Thương về ao làng

Hoàng Thu Phố| 17/08/2016 15:15

Andrey, anh bạn người Hà Lan sang Hà Nội công tác 5 ngày. Ngày cuối, anh bảo tôi đưa đi thăm những làng mạc “quanh quanh Hà Nội”.

Andrey, anh bạn người Hà Lan sang Hà Nội công tác 5 ngày. Ngày cuối, anh bảo tôi đưa đi thăm những làng mạc “quanh quanh Hà Nội”.

Không khó đưa anh bạn đi - về trong ngày nhưng cái khó là khi lên xe rồi, Andrey mới “thòng” thêm một yêu cầu: “Làng nào phải có… nhiều ao đẹp”.

Tôi khá “choáng” trước yêu cầu này. Bởi từ ngày mở rộng, Hà Nội đồng thời cũng nhận về nhiều làng mạc trù phú. Những cánh đồng xanh mướt, những cánh rừng còn đủ thú chim… Nhưng, những ngôi làng thì đã dần biến đổi, khoác lên mình tấm áo rực rỡ của chốn thị thành. Về làng bây giờ, rất dễ để gặp những ngôi nhà tầng sơn màu xanh đỏ, rất dễ thấy những con đường bê tông hoặc trải nhựa thay những con đường lát gạch lục nghiêng… Chỉ có điều, ao làng…

Xưa, làng nào cũng có vài cái ao. Ao đình. Ao chùa. Ao xóm trên. Ao xóm dưới… Ao, như cái giếng của trời, như cái không gian điều hòa phả khí mát cho làng trên xóm dưới. Ao là nơi Tết đến, nhà nhà rộn ràng rửa lá gói bánh chưng, í ới gọi nhau mổ lợn, ngả trâu, chia mô chia phần. Ao là nơi xuân sang cả làng nô nức xem các tích trò múa rối nước. Và ao làng, là nơi tuổi thơ mỗi buổi chiều hè nhảy tùm xuống tắm mát. Rồi góc ao này có chiếc cầu ao mòn vẹt là chỗ cả làng giặt giũ chiếu chăn, gánh nước rửa sân rửa ngõ; phía đằng kia là chỗ những bè rau muống, rau rút mơn mởn xanh chờ người chèo thuyền ra hái…

Nhưng, trước tốc độ đô thị hóa, ao làng hình như là chỗ người ta nhắm đến đầu tiên, để cơi nới, bịt lấp, giãn dân… Những cái ao làng vốn thường không rộng, nay càng dễ dàng… biến mất. Người ta nghĩ, lấp ao để làm nhà sẽ tốt… cho dân. Nhưng họ không nghĩ tới điều, làng không có ao sẽ giống con người không có mắt. Làng không còn ao chẳng khác nào phố xá thị thành. Và khi đó, cả làng sẽ biến mất chiếc điều hòa khổng lồ phả hơi mát tưới tắm cho tâm hồn vào ngày đông cũng như ngày hạ.

Về làng bây giờ, hiếm lắm mới gặp được một không gian phóng khoáng. Hiếm lắm mới có một bên là nhà, bên kia là bờ ao nơi có cây dừa cao vút, rặng tre xào xạc tỏa bóng chiều hôm. Càng khó hơn nữa để chứng kiến ở đâu đó người ta dành đất, hiến đất đào ao tạo không gian sống cho con cháu mai sau. Nhưng thật quá dễ để gặp hai bên đường hai dãy nhà san sát, tầng thấp tầng cao, mái bằng mái chóp. Không gian làng quê đã bị thu hẹp, ngột ngạt cũng xuất hiện nhiều hơn. Vì thế, lời đề nghị của anh bạn yêu làng quê Việt qua sách vở, qua những câu chuyện kể từ giữa thế kỷ XX giờ bỗng trở nên quá khó.

Nhưng chả lẽ quay trở về? Andrey bảo cứ đi, nếu không gặp ao đẹp thì sẽ gặp… ao xấu. “Ao xấu cũng là một trải nghiệm trong chuyến công tác lần này”, Andrey nói như thể an ủi, như thể động viên tôi. Tôi cảm thấy một chút tự ái và cả sự xấu hổ nữa khi nghe xong câu nói ấy. Thật tiếc khi không thể giới thiệu cho Andrey vẻ đẹp của mặt ao trong vắt tĩnh lặng như chiếc gương soi thấu vẻ đẹp làng Việt, hay ít ra thì cũng cho anh nghe những âm thanh nhuốm màu kỳ ảo của đám chẫu chàng ộp oạp khi màn đêm buông xuống...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương về ao làng