Người già ở làng

Tản văn của Nguyễn Quang Hưng| 03/08/2016 14:50

Từ rất lâu rồi, người già hay có thói quen ngồi ven đường làng. Ai ngồi cùng thì nói chuyện, có người quen đi qua thì hỏi nhau một tiếng, không thì im lặng...

Từ rất lâu rồi, người già hay có thói quen ngồi ven đường làng. Ai ngồi cùng thì nói chuyện, có người quen đi qua thì hỏi nhau một tiếng, không thì im lặng. Chắc khi ấy nhớ chuyện cũ là chính.

Những người già đi, đứng, ngồi, nói, nghĩ…, như những mảnh quá khứ chuyển dịch chầm chậm. Thời gian là thực tại, nhưng di chuyển ấy không hướng đến ngày mai, mà quay về quá khứ, những thơ dại và thanh xuân trôi qua quanh bến sông này, dưới bóng cây đa to kia, bên ngoài mái đình chẳng biết đã tọa ở đấy từ bao giờ để đời ông cha mình, đến mình đi qua thì cúi đầu, nói nhẹ, và rồi dặn con dặn cháu mình cũng làm như thế.

Mỗi một ngày của một người già, có bao nhiêu là hồi tưởng. Tôi đột ngột nghĩ một điều có vẻ hơi lệch hay không chẳng biết, liệu mình có thể gán chút lãng mạn sến sến vào những suy nghĩ mờ đục như đôi mắt đang nhìn trân trân vào đâu đó kia không nhỉ? Rằng cụ già nào đó mà tôi đã thấy, đang nhớ lại một hình bóng mềm mềm, một hơi thở vụng về giấu mãi ngoài bờ tre. Không hiểu có thế không, hay tuổi tác già nua và thời tiết gây khó chịu sẽ khó lòng để người ta nhớ được nhiều lắm về thời trẻ trai. Nhưng chắc một ngày cưới nào đó, một dịp được đi xa, những ngày Tết ăn ngon, mặc đẹp thì hẳn vẫn còn luẩn quẩn trong đầu. Và những tháng năm đói khổ tưởng như vô tận thì chắc không quên được đâu. Nó làm cho bao nhiêu người già trong làng hôm nay vẫn thật là nhẫn, thật là nhịn, thật là tằn tiện, so đo đủ thứ. Tôi chưa thấy người già nào ở làng tiêu một đồng tiền theo kiểu… phóng tay bao giờ!

Vẫn khuôn miệng răn reo có vệt cốt trầu và mấy cái áo cũ màu gụ, cái quần đen nhăn nhăn. Mấy cụ bà giữ nguyên cái túi vải đựng tiền nối với dây chun lẩn vào trong cạp quần. Trước thì hầu như cụ nào cũng thấy vấn khăn. Những năm sau này đã có nhiều hơn các cụ bà cắt tóc ngắn. Có lẽ là bởi đau ốm nhiều, con cái cắt cho gọn và tắm gội tiện hơn. Các cụ ông thường mặc sơ mi cũ, quần nâu rộng, dài, ít người bận quần lửng như người trong phố. Đi trong làng thỉnh thoảng lại gặp những người già giản dị, cũ kỹ, lặng lẽ như thế.

Nhưng thử bắt chuyện mà xem, các cụ dễ nói chuyện lắm, và hay cười với khách lạ. Gặp một hai cụ ngồi trong quán nước của một cụ khác, thế là có thể nói chuyện dài dài. Mà các cụ nói với nhau, cứ như là có ý để mình nghe hay sao ấy. Phần lớn các cụ xưng tôi gọi cô, cậu, hoặc xưng tôi gọi anh, chị, ít cụ nào gọi cháu xưng ông, bà ngay. Cũng là quen dùng từ cũ, nhưng tôi nghĩ hẳn là vì các cụ vốn nể trọng người khách lạ. Mười mấy năm trước đi sinh viên tình nguyện ở thôn Đồng Thố, xã Hồng Kỳ, Sóc Sơn, bà cụ nơi chúng tôi ở nhờ, trước sau vẫn cứ gọi tôi là anh giáo. Một năm nào đó, tôi nhớ có ông già dắt xe đạp vào khu tập thể, chắc tìm nhà con cháu, dừng lại hỏi đường hàng xóm nhà tôi, gọi bác xưng cháu dù người được hỏi kém hẳn tuổi mình. Còn bà ngoại tôi thì bao năm nay vẫn gọi ông hàng xóm cạnh nhà là ông giáo xưng cháu. Ông giáo kém bà tôi rõ nhiều tuổi.

Bà ngoại tôi lâu nay gần như ngồi cả ngày im lặng trong nhà. Tôi không hiểu sao bà có thể ngồi mãi như thế được. Nghĩ giả dụ là mình, chắc không thể chịu nổi vài ngày mà sẽ phát ốm mất. Bà cứ ngồi như thế, thường là một mình và im lặng, cả ngày, ngồi chán lại nằm, vì mọi người đi vắng cả, tối về có khi lo ăn uống cho bà, hỏi mấy câu rồi thôi. Cuộc mưu sinh chật vật của những người lam lũ ít có thời giờ quan tâm nhiều hơn đến nhau, dù trong gia đình, ngoài mấy chuyện có ăn, ngủ được không, có ốm mệt gì không. Sáng bà ăn ít cơm ruốc hay muối vừng, hoặc mẩu bánh mì, trưa dì tôi nấu cơm mang ít thức ăn sang, có khi cả ngày ăn quanh quẩn một hai thứ lưu cữu. Ai về thăm mắt nom không rõ thì bà nghe tiếng mà nhận ra, rồi lại kể lể những chuyện buồn: "Chán nhất là cái sức khỏe bây giờ, người đã yếu mệt thì khó mà vui được"; "Chán lắm cháu ạ, bây giờ răng rụng gần hết, nhai bằng lợi, cơm canh vào miệng nó lùa qua răng nhai mãi không xong"; "Nằm đây mà chán quá, không biết bao giờ nó rước đi cho"...

Độ trước bà còn sức hơn thì còn kể lể được điều này điều nọ, chuyện các bác, các dì với mẹ tôi hồi bé, chuyện hồi bà còn nhỏ đi bế em thuê, đi chăn trâu, "bé quá giữ thừng không nổi, nó lôi cả mình đi ấy"... Quê bà ở Phù Lưu Tế mạn Mỹ Đức, xưa heo hút lắm, bà kể một lần mấy đứa đi kiếm củi, chiều rồi mà không nhớ đường, trông phía mặt trời đang xuống mà đi, nhưng càng lúc càng tối. Bất ngờ gặp một bà cụ, bà cụ bảo chết rồi quay lại ngay không đi vào rừng là hổ nó ăn thịt bây giờ! Tôi nhớ kể đến đấy giọng bà gấp gấp, hốt hoảng, có khi y như giọng bà cụ ngày xưa.

Những chuyện của bà cứ miên man tranh tối tranh sáng trong căn nhà thờ đã dậy tiếng mọt trên các xà gỗ. Nhà thờ gần như trống, chỉ có bà với ban thờ ở gian giữa. Ảnh cụ khăn xếp áo chùng ngồi đó đã bao nhiêu năm, mờ xước hết cả, nhưng ánh mắt nghiêm nghiêm thì vẫn vậy. Bà bảo hồi lấy ông về đây ở, làng Tả Thanh Oai, đi bán xôi ngô, bán mau quá về sớm, cụ hỏi mày đổ đi à?

Bác tôi xây nhà tầng chỉ cách nhà thờ một khoảnh sân, đưa bà sang đấy ở tầng một, liền bếp liền nhà vệ sinh khép kín, nhưng chỉ được vài hôm rồi bà đòi lên nhà thờ. Bà ngồi trên cái giường sắt cá nhân ở góc nhà, cạnh cái cửa tò vò, bên cửa sổ bây giờ luôn đóng kín, thỉnh thoảng nhắc đến những người già ở trong ngõ, những người già trong họ ở các xóm khác, hồi còn sống họ có hay sang đây. Bây giờ vãn gần hết rồi, thỉnh thoảng vào nói chuyện với bà chỉ có một vài đứa bé nhà hàng xóm. Buổi sáng có khi nó mua hộ bà cái bánh mì hay bánh chưng vì bây giờ tiếng bà nhỏ quá, nghe thấy người ta đi rao ngoài ngõ mà gọi không nghe được. Nghĩ thế tôi lại nhớ một buổi chiều ngày xưa bà cho tôi đi cùng ra cánh đồng, chỗ ruộng của nhà ở ngay rìa xóm.Chẳng thể nhớ được vì chuyện gì, nhưng chắc đã có ai đó làm một việc xâm phạm vào ruộng nhà mình, nên bà đứng réo một thôi một hồi. Chiều gió lộng mà tiếng bà vang xa xả ngoài cánh đồng như phải chọc thẳng vào tai kẻ láo lếu nào đó mới yên. Bây giờ tôi ước bà còn quát được như thế thì mừng quá! Nhưng bà tôi đã một trăm tuổi rồi còn gì! Bà ngồi trên giường, xung quanh là cái quạt điện cơ cũ, nồi cơm điện, cái bàn đặt bát, thìa ăn cơm và hộp muối vừng, bát thức ăn đậy cái đĩa, dưới gầm giường là thùng mì, thùng gạo… Bà ngồi nhẩm từng ngày dương lịch, âm lịch và ước một hôm nào đó có thể về được quê một lần, bà chị bà nằm ở đó, các cháu bà trong Phù Lưu Tế nhiều năm rồi chưa ra thăm.

Thỉnh thoảng về quê ngồi bên bà, tôi nghĩ về bao người già đã từng đi qua nhà mình. Có bà cụ gánh đôi quang thúng đi bán dép. Bà ở làng nào đó gần Hà Đông, ngày ngày gánh dép đi bán khắp thị xã, ra cả Ngã tư Sở. Hồi bé chúng tôi hầu như toàn đi dép mẹ tôi mua của bà, mua theo kiểu đổi đôi dép cũ rách lấy dép mới cộng thêm ít tiền. Thỉnh thoảng bà ngồi nói chuyện với mẹ tôi thêm một lúc. Những bà cụ bán hàng như thế thường quen mặt với mọi người, mỗi lần bán mua cũng là một lần đưa đẩy mấy câu chuyện đời thường. Một hôm đi cùng bà có một cô nữa cũng gánh đôi thúng, bà bảo là con gái bà cũng đi bán dép như mẹ. Một bà cụ khác có cái cối nhỏ trong bao tải, thỉnh thoảng tôi lại thấy bà ngồi bên bậc cửa nhà mình, lấy cái cối ra, bỏ đậu xanh vào rồi quay cái tay nắm trên miệng cối. Đậu xanh đổ từng ống bơ sữa bò vào rồi theo nhau chui dần xuống cái miệng trông giống nửa hình tròn ấy. Vỏ đậu xanh tuôn ra theo những vòng quay. Lại có lần bà xay gạo nếp thành bột. Cả nước, cả gạo đổ vào, nước bột trắng chảy theo rãnh cối xuống chậu, chúng tôi tròn mắt ngồi xem và thấy bà cụ ấy thật giống bà ngoại nhà mình. Có hôm tôi còn thấy một ông cụ đến đầu dãy nhà mình bổ củi. Có cái rìu, cái búa, mấy cái chêm, ông bổ, chặt thành những mảnh nhỏ, chúng tôi mang nước cho ông uống, đợi nhiều nhiều một chút thì nhặt bê về. Mồ hôi ông đầm đìa loang cái áo xanh. Có hôm lại thấy một ông già khác đang ngồi mài cả loạt dao của nhà mình, trông đỡ nhọc hơn ông bổ củi. Lại có bà cụ ăn xin hay đến, bố tôi thường cho bà tiền, một lần xúc cho bà bơ gạo. Ngày trước nhiều người già đi ăn xin lắm.

Sao bây giờ tôi nhớ những người già ấy, chẳng thể nào biết gì hơn về họ. Mỗi người là cả một cuộc đời buồn thương và vui sướng, vội vã và nhọc mệt, có thể từng tươi cười, có khi nhiều đớn đau, chắc ai nấy cũng từng ước ao no đủ hay điều gì hơn thế. Một hôm lang thang sang Bắc Ninh, đang vơ vẩn đi trên con đê sau làng Diềm tôi thấy từ xa một bà cụ. Lưng bà gần như song song với mặt đất. Bà chống cái gậy, nghển cổ cặm cụi đi, chậm chạp, con đê cứ như dài mãi. Tôi dừng lại biếu bà ít tiền. May quá, bà đi một đoạn nữa thì rẽ vào một cái cổng, có mấy đứa trẻ con đón bà vào trong. Tôi ngồi nhớ và mong gặp lại những người già mình đã gặp hồi thơ bé và cả trên đường đời sau này, để chào hỏi một câu, biếu một hai đồng, thế thôi cũng được!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người già ở làng