Từ chứng nhân lịch sử đến biểu tượng mới của Thủ đô

Administrator| 01/01/2015 08:31

Có cây cầu được xem là chứng nhân vô giá của lịch sử, có cây cầu là biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước anh em bạn bè trên thế giới. Lại có những cây cầu khẳng định nội lực của Thủ đô đang trên đà phát triển và là biểu tượng mới của Hà Nội…

Nói đến những cây cầu bắc qua sông Hồng khu vực Hà Nội, trước tiên phải nhắc đến cầu Long Biên, một chứng nhân vô giá của lịch sử. Cầu được người Pháp xây dựng vào giai đoạn 1899-1902, dài hơn 2,2km, với mục đích tạo tuyến đường sắt từ thành phố cảng Hải Phòng vượt sông Hồng nối với Lào Cai, sang Vân Nam (Trung Quốc). Cầu được xây dựng hoàn toàn bằng thép, không tính hai đầu cầu dẫn, đã trở thành cây cầu lớn nhất của cả xứ Đông Dương thời đó. Cầu Long Biên vào những ngày lịch sử tháng 10-1954 ghi dấu chân những tên lính viễn chinh Pháp rút qua để xuống Hải Phòng rời Việt Nam và đón chào đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô. Những năm chiến tranh chống Mỹ, cầu luôn là điểm nóng, nhiều lần bị địch ném bom gây hư hỏng nặng và được khôi phục vào năm 1973. Cho đến nay, cầu Long Biên đã trở thành một phần máu thịt với người dân Thủ đô, đi vào thơ ca, nhạc, họa…

Cầu Long Biên.


Sau Long Biên, Hà Nội có thêm cầu Thăng Long. Cầu khởi công từ năm 1974 đến năm 1985 mới hoàn thành. Cầu Chương Dương - cây cầu thứ 3 của Hà Nội được xây dựng bằng bàn tay của những người thợ cầu Việt Nam trong 1 năm 9 tháng; khánh thành cùng năm với cầu Thăng Long. 

Trên sông Hồng bây giờ đã có thêm những "dải lụa" mới. Đó là cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Vĩnh Thịnh - cây cầu dài nhất vượt sông Hồng và mới nhất là cầu Nhật Tân - cửa ngõ đối ngoại - biểu tượng mới của một Thủ đô năng động, đang trên đường phát triển. 

Cầu Thanh Trì sử dụng nguồn vốn vay tín dụng ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng chiều dài 12,8 km, trong đó chiều dài cầu chính vượt sông hơn 3km, rộng 33,1m. Trong quá trình xây dựng, các đơn vị của Việt Nam tham gia liên danh như Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long, Cienco1, Cienco 4, Vinaconex... cùng nhà thầu chính Nhật Bản áp dụng thành công những công nghệ xây dựng cầu tiên tiến nhất như: Công nghệ đúc dầm cầu sử dụng đà giáo di động lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, công nghệ thi công bệ móng trụ cầu chính bằng vòng vây cọc ống thép, công nghệ đúc hẫng cân bằng dầm cầu chính liên tục... Cầu được thông xe ngày 2-2-2007, góp phần quan trọng giải tỏa áp lực giao thông cho cầu Chương Dương, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho Hà Nội, đồng thời thúc đẩy kết nối giao thương giữa Thủ đô với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. 

Cầu Vĩnh Tuy khẳng định nội lực mạnh mẽ của TP Hà Nội và sự trưởng thành nhanh chóng của ngành cầu đường Việt Nam. Tại lễ thông xe vào tháng 9-2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao Hà Nội đã quyết tâm xây dựng một cây cầu lớn, hiện đại bằng chính nội lực của mình, không phải sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài. Việc hoàn thành cây cầu là minh chứng đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của ngành cầu đường Việt Nam bởi cây cầu này hoàn toàn do cán bộ, kỹ sư, công nhân các đơn vị mạnh của Bộ GTVT thiết kế, xây dựng và giám sát. 

Cầu Vĩnh Thịnh - cây cầu dài nhất vượt sông Hồng (dài 5,4km, trong đó phần cầu dài 4,4km và đường dẫn hai đầu dài 1km), nối thị xã Sơn Tây của Thủ đô Hà Nội với huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) hoàn thành tháng 6-2014, Trong buổi lễ khánh thành cầu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đây là cây cầu có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng... của Hà Nội, Vĩnh Phúc và rộng hơn là của các tỉnh vùng Tây Bắc. Đây cũng là cây cầu kết nối chuỗi đô thị vệ tinh, các khu công nghệ cao, các điểm du lịch góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và các mặt văn hóa, du lịch của Thủ đô.

Cầu Nhật Tân.


Nổi bật nhất trong các "dải lụa" vắt ngang sông Hồng là Nhật Tân - cây cầu của tình hữu nghị Việt - Nhật, sẽ được khánh thành và đưa vào khai thác vào ngày 4-1-2015. Công trình hoàn thành sẽ kết nối trung tâm thành phố với các khu công nghiệp ở phía Bắc, đồng thời hoàn thiện tuyến đường Vành đai 2 và rút ngắn khoảng cách đến Sân bay quốc tế Nội Bài. Dự án có chiều dài toàn tuyến khoảng 8,95km, trong đó phần cầu chính theo phương án cầu dây văng liên tục bê tông cốt thép dự ứng lực với 5 trụ tháp dài khoảng 3,75km, đường dẫn hai đầu cầu 5,2km. Theo ông Nguyễn Lê Minh - Giám đốc Dự án Xây dựng cầu Nhật Tân, cầu Nhật Tân được thiết kế và xây dựng để trở thành một biểu tượng mới của Thủ đô. Do đó, một cây cầu dây văng liên tục với 5 nhịp và 5 tháp sẽ tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội, trong khi các cầu treo dây văng khác trên thế giới và ở Việt Nam thường chỉ được thiết kế 2 tháp 3 nhịp. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã từng nhấn mạnh về ý nghĩa to lớn của công trình này: Cầu Nhật Tân và tuyến đường nối với Sân bay Nội Bài có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô. Không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, cầu Nhật Tân còn xứng đáng là một trong những biểu tượng mới của Thủ đô năng động, phát triển. 

Tuấn Lương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ chứng nhân lịch sử đến biểu tượng mới của Thủ đô