tôi kêu lên: - Hồng Hà ơi là Hồng Hà, làm em tưởng tìm không ra! Hóa ra anh còn là “Trạng” diều à?

Ông cười hề hề. Vẫn kiểu cười thoải mái của một người an nhiên, tự tại, bằng lòng với cuộc sống và lựa chọn của mình như tôi từng biết. Qua một tuần nước và những câu chuyện thăm hỏi về gia đình, bản thân, ông mới bảo rằng: - Đỗ Hồng Hà là bút danh, còn tên thật của tớ... Ông đứng dậy, lấy trên vách lán một khung nhôm kính, trong có tấm bằng phong tặng nghệ nhân.

- Đây, tên cúng cơm của tớ đây! Còn tại sao tớ lấy bút danh Đỗ Hồng Hà, ông thử đoán xem?

Nguyễn Gia Độ sinh năm 1949 nhưng nhìn ông trẻ hơn nhiều so với độ tuổi U70. Mê chơi diều từ nhỏ nên dù trải qua nhiều công việc nhưng cuối cùng ông lại trở về với diều, đi sâu vào chế tác và biểu diễn diều sáo. Những năm 1968-1990, ông công tác ở Cục Đường sông Việt Nam. Ngay sau khi về địa phương, ông tham gia Câu lạc bộ diều của thôn, xã và được đánh giá là thành viên rất tích cực.


Nghệ nhân Nguyễn Gia Độ chuẩn bị thả diều


Năm 2010, ông mang cánh diều sáo Hồng Hà - Đan Phượng - Hà Nội tham gia Liên hoan Diều quốc tế lần thứ nhất tại Vũng Tàu có sự tham gia của 15 nước. Cùng năm, tham gia Liên hoan nghệ thuật Diều Hà Nội với chủ đề “Hà Nội - Bầu trời hòa bình” tại sân vận động Mỹ Đình nhân dịp kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, có 60 đoàn trong nước và quốc tế tham dự. Tại đó, con diều lâu đời nhất, với bộ sáo diều bằng tre già của đoàn diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà được đánh giá rất cao. Sau Liên hoan, ông còn có dịp giới thiệu về nghệ thuật thả diều ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Năm 2012, ông đoạt giải Nhì cuộc thi Diều quốc tế ở Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh). Đến năm 2013, khi Câu lạc bộ Diều sáo huyện Đan Phượng thành lập với 25 hội viên thì ông được bầu làm Chủ nhiệm.

Năm 2015, trong chuyến sang Mỹ, ông Độ đã mang theo một chiếc diều sáo lắp ghép. Đó là chiếc diều khá lớn với chiều dài đến 3 mét. Vào một buổi sáng đẹp trời tại Quảng trường Nhà Trắng (Mỹ), ông đã thả con diều sáo Hà Nội - Việt Nam bay lượn trên không trung, thu hút nhiều người chiêm ngưỡng và thán phục. Ông chỉ tiếc là hôm đó trời ít gió nên diều bay không được lâu. Đến nay, ông vẫn là nghệ nhân người Việt đầu tiên có dịp thả diều trên Quảng trường Nhà Trắng (Mỹ) và đó là một kỉ niệm sâu sắc trong đời mà ông không thể nào quên.

Mong gìn giữ nét đẹp truyền thống

Ông Nguyễn Gia Độ được phong Nghệ nhân Ưu tú năm 2015, trong đợt đầu tiên Nhà nước phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân có đóng góp trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Vinh dự, tự hào, ông càng chuyên tâm duy trì tốt hoạt động của Câu lạc bộ Diều sáo. Như nhiều nghệ nhân diều khác ở quê hương, ông vẫn sử dụng những vật liệu bình thường như giấy, tre nứa và chỉ lụa để chế tác những con diều sáo. Với bàn tay khéo léo và óc thẩm mĩ nghệ thuật, nghệ nhân có thể cho ra đời cả đàn diều với đủ hình chim, thú hoặc mô phỏng các nhân vật nổi tiếng... Hiện nay, trong nhà ông còn đến gần 100 chiếc diều vành trăng do chính ông chế tác; một số đã thất lạc hoặc hỏng hóc trong khi dọn nhà để xây dựng mới. Theo ông, diều Việt Nam độc đáo nhất là diều sáo, thứ mà nhiều nước rất “mê” nhưng không làm được. Một chiếc diều sáo vừa đẹp lại vừa có tiếng sáo hay luôn hấp dẫn mọi người. Diều sáo truyền thống rất độc đáo, mang đậm chất văn hóa Việt Nam và luôn được đánh giá cao ở các liên hoan diều, nhất là các liên hoan diều quốc tế.

Không chỉ đam mê làm diều, thả diều, ông còn sẵn sàng truyền dạy kĩ thuật làm diều, nghệ thuật thả diều cho lớp trẻ. Ông lo có ngày thú chơi diều sẽ “tuyệt chủng”. Là cộng tác viên tích cực về bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, nhiều năm liền, ông được Bảo tàng Dân tộc học mời ra dạy cách làm diều cho học viên, chủ yếu là các bạn trẻ. Ông Độ cho biết, kĩ thuật làm diều, chơi diều có bốn bước chính là tạo hình, dán giấy, vẽ màu và thả diều. Khi tạo hình phải biết chọn tre (dày, dẻo), vót, uốn rồi khớp nối các thanh tre theo mô hình định trước thành khung diều. Sau đó, chọn chất liệu giấy phù hợp (giấy thường hoặc lụa) rồi cắt, dán giấy đạt yêu cầu kĩ thuật và thẩm mĩ. Sau cùng, dùng bút vẽ lên cánh diều với các hình trang trí tùy chọn. Đến khi thả diều, phải biết lựa thời tiết, cảm nhận tốc độ gió, chọn vị trí phù hợp, rồi chọn loại diều, luôn chú ý kiểm soát diều bằng cách điều chỉnh dây.

Mải mê nói về thú chơi diều, nghệ nhân Nguyễn Gia Độ thể hiện chất văn của Đỗ Hồng Hà, bút danh của ông, chỉ có điều khác là nói chứ không viết. Ông cho rằng, thả diều từ chỗ chỉ là một trò chơi đã trở thành một môn chơi - một bộ môn thể thao đích thực. Diều không chỉ là thú chơi dân dã với yếu tố ngắm nhìn, vui chơi, đua tranh, mà còn có chức năng rèn luyện sức khỏe. Thả diều không chỉ giúp cơ thể vận động linh hoạt mà còn tác động tích cực đến tinh thần người chơi. Với cả người thả diều cũng như người xem thả diều, nét nghệ thuật hấp dẫn của môn chơi này đã giúp cho họ có những phút giây thư thái, sảng khoái, dung dưỡng tinh thần để thêm yêu đời, từ đó thêm hăng say lao động sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích cho xã hội.

- Diều hay như thế, quý như thế nên lớp người như mình chỉ mong giữ gìn nét đẹp truyền thống; truyền dạy cho con cháu để giữ mãi về sau - Giọng ông bỗng sôi nổi hẳn lên - Từ làng ra nước, từ trong nước ra thế giới, mới thấy người ta chơi diều phong phú lắm, đẹp lắm, nhiều ý nghĩa lắm. Chúng ta cũng có diều hiện đại, nhưng phải biết giữ cả cái diều quê, cái nét chân quê, cái hồn Việt. Bản sắc là ở đó chứ còn đâu nữa!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cánh diều Hà Nội bay trên quảng trường Nhà Trắng