Nao nao chợ Tết

Tú Minh| 14/02/2018 17:26

(NSHN) -  Khi tờ lịch trên tường mỏng dần đi, lòng người lại rộn lên một niềm hân hoan đón Tết. Và trong đó có sự nôn nao ngóng chờ chợ Tết.

(NSHN) -  Khi tờ lịch trên tường mỏng dần đi, lòng người lại rộn lên một niềm hân hoan đón Tết. Và trong đó có sự nôn nao ngóng chờ chợ Tết.

Theo sự chuyển động của thời gian, cái chợ Tết nghèo chất chứa lo toan ngày xưa nay đã có nhiều đổi khác. Nhưng, mặc cho guồng quay của cuộc sống công nghiệp cái gì cũng nhanh, cũng sẵn thì nét tinh tế, sự cầu kỳ, chu đáo của người Hà Nội trong việc lo toan, sắm Tết lại chẳng bao giờ mất đi...

Nhà văn của Hà Nội - Vũ Bằng đã ghi lại trong tâm thức khi hồi tưởng về những ngày đi chợ Tết thế này: “Nhìn vào cái gì mình cũng thấy đẹp, trông người nào mình cũng thấy tươi, thấy cái gì mình cũng muốn mua... muốn về nhưng lại cứ muốn đi, đi để xem thiên hạ mua bán, đi để xem bao nhiêu cái ngon, cái đẹp của quê hương, đi để xem... chợ Tết”. Quả thật, đến chợ Tết đầu tiên là no con mắt với màu sắc phong phú của những sản vật quê nhà. Từ màu trắng của các loại gạo nếp, gạo tẻ, đến màu xanh của lá dong, rau xanh, rồi quả gấc chín đỏ, quả cam chín hồng, những quả bưởi vàng mơ, thúng đậu đỗ vàng ươm bên phên đường mía, mật mía nâu sóng sánh,... Phía góc chợ thể nào cũng có một ông đồ già đang ngồi “cho chữ” khách lại qua bên cạnh là ngời ngời giấy đỏ mực tàu. Trước cổng chợ là hàng nặn tò he, tạo hình những con vật thật ngộ nghĩnh với xanh đỏ tím vàng muôn sắc màu sặc sỡ... Đến chợ Tết, khứu giác sẽ được đánh thức bởi rất nhiều mùi thơm không gọi thành tên bởi đó là mùi tổng hợp của các loại rau thơm, củ, quả, mùi hồ vải, áo mới, mùi của hương trầm ngào ngạt, mùi của lá dong giềng, mùi của ngô khoai sắn..., mùi của các loại bánh Tết, hoa Tết và không thể quên được mùi hương đặc biệt của cây mùi già... Người ta gọi chung là mùi của Tết, thứ mùi đặc trưng cứ thế quyện trong khói hương trầm bay vòng quanh chợ Tết giữa lấm tấm mưa phùn hòa lẫn giọng nói, câu cười rả rích, đó cũng là thứ mùi có thể làm cay mắt bất cứ ai mỗi khi xa nhà vô tình chạm vào miền ký ức đầy ắp hương thơm.

Và nhớ về chợ Tết không thể không nhớ về chợ hoa. Bởi trong tiềm thức mỗi người Hà Nội, đón năm mới không chỉ là chiếc bánh chưng xanh, khoanh giò lụa, phong lì xì mà cả những cành đào thắm sắc, cây quất trĩu quả hay những lọ hoa rực sắc màu. Người Hà Nội đi chợ hoa thường ngắm nhiều hơn mua. Coi đó như một thú vui. Thế nên, có lẽ chỉ có người Hà Nội mới nói “đi chơi chợ hoa” mà không phải là “đi chợ mua hoa” như nhiều nơi khác. Vì vậy, dù tất bật với cả “núi” công việc cuối năm thì người Hà Nội vẫn dành thời gian để thưởng thức không khí xuân đang căng tràn tại những chợ hoa Quảng Bá, Nhật Tân, Nghi Tàm... Và đặc biệt là chợ hoa Hàng Lược. Không giống như chợ Quảng Bá, hoa thường chất thành từng đống lớn, đống nhỏ, ở chợ Hàng Lược, hoa được chọn lựa kỹ càng hơn, chủ yếu là loại vừa và nhỏ, phù hợp với không gian nhỏ nhưng lại mang nét tinh tế của người Hà Nội. Nhiều nhất ở đây là các loại hoa truyền thống như đào, quất, cúc, lay ơn, thược dược, violet, thủy tiên, hải đường... Ngoài hoa tươi, người ta có thể tìm thấy ở đây những lẵng hoa lụa đủ loại, đủ màu xen giữa những gian hàng bày bán nhiều loại hoa quả độc đáo như bưởi hồ lô, phật thủ... cùng các đồ trang trí, phong bao lì xì. Chừng ấy là đủ để người mua hoa mắt, lưỡng lự trước sắc đỏ ngập tràn. Trong tiết trời bảng lảng sương giăng, trong cái lạnh se se, lòng người đi thưởng hoa như reo vui khi được ngắm sắc hoa đào, hoa mai rực rỡ, những bông thược dược cánh to và dày đượm màu đủ sắc, những bông cúc đại đóa vàng rực cả một gánh hàng hoa. Đi chơi chợ hoa ngày Tết, không chỉ là để tìm một cành đào, chậu mai vàng hay quất cảnh bày trong những ngày năm mới mà còn là để có những phút giây thư thái, gạt bỏ những lo toan đời thường, tìm một chút lãng mạn dù rất nhỏ nhoi cho cuộc sống thêm nhiều màu sắc, xua tan đi bao mệt nhọc, lo toan.

Vẫn nguyên vẹn niềm háo hức mong chờ đến Tết nhưng chợ Tết Hà Nội ngày nay cũng khác xưa nhiều. Khác bởi sự hiện đại và mới mẻ về cả cơ sở vật chất lẫn số lượng, chủng loại hàng hóa. Những mái ngói lô xô của chợ xưa nay đã không còn nữa, thay vào đó là những khu chợ nhiều tầng khang trang. Chợ không còn họp theo phiên nên người Hà Nội không còn phải bấm ngày để đi chợ như các cụ ngày trước, mà cứ đủng đỉnh, thong dong, ngày nào cũng có thể ghé qua chợ, siêu thị mua đủ những thứ mình cần. Nếu không muốn xếp hàng chờ đợi tính tiền ở siêu thị, nhiều người online trên mạng, alo một cú điện thoại đã có ngay một cái Tết tươm tất “ship” đến tận cửa nhà. Thậm chí còn có những địa chỉ phất lên nhờ làm sẵn những món ăn ngày Tết như: Bánh chưng Quốc Hương, giò chả Trần Công Châu, hay những “căn bếp online” như Bếp Quê, Bếp của Bà, Góc bếp Hoàng Lan chuyên phục vụ những món ăn truyền thống ngày Tết như giò xào, canh măng, canh bóng, nem... sẵn sàng ghé vai san sẻ việc sắm Tết cùng các bà, các chị. Chình vì thế mà xưa, các bà, các mẹ cầu toàn, tỉ mẩn trong từng món đồ Tết thì nay các nàng dâu thời đại mới đã có phần yên tâm vì dàn xếp được ổn thỏa giữa ngồn ngộn công việc cuối năm với chu đáo việc sắm Tết ở nhà. Ngồi ở văn phòng có thể “order” từ giỏ quà để biếu ông bà, cha mẹ hai bên nội ngoại đến cây đào Hà Nội hay cành mai từ tận miền Nam, rồi hoa quả đặc sản từ các tỉnh, thành và cả bánh kẹo, rượu bia ngoại nhập... với nguồn gốc bảo đảm. Thậm chí là cả một mâm cỗ Tết tinh tươm theo đúng chuẩn Hà Nội...

Cuộc sống hiện đại gấp gáp khiến thói quen nhẩn nha sắm Tết của người Hà Nội có phần khác đi. Nhưng những phiên chợ Tết truyền thống vẫn họp đúng hẹn bất chấp nhịp thời gian đang trôi qua hối hả. Bởi, giản tiện và nhanh gọn đến thế, nhưng sao vẫn thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Hình như là cái cảm giác được cầm một món đồ, nâng lên đặt xuống, hít hà khám phá, cảm nhận, giữa không khí mờ ảo giữa hoa và sương của chợ Tết năm nào. Để rồi trôi trong miên man ký ức, người Hà Nội lại chạnh lòng nhớ quay quắt khói hương trầm quyện vòng bay lên, phả vào thênh thang không gian chợ Tết một thời. Lại ước mong rồi sẽ còn nhiều cái Tết của nhiều năm sau nữa, lại được theo chân bà và mẹ đi chợ. Đi để được ngược về và sống trong một không gian văn hóa truyền thống, để biết yêu quý và trân trọng hơn những giá trị tinh hoa của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nao nao chợ Tết