Tết Đoan Ngọ, nhớ rượu nếp gảy làng Tó

Thu Hằng| 14/06/2021 07:44

(NSHN) - Tết mùng 5, Tết Đoan Ngọ, Tết Đoan Dương, hay Tết diệt sâu bọ đều là những định danh chỉ ngày mùng 5 tháng Năm (âm lịch), một tiết khí quan trọng trong âm lịch của phương Đông.

Ảnh: Sạch+

Tết Đoan Ngọ ở mỗi gia đình người Việt, cùng với các loại hoa quả dâng cúng gia tiên thì không thể thiếu món rượu nếp thơm nồng truyền thống. Đặc biệt, sự hấp dẫn của rượu nếp gảy làng Tó (thuộc xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) đã đi vào lòng người Hà Nội nói riêng và người Việt nói chung từ bao đời nay.

Ở Thăng Long xưa, rượu nếp gảy của làng Tả Thanh Oai (tên Nôm là làng Tó) nổi tiếng nhất vùng sông Nhuệ. Ngay từ những ngày đầu tháng Năm (âm lịch), các gia đình ở làng Tó đã tấp nập đong gạo, đồ xôi, ủ rượu nếp để chuẩn bị cho Tết diệt sâu bọ. Tiếng giã men thậm thịch vang xa...

Bà Nguyễn Thị Ứng, một người làm rượu nếp ở làng cho biết, rượu nếp có hai loại, một làm từ nếp trắng, một làm từ nếp cẩm. Chỉ riêng dịp này mới có lá sen để gói ủ rượu, hương nếp quyện với hương sen sẽ làm rượu càng thơm.

Người làng Tó không ai nhớ được nghề làm rượu nếp có từ bao giờ, chỉ biết đây là nghề gia truyền của làng.

Làm rượu nếp ngon cũng khá công phu. Rượu được làm bằng nếp cái hoa vàng, nếp nhung hay nếp cẩm. Gạo chỉ sát vỏ trấu mà không bỏ đi lớp áo cám để giữ vị ngọt. Gạo nếp sau khi đã được sàng sảy sạch, ngâm nước rồi đồ chín hai lượt, lượt đầu gọi là đồ đi (thường là 45 phút), lượt sau gọi là đồ lại (từ 30-35 phút). Khi cơm nếp chín tới đổ ra nia cho nguội, sau đó rắc men (tự chế) lên cơm rượu. Ủ cơm với men trong 3 ngày. Rượu nếp chín sẽ tơi, săn tròn, bóng mẩy, tiết ra nước cốt màu vàng nâu, thơm nồng và ngọt. Khi mang đi bán, các bà, các mẹ dùng đũa gảy ra cái bát nhỏ hoặc gói trong lá sen, rồi rưới nước cốt vào. Người bán gảy càng khéo, bát đầy nhanh, trông tơi ngon, bồng bềnh, nếu gảy vụng thì vừa tốn, ít lãi, vừa trông không ngon mắt.

Ngày nay, làng Tó đã đô thị hóa, ruộng đất không còn. Vì thế, người làng mua gạo từ các thương lái; men cũng mua thứ men khô có sẵn ngoài chợ, chẳng nhà nào còn tự làm lấy men nữa, cũng như không cầu kỳ ủ cơm trong lá sen. Tuy nhiên, để làm được những mẻ rượu ngon, hạt nếp mềm, căng mọng nhưng không nứt vỡ thì vẫn có rất nhiều bí quyết mà không phải ai cũng làm được.

Trong “Thương nhớ mười hai”, Vũ Bằng kể, cứ sáng sớm ngày mùng 5 tháng Năm, các đường phố Hà Nội đâu đâu cũng sang sảng tiếng rao rượu nếp của các bà, các cô làng Tó. Khi thức dậy, mọi người súc miệng rồi tiến hành “giết sâu bọ” ngay. Mỗi người sẽ ăn một bát rượu nếp khiến sâu bọ say lử, sau đó ăn các trái cây đầu mùa như mận, mít, xoài, ổi, vải, nhót chín… làm cho chúng chết.

Người bán rượu nếp giờ đây không còn phải gánh từng gánh hàng. Thay vào đó là các phương tiện xe máy, xe đạp đưa rượu nếp đến với người tiêu dùng. Rượu nếp cũng được bán theo cân chứ không gảy từng hạt nếp vào bát nhỏ để bán như ngày xưa nữa.

Mấy năm nay, người Hà Nội thường kết hợp sữa chua với rượu nếp cẩm. Trong những ngày nóng nực, được nhẩn nha ăn một ly sữa chua nếp cẩm mát lạnh, vị chua thanh của sữa chua hòa quyện cùng vị bùi bùi, cay cay của nếp cẩm tạo nên sự hấp dẫn của món ăn giúp giải nhiệt cho ngày hè. Vì thế, món đặc sản làng Tó không chỉ thịnh vào dịp Tết diệt sâu bọ mà nhanh chóng trở thành món quà quê thời thượng. Nhiều hộ gia đình ở làng Tó không chỉ sống được mà còn khấm khá lên nhờ rượu nếp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết Đoan Ngọ, nhớ rượu nếp gảy làng Tó