Hà Nội - Thành phố của tương lai

Quốc Chính| 05/06/2016 06:35

Đó là cảm nhận của John Esplin, Chủ tịch Tập đoàn Centeva - chuyên kết nối quan hệ thương mại giữa Chính phủ Mỹ với các khách hàng toàn cầu - trên quãng đường từ Sân bay quốc tế Nội Bài về trung tâm Hà Nội.

Đó là cảm nhận của John Esplin, Chủ tịch Tập đoàn Centeva - chuyên kết nối quan hệ thương mại giữa Chính phủ Mỹ với các khách hàng toàn cầu - trên quãng đường từ Sân bay quốc tế Nội Bài về trung tâm Hà Nội.

Cuộc gặp giữa tôi và Jonh, sinh năm 1969 tại thành phố Salt Lake (Hồ Muối), thủ phủ bang Utah, miền Trung - Tây nước Mỹ bắt đầu vào 21h. Có cái hẹn muộn là do John quá bận với quỹ thời gian ở Hà Nội chỉ khoảng 48 giờ.

Trong không gian đậm chất Á Đông của khách sạn Phú Gia xưa - vừa treo biển tên mới: Apricot - ngay bên hồ Hoàn Kiếm, trên nền bản Casablanca kinh điển - tôi và John bắt đầu câu chuyện. Âm hưởng cất lên từ cây piano - đặt đúng nơi người Hà Nội từng xếp hàng để thưởng thức bát mỳ "không người lái" nổi tiếng một thời vào bữa sáng tại đây quãng nửa thế kỷ trước - khiến John một thoáng ngạc nhiên. Giai điệu lạc quan từng mê hoặc nhiều thế hệ yêu Casablanca như một kết nối vô hình đưa chúng tôi thoát khỏi những giới hạn "ngoại giao" thông thường.

Jonh chậm rãi như muốn bày tỏ cảm xúc vừa có về một "miền đất lạ": "Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Trước khi lên đường, tôi trang bị cho mình kiến thức về Hà Nội là một thành phố không lớn nhưng đông đúc bên Sông Hồng như nhiều thành phố trong khu vực tôi đã dừng chân. Nhưng, từ Sân bay Nội Bài về khách sạn, tôi rất ngạc nhiên. Bằng sự hiểu biết của mình, tôi nhận ra rằng: Đây chính là thành phố tương lai rồi! Các nhà lãnh đạo Hà Nội đang hướng tới sự phát triển. Những gì tôi thấy trên đường vào trung tâm như: Cầu cống, đường sá, những tòa nhà chọc trời và cả xe máy nữa... cho thấy một nỗ lực lớn đang tiếp tục được hiện thực hóa để phát triển".

Vừa lắng nghe vừa tranh thủ chụp vài kiểu ảnh chân dung John, tôi bỗng nhận được câu hỏi: "Nhà báo có biết mục đích chuyến bay nửa vòng trái đất của tôi tới Hà Nội là gì không?". Tôi đáp: "Không". Chủ tịch Tập đoàn Centeva xuất thân từ Đại học San Diego (SDSU) Khoa Quan hệ quốc tế cho biết: "Chuyến đi không nhằm tìm kiếm khách hàng cho Centeva. Tôi tới Hà Nội để dự lễ ra mắt Ban đại diện Giáo hội Mặc môn - Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Ki tô (LDS) tại Việt Nam và đã được chứng kiến sự tự do tôn giáo tại đất nước của các bạn. Tại buổi lễ (chiều 31-5), tôi và các đạo hữu vừa từ Mỹ sang cũng như những người Mỹ và gia đình đang làm việc tại Việt Nam cùng những người anh em Mặc môn bản địa rất vui mừng khi Giáo hội này chính thức hiện diện tại Việt Nam và được giới chức có trách nhiệm không chỉ quan tâm mà còn tạo điều kiện giúp đỡ. Sự kiện Mặc môn được công nhận tại Việt Nam là minh chứng khẳng định cho cộng đồng quốc tế thấy Việt Nam không chỉ phát triển trên bình diện kinh tế mà còn thể hiện rõ quan điểm tự do tôn giáo".

Nữ nhạc công piano đã ngừng chơi, trả lại không gian yên tĩnh cho những cảm nhận tươi mới của người bạn mới đến. Chuyện lần đầu tiên đến Hà Nội, về tự do tôn giáo cũng như cảm hứng về chuyến thăm - mà John cho là lịch sử của Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam - chưa dừng nếu cô lễ tân không nhắc khách sạn chỉ phục vụ đồ uống tới 23h. Chúng tôi thanh toán mấy chai nước khoáng. John tỏ rõ sự hài lòng sau "một ngày dài" và hẹn gặp lại trong cái bắt tay siết chặt.

Cũng cần thêm rằng cách đây hơn 20 năm, tôi đã có dịp tới thăm Giáo đường Mặc môn tại thành phố Salt Lake. Nhờ đó tôi biết, các đạo hữu LDS đều không dùng nước có cồn và chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá… LDS là tôn giáo bản địa Mỹ, hình thành từ cuối thế kỷ thứ XIX, góp phần kiến tạo sự phồn thịnh tại vùng Trung - Tây nước Mỹ. Cuộc khai phá và sáng lập bang Utah trên sa mạc khô cằn với hồ nước mặn trên núi lớn nhất nước Mỹ của những người tiên phong LDS đã tạo cảm hứng để quốc gia này sau đó xây dựng thành phố Las Vegas trên sa mạc bang Nevada. Khởi nguyên từ những nhà nông chăm chỉ, người Mặc môn lấy gia đình và tình yêu quê hương xứ sở làm căn bản của giáo lý; lấy sự cống hiến cho cộng đồng là nghĩa vụ. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi thấy những tình nguyện viên Mặc môn - trong đó có nhiều người Mỹ gốc Việt - có mặt khắp nơi trên thế giới để giúp đỡ mọi người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội - Thành phố của tương lai