Mứt - Thức quà mang đậm hương vị Tết

Thu Hằng| 11/02/2021 07:14

(NSHN) - Mứt là một loại ẩm thực không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của người Việt. Nếu như “miếng trầu là đầu câu chuyện”, thì mứt Tết là thức quà ngọt ngào, thanh nhã, không chỉ làm đẹp cho bàn tiệc trà ngày xuân, mà còn là món khai vị cho mọi chuyến viếng thăm, chúc tụng nhân dịp đầu năm mới.

Mứt là sự kết tinh của những loại củ, trái cây chín thơm ngon, được sên trong mật ngọt. Đây không chỉ là một món ăn đơn thuần, mà trong đó còn chứa đựng cả sự tinh tế của ẩm thực và niềm tự hào bản sắc văn hóa riêng của dân tộc Việt Nam.

Chị Phạm Bích Ngọc (phường Trung Hòa, quận Thanh Xuân) chia sẻ, khi chị còn bé, mứt chỉ có mỗi dịp Tết đến. Mỗi nhà được mua một hộp có trọng lượng từ 250 đến 350 gam. Nói là mứt Tết nhưng chẳng mấy nhà ăn mứt đúng 3 ngày Tết, mà phải để thắp hương, đến khi hóa vàng, dỡ mâm ngũ quả mới được ăn. Trong hộp mứt Tết ấy, mỗi loại chỉ vài ba miếng bé tẹo và vị nào cũng nhiều đường, ăn ngọt lừ. Vì thế năm mới đến nhà ai được mời bánh mứt là rất thích, bởi đằng sau những miếng mứt thơm ngon đó là cả một sự kỳ công và tỉ mỉ của người phụ nữ Hà Nội.

Chị Quỳnh Tiên (phường Cống Vị, quận Ba Đình) không giấu được cảm xúc, chị bảo cứ thấy những chiếc hộp mứt vuông in hình ông Thọ là biết xuân sắp về rồi. Gia đình chị trên bàn thờ ngày Tết luôn luôn phải có hộp mứt, vì đây là thức quà chỉ Tết mới có, mới đúng cổ truyền.

Những ngày cuối năm, cho dù bận rộn tới đâu, thì mỗi nhà đều chuẩn bị một số loại mứt Tết hay quây quần cùng nhau, riu riu lửa hồng, tự tay nấu đường sên mứt. Mỗi loại mứt không chỉ mang hương vị đặc trưng, mà còn có công dụng như những “vị thuốc”. Những ngày đầu năm, mời nhau những vị ngọt mà chính bản thân gửi gắm vào đó là những lời chúc tốt lành nhất.

Mứt dừa là dễ làm nhất trong các loại mứt. Chỉ cần mua dừa về gọt vỏ, xắt mỏng cùi dừa rồi luộc cho bớt chất béo. Sau đó ngâm đường rồi sên. Nếu muốn đa sắc thì dùng màu tự nhiên, như: Màu xanh từ lá dứa, màu hồng từ quả thanh long, màu tím từ lá cẩm… Mứt dừa có mùi thơm béo, dễ ăn. Hơn nữa, dừa có nhiều enzym có tác dụng tốt cho hệ tiêu hóa, điều trị các chứng đầy bụng, khó tiêu.

Mứt gừng vị ngọt cay, thơm nhẹ, ấm nồng. Ngày Tết, nhâm nhi miếng mứt gừng không chỉ là ý nghĩa thủy chung của dân gian “gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”, mà còn như một vị thuốc nam kích thích tiêu hóa.

Mứt sen trần thanh mát với nguyện ước cho năm mới sum họp, đủ đầy. Mứt bí trắng ngần, ngọt thanh sẽ giúp giải nhiệt cho cơ thể. Mứt hồng bì thịt dày, sạch hạt, sên đường phèn thanh mát, ăn ngon mà lại trị ho. Mứt quất mỏng dẻo trong veo, chua dịu và thơm ngát vị quất tươi. Loại mứt này còn có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe và giúp giải rượu, bia rất hiệu quả. Mứt dứa vàng sậm, ngọt giòn, có chút dai dai nhẹ nhẹ, có độ chua thoảng qua, như tính cách một cô gái Bắc bộ, thơm thảo đáng yêu mà cũng lúng liếng đáo để ngầm...

Người Hà Nội không chuộng những thứ vị sắc ngọt quá, chua quá hay cay quá nên ô mai, thứ dung hòa cả 3 vị đối lập kia, dễ chiếm cảm tình kể cả với người khó tính nhất. Ô mai ăn quanh năm đều thú vị, nhưng những ngày giáp Tết thì người dân tìm mua lại càng nhiều hơn như một thói quen, một cách thể hiện sự trân trọng giá trị Tết cổ truyền.

Đủ sắc màu, đủ ngọt bùi đắng cay cùng nhau hòa quyện trong một khay mứt cho ngày Tết thêm viên mãn, trọn vẹn.

Không giống như những loại bánh kẹo khác, mứt Tết không dành cho những người vội vã. Thưởng thức mứt Tết phải từ từ, chậm rãi. Tuyệt nhất là khi nhâm nhi mứt với tách trà nghi ngút khói bên cạnh đào, mai khoe sắc và kể cho nhau nghe những câu chuyện vui, trao nhau những lời chúc cho một năm mới thuận lợi và may mắn.

Đây không đơn thuần chỉ là một thức quà, đây còn mang trong mình vẻ đẹp truyền thống của Tết Việt, của những nguyện ước tốt lành đầu năm mới. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mứt - Thức quà mang đậm hương vị Tết