Vị Tết xưa

Đức Minh| 16/02/2018 06:56

(NSHN) - Tết bắt đầu bằng vị lạnh “ngọt” của những cơn mưa bụi li ti bám trên mái tóc, trên những cành đào, cành mai còn đang lấm tấm nụ.

(NSHN) - Tết bắt đầu bằng vị lạnh “ngọt” của những cơn mưa bụi li ti bám trên mái tóc, trên những cành đào, cành mai còn đang lấm tấm nụ. Không khí rạo rực khắp nơi, màu sắc của hoa, cây cảnh, của bánh mứt kẹo, lá dong xanh, nếp trắng, đỗ vàng... tràn ra khắp phố. Khoảnh khắc đó năm nào cũng gặp mà vẫn thấy bâng khuâng, khó tả. Nó gợi nhắc hương vị của nồi bánh chưng, cái vị cay nồng của hũ dưa mẹ muối... Hương vị Tết đi cùng năm tháng, đi cùng ký ức để mỗi người nhung nhớ, tìm về...

Ai cũng đồng tình là Tết có một vị rất riêng, có thể nhận thấy ngay sau một lần “nếm” thử song không thể rạch ròi cụ thể đó vị gì. Do sự cảm nhận của mỗi người, vì thế vị của Tết mới muôn hình vạn trạng.

Người thì cho rằng vị Tết là mùi ấm nồng từ bếp luộc bánh chưng bên ánh than hồng rực. Mùi củi cháy, mùi thơm của lá dong, mùi gạo nếp cùng nhân đậu xanh, thịt ba chỉ hòa quyện với nhau trong chiếc nồi lớn, nước sôi sùng sục rồi bốc hơi mang theo mùi thơm quyến rũ. Cái vị ướp đầy nỗi thèm khát chờ mong của lũ trẻ, cái mùi no ấm thiêng liêng ấy, luôn gợi nhắc về một cái Tết đoàn viên xa xưa. Quanh bếp lửa cả gia đình ngồi bên nồi bánh râm ran trò chuyện thâu đêm, cảm nhận cái hơi ấm của bếp lửa than nồng, của tình gia đình diết da, sâu nặng. Người thì cảm nhận Tết có vị ngọt của hương đất tỏa buổi sáng sớm đầu tiên mở cửa nhà. Mưa xuân mỏng như sương rắc, chỉ đủ làm ẩm không gian và gọi mùi ngai ngái lan từ đất mềm. Hơi đất nhẹ và mơ hồ luẩn quất với mùi nhựa cây mới ứa, mùi chồi nụ đang cựa mầm. Người thì cho đó là vị “hỗn hợp” chua cay mặn ngọt của hũ dưa góp, củ kiệu được bàn tay của người bà, người mẹ kỳ công chuẩn bị và tỉ mẩn ước lượng thời gian để có thể kịp dùng trong dịp Tết.

Để có được vị ngon đặc trưng, từ nửa tháng trước Tết, mẹ đã phải phơi héo dưa cải bẹ và hành củ già, chuẩn bị vại dưa nén cả tàu, âu hành muối được xếp thêm mía tím. Chỉ cần sớm hoặc muộn một vài ngày là món ăn sẽ giảm chất lượng ngay. Món dưa dân dã của mẹ trong mấy ngày Tết là món “bắt” cơm nhất, ăn mãi không biết chán và dường như là món không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết. Và ngày Tết thì không thể thiếu vị của miếng mứt dừa ngọt ngào, mứt gừng cay nồng, mứt quất tê mùi vỏ quả, mứt sen thanh tao... Có lẽ vì thế mà ẩm thực là một yếu tố hết sức quan trọng của ngày Tết cổ truyền nên người Việt vẫn quen gọi “ăn Tết” chứ không phải nghỉ Tết, chơi Tết...


Vị Tết còn phảng phất hương mùi già trong hư không chiều Ba mươi Tết... Vào cuối chiều Tất niên, khi các việc dọn dẹp nội trợ đã xong, những mùi trộn rộn đã dịu đi - cũng là lúc mẹ long trọng đun một nồi nước lá mùi già để cả nhà tắm gội. 

Khi nước nóng dần lên, mùi thơm ngan ngát, cay cay, rất riêng biệt từ nồi nước tỏa ra nhẹ nhàng, dễ chịu. Tắm nước lá mùi vào chiều Ba mươi có ý nghĩa như một nghi thức thanh tẩy tinh thần, để người ta được thơm tho tinh khiết, sáng láng và thiện lương hơn. Vì thế mùi ấm nồng nàn mà thanh khiết của nước tắm lá mùi như một biểu tượng luôn nhắc ta nhớ đến Tết, đến chăm chút yên ấm của những người phụ nữ trong gia đình với những người thân yêu.

Vị Tết đôi khi còn là vị mặn nước mắt của những bà mẹ có đứa con xa vì một lý do nào đó mà phải dứt áo ra đi đến một bến bờ xa lạ nơi đất khách quê người, không thể về nhà xum họp, của chia cách âm dương khi giờ phút đoàn viên lại thiếu vắng những bóng dáng thân yêu.

Một mùa xuân nữa đang đến thật gần, vị Tết dù có thay đổi theo sự cảm nhận khác nhau nhưng nó vẫn nồng nàn như thế. Để rồi khi bất chợt nghe ấm áp mùi hương trầm nhà ai thoang thoảng trong mưa phùn, gió lạnh cuối năm lại nôn nao nhớ về hương vị Tết những ngày xưa cũ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vị Tết xưa