Mai này hàng rong

Administrator| 17/12/2013 11:27

Hàng hóa  gánh  theo có đủ  loại,  từ  những  loại đặc  sản  “mùa  nào, thức nấy”  của Hà Nội như cốm Vòng, hồng ngâm  đến  những  đồ  ăn  bình  dân như  khoai  lang,  chuối,  củ  dong. Những thứ ít khi bày bán ở cửa hàng lớn. Nhưng tựu chung đều là những đồ  bình  dân  chỉ  cần  vài  nghìn đồng  là có  thể mua được. Mỗi đôi quang  gánh  là một  “cửa  hàng”  di động. Người ta vừa đi vừa bán, hoặc dừng tạm đâu đó trên vỉa hè khi có khách  gọi.  Khách ở  đây  thường  là dân  trong  phố. Chỉ  cần  đứng trước  cửa  nhà vẫy  tay  là  có  thể mua  được  ngay một  món  khoái khẩu. Với  người Hà Nội, hình  ảnh gánh  hàng  rong ấy đã trở nên thân thuộc. Nhưng  với du  khách  ngoại quốc, đó là những hình  ảnh  lạ  mắt chẳng mấy khi họ được chứng kiến.

Ông  Giant Kenyan (Newzealand) cảm  nhận:  “Ở Hà  Nội,  tôi  thấy những gánh hàng rong đó rất thú vị. Một  số  người  lao động không có đủ khả năng để mở cửa hàng nên họ sử dụng lòng đường phố làm nơi buôn bán của mình. Với tôi điều đó cũng là một cách kiếm sống”.

Không rõ có từ bao giờ, nhưng ít nhất,  trong  các  bưu  ảnh  thời  đầu thế  kỉ  đã  thấy  xuất  hiện  hình  ảnh những gánh hàng  rong gắn với 36 phố phường của đất Hà thành. Vào thời kì đó, những phương  tiện vận chuyển chủ yếu  là xe  tay và quang gánh. Các cửa hàng  trong phố còn ít và nhỏ, thậm chí nhiều khu buôn bán  là nhà  lợp mái  tranh vách đất.

Trong  hoàn  cảnh  ấy,  những  gánh hàng rong vừa làm việc vận chuyển, vừa làm việc bán hàng cũng là điều dễ hiểu. Theo thời gian, thành phố phát  triển.  Nhiều  nghề  xưa  mai một hoặc biến mất  trong nuối  tiếc của  lớp  người  dân Hà  thành  hoài cổ. Ví dụ như những làng nghề làm giấy  ở Bưởi, nghề  thuộc da  ở phố Hàng Hành… bây giờ chỉ còn trong những di chỉ cổ.

Đã  lâu  rồi, cũng không còn  thấy hình  ảnh  chiếc  xe  tay  chở  khách; chỉ những gánh hàng rong vẫn thấp thoáng  trên  hè  phố.  Người  dân phố  cổ vẫn ưa  thích  cái  cách mua nhanh, bán gọn của người bán và có  lẽ vì  thế mà cách mưu sinh xưa cũ ấy vẫn  tồn  tại giữa bộn bề phố xá. Giữa Thủ đô nhộn nhịp sầm uất, những gánh hàng rong cùng những nét kiến trúc xưa, những tên đường phố như Hàng Đào, Hàng Ngang… luôn gợi về hình ảnh một Hà thành xưa cũ.

Anh  Josie  David  (Thụy  Sĩ)  chia sẻ: “Suy nghĩ của nhiều người khác nhau  nhưng  tôi  nghĩ  gánh  hàng rong  là một  phần  của  thành  phố này.  Tôi  hiểu  người  ta  kiếm  sống bằng  nghề  đó.  Với  tôi  đó  là  nét truyền  thống”.  Đó  có  thể  là  lý  do khiến những du khách ngoại quốc, mỗi  khi  gặp một  gánh  hàng  rong họ  rất  thích  chụp  ảnh.  Thậm  chí có người còn “nhập vai” gánh  thử, đầu đội nón lá, chân đạp xích lô và trên  vai  là  gánh  hàng  rong…  Với những  người  mưu  sinh  trên  phố trong điều kiện không có  tiền vốn, không  có  cửa hàng  thì  gánh hàng rong  đã  giúp  họ  trang  trải  cái  “vạ cơm áo hàng ngày” trên nẻo đường mưu  sinh. Mặc  dù  thành  phố  có quy định  cấm bán hàng  rong  trên một số tuyến phố quy định, nhưng nếu lắng nghe ý kiến của du khách nước ngoài và có biện pháp quản lý tốt, thì có lẽ những gánh hàng rong lại  trở  thành hình  ảnh  gắn bó,  gợi nhớ đến Hà Nội rõ nét nhất, khiến du khách nhớ đến nhiều nhất. Điều này được thể hiện rất rõ qua những tác phẩm nhiếp ảnh, điện ảnh, mỹ thuật từ thế kỉ trước đến nay. Trong mỗi tác phẩm, có một Hà Nội rất Hà Nội với những cái nhìn, cảm nhận nhiều chiều về cuộc sống đô thị.

Có lẽ, việc quy hoạch, hướng dẫn những  người  bán  hàng  rong  chấp hành các quy định về trật tự đô thị và hướng dẫn họ  cách ứng  xử văn hóa với du khách, để từ đó đưa họ - những người  lao động  trở  thành những hướng dẫn viên du  lịch, đó cũng là một gợi ý hay. Biết đâu sau này, khi  thành phố phát  triển hơn nữa,  những  gánh  hàng  rong  cũng chỉ còn trong ký ức như những nghề khác. Và câu chuyện về những gánh hàng rong sẽ chỉ còn  trong những bức ảnh hay những bài văn để cho những người hoài cổ nặng lòng nuối tiếc “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền  cũ  lâu  đài  bóng  tịch  dương”, bởi ai cũng  biết, chẳng gì cưỡng lại được quy luật của thời gian…

Nguyễn Thanh Hằng

(Hà Nội Ngày nay - số 83)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mai này hàng rong