Người kể chuyện bên hồ Hoàn Kiếm

Yên Nga| 22/10/2017 08:27

(NSHN) - Ai yêu hồ Hoàn Kiếm, muốn tìm hiểu “lẵng hoa giữa lòng Hà Nội” bằng công cụ tìm kiếm Google hẳn sẽ thấy ngay trang web riêng của nhà báo Hà Hồng.

(NSHN) - Ai yêu hồ Hoàn Kiếm, muốn tìm hiểu “lẵng hoa giữa lòng Hà Nội” bằng công cụ tìm kiếm Google hẳn sẽ thấy ngay trang web riêng của nhà báo Hà Hồng. Và thật vui khi những bài viết ăm ắp thông tin, những hình ảnh ghi lại mọi khoảnh khắc bên hồ trên trang web đó vừa được đưa vào cuốn sách “Chuyện kể bên Hồ Gươm” do Nhà Xuất bản Lao động ấn hành.

Còn nhớ, hai năm trước, cũng vào tháng 10, dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Hồng là người “mở hàng” cho hoạt động của Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm bằng triển lãm “Sắc màu Hồ Gươm”. Năm nay, anh cũng chọn thời điểm đó để mang đến với người yêu Hà Nội cuốn sách ảnh “Chuyện kể bên Hồ Gươm”, và như anh chia sẻ: “Hồ Gươm là tấm gương phản chiếu nhiều sự kiện lịch sử của đất nước nói chung, của Hà Nội nói riêng”, Hà Hồng hiện là Trưởng ban Khoa giáo, Báo Nhân dân. Anh không phải nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, không phải “dân” nghiên cứu văn hóa. Đơn giản, nhà anh ở gần Hồ Gươm, tòa báo nơi anh làm việc hơn 30 năm qua cũng nằm sát bên hồ, nên gắn bó và yêu nơi này một cách tự nhiên. Anh tâm sự: “Tôi thường xuyên đi bộ xung quanh hồ mỗi ngày để tận hưởng không gian tuyệt vời của Hồ Gươm. Thói quen chụp ảnh, ghi chép mọi sự kiện diễn ra bên hồ dần hình thành từ đó”.

Năm 2006, Hà Hồng lập trang web về hồ Hoàn Kiếm. Cần mẫn viết lách, chụp ảnh, anh đã đăng hơn một nghìn tin, bài và hàng chục nghìn bức ảnh với “nhân vật chính” là hồ Hoàn Kiếm. Khối lượng kiến thức về “trái tim của Thủ đô” và những góc máy “độc nhất vô nhị” của anh về nơi này khiến các nhà nghiên cứu cũng nể phục. Gần 180 nghìn lượt người tìm đến trang web của anh, quá nửa trong số đó là người nước ngoài. Anh bảo, nhìn những con số nhích dần lên là thấy vui, đó là biểu hiện của sự lan tỏa.

Nhưng dường như thế là chưa đủ, Hà Hồng quyết định làm sách, một cách để tập hợp các bài viết chính, các bức ảnh được đăng trên trang web cá nhân của anh, và để “dành cho những người không có điều kiện tản bộ quanh hồ, cũng không tiện truy cập internet dù nỗi nhớ nhung ngập đầy” như anh suy nghĩ. “Chuyện kể bên Hồ Gươm” dày 400 trang, khổ 15x15cm. Đó là những câu chuyện có thật diễn ra quanh hồ Hoàn Kiếm từ năm 2006 đến dịp tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010).

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhận xét: “Những tin, bài Hà Hồng viết về Hồ Gươm tựa như nhật ký, như ghi chép hằng ngày. Anh “thuật nhi bất tác” (thuật lại một cách trung thực mà không sáng tác). Đằng sau những thông tin, những cảnh ngộ, những câu chuyện, người ta luôn thấy một Hà Hồng tràn đầy năng lượng, háo hức, lo toan, trăn trở, xây dựng, trách nhiệm, xúc động, cảm động, đôi lúc bất bình với những người và cảnh vật làm xấu đi Hồ Gươm”.

Quả vậy, những bài viết của Hà Hồng luôn trả lời rõ loạt câu hỏi: Ai? Cái gì? Ở đâu? Lúc nào? Như thế nào? Đó là chuyện ông đồ Nguyễn Vũ Tặng cho chữ, tặng thơ ở ven hồ đầu xuân Bính Tuất, chuyện từng cây lâu năm bên hồ “ra đi” hay những lần tình cờ gặp nhà văn Tô Hoài, nhà văn Băng Sơn ở nơi này… Hà Hồng tường tận và yêu thương từng gốc cây, ngọn cỏ, tấc đất, hiện vật quanh hồ. Anh nhận ra mỗi sự thay đổi, đặc biệt là những điều làm tổn hại đến không gian này. Anh góp ý đầy trách nhiệm bằng những dòng viết nhẹ nhàng, khá hóm hỉnh, như ở trong các bài: “Đinh tặc tấn công di tích”, “Cần chấm dứt hiện tượng treo vật quảng cáo trên dây điện”, “Xa cách quá Ban Tổ chức ơi”, “Nên chuyển nơi tập kết xe rác đi chỗ khác”, “Vườn tượng gây phản cảm”…

Cầm cuốn sách trên tay, có đến gần 200 bài viết và 1.000 bức ảnh chỉ về hồ Hoàn Kiếm nhưng người xem không thấy trùng lặp, mà nhận ra nhiều điều thú vị về nơi này. Họ mong đợi khám phá tiếp theo của "người kể chuyện bên hồ Hoàn Kiếm" trong thời gian tới…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người kể chuyện bên hồ Hoàn Kiếm