Góc sân mở ra chân trời

Nguyễn Văn Học| 27/07/2016 15:11

Đó là nơi mà ở những vùng quê ngày xưa có thừa, mà giờ người ở phố coi như bức tranh sinh động, một khối tài sản đầy ước muốn. Một góc sân.

Đó là nơi mà ở những vùng quê ngày xưa có thừa, mà giờ người ở phố coi như bức tranh sinh động, một khối tài sản đầy ước muốn. Một góc sân. Bởi thế mà biết bao người ở Hà Nội đã tạo nên những góc sân nhỏ, hoặc tiểu cảnh trong không gian phố thị của mình. Có khi lại cố gắng tạo dựng cả một khoảng xanh ở trên sân thượng, như là cách để gần gũi với thiên nhiên và họ coi những giờ phút tranh thủ tưới tắm cho những chậu cây đó là khoảng thời gian thư thái. Như là cách để làm cuộc sống thêm xanh. Cũng có thể hiểu đó là cách con người tự làm giàu cuộc sống của mình bằng cây lá. Con người không thể thiếu cỏ cây hoa lá. Thật hạnh phúc cho mỗi ai có một góc sân cả tuổi thơ và trong cuộc sống thường nhật. Thật hạnh phúc cho ai giàu có màu xanh.

Ở Hà Nội, góc sân ngay trước nhà, đó là nơi lý tưởng để người ta hướng lên cao. Nhưng tầm cao lại bị hút tầm mắt bởi nhà cao tầng. Ngay cả những tia nắng thôi, người phố cũng chen nhau đón lấy. Ở phố làm gì có góc sân mưa rơi lộp bộp; làm gì có góc sân mà chim chóc ùa vào ca hót. Ở phố làm gì có góc sân để đêm đêm nhìn thấy ánh sao trời. Để có một tầm nhìn rộng, một không gian riêng biệt và bình yên đâu phải dễ dàng.

Chắc lẽ, chỉ có về quê mới dễ dàng tìm thấy không gian thanh bình ấy.

Một góc sân quê với những hàng cây, che bóng cho bể nước mưa lành hiền rêu phong cổ kính. Đó thường là những thân cau, cây khế cây bưởi… Và chắc chắn còn được điểm tô bởi những khóm hoa tươi xinh. Ngày bé ở quê, ai mà chẳng từng bêu nắng, uống nước mưa ngọt mát, trèo cây hái quả và ngân nga câu hát của bà. Đó luôn là những vẻ đẹp bình dị đến diệu vợi mà đôi khi người ta không để ý phải lưu giữ lại hoặc nhân nó lên. Nó thuộc về thế giới của những đứa trẻ hồn nhiên và cứ hồn nhiên sống như thế. Không đắn đo không suy tính. Lời bà, hồn cây, những cơn mưa lành, những tiếng chim ríu rít cứ vậy ngấm vào lòng để rồi hun đúc nên tâm hồn chúng. Cũng như tôi, đã sống trong hơi thở bà nội, người nay đã thành thiên cổ, nhưng góc sân thì vẫn còn hiệu hữu. Ông nội tôi giữ góc sân ấy và truyền lại cho cha tôi như truyền lại một kho tàng ký ức. Điều đó lại trở thành tài sản cho chúng tôi sau này. Những thân cây có lẽ hơn cả tuổi cha tôi, và với tôi, gốc cội xù xì của cây, như là tích tụ biết bao vui buồn và thăng trầm của cuộc sống mà tôi muốn gìn giữ. Trong những gốc cây bên sân nhà, tôi yêu cây khế nhất. Cha tôi cũng vậy bởi cả hai đều được “trèo hái mỗi ngày” như lời bài hát ngọt ngào về quê hương. Nhưng cái được của tôi ở góc sân, đâu chỉ là được ăn khế, vui đùa dưới bóng tán sum suê của cây, mà đó là nơi tôi tiếp nhận những bài học cuộc sống. Nơi mà tôi cảm nhận được mỗi hạt gạo dẻo thơm là mỗi hạt mồ hôi mẹ cha đổ xuống cánh đồng. Mỗi mùa thu hoạch hoa trái là kết quả của biết bao nhọc nhằn được chắt chiu. Rồi tôi biết yêu bông lúa, yêu cánh cò trong câu ca dao, yêu lời thầy cô, yêu cả sự nhô nhám của cha mẹ mình, những người nông dân chính gốc… Ôi góc sân vườn như là kho tàng nhân từ, tạo cho tôi một khoảng trời ấu thơ, khoảng trời để lớn lên và khát vọng. Hơn thế, nơi đó tạo cho tôi khoảng trời rộng trong lòng mình, để biết yêu người như chính mình vậy.

Dẫu thế, tôi cũng không thể mang góc sân ấy ra phố xá. Cũng không thể treo góc sân ấy lên tầng hai mươi của cao ốc mà mình đang ở. Tôi biết, xa góc sân ấy là một mất mát. Nhưng chưa phải hết, bởi nó vẫn hiện diện và tôi vẫn có cơ hội để về nhào quyện vào đó, hôn lên sắc diệp lục và để quên đi mình đã sống ồn ào thế nào. Và tôi tiếp tục được mở ra, một chân trời khác trong lòng mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góc sân mở ra chân trời