Thanh ngọt chè củ mài

Thủy Hương| 12/12/2020 14:57

(HNMCT) - Củ mài là loài cây dây leo, cùng họ với khoai mỡ nhưng có hình dạng xù xì hơn. Loại củ này mọc nhiều ở vùng núi Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), thường được người dân chế biến thành nhiều món ăn nhưng phổ biến hơn cả là chè củ mài. Đây được xem là đặc sản nổi tiếng của chùa Hương.

Với đặc tính thanh mát, củ mài có tác dụng chữa nhiều bệnh. Đặc biệt, chè củ mài thường được nấu vào mùa hè, vừa có chức năng giải khát vừa có tác dụng giải độc, tiêu viêm. Để nấu được bát chè củ mài sánh và trong, người ta thường chọn loại củ mài nếp có màu trắng hoặc xanh lơ, bột mịn thơm, bở và dẻo chứ không nhạt, rắn như củ mài tẻ. 

Có hai cách nấu chè củ mài là dùng bột khô hoặc thịt củ tươi. Với bột khô, sau khi thu hoạch, người ta mang về phơi khô, xát ra thành bột để dùng quanh năm. Khi nấu chè, người ta đem hòa bột củ mài với nước, đun sôi liu riu, khuấy đều cho tới khi bột sánh thì thêm đường, đợi cho nồi chè sôi đều, bột ngả sang màu trắng đục tương tự như bột sắn là được.

Để nấu chè từ củ mài tươi, người ta đem gọt vỏ, thái lát mỏng hoặc từng miếng vuông nhỏ rồi ngâm qua nước muối cho sạch nhựa. Sau đó đun nhừ, dùng muôi đánh nhuyễn củ mài thành bột và cho đường vào đảo đều, đun đến khi chè sền sệt, tỏa mùi thơm nhẹ. Người kỹ tính sẽ nấu chè với mật ong để chè ngon hơn. Khi chè sánh, ta múc ra bát, để nguội và ăn cùng xôi vò hoặc xôi hoa cau. Đơn giản hơn, có thể rắc lên trên bát chè vài lát củ mài chín hoặc đỗ xanh, vừng rang. Chè củ mài có vị ngọt thanh, thơm mát, giúp du khách xua tan mệt mỏi trên quãng đường hành hương thăm "Nam thiên đệ nhất động".

Ngoài nấu chè củ mài, người dân Mỹ Đức còn chế biến thành các món khác như: Củ mài luộc, canh xương hầm hay bánh củ mài. Đây là món quà được nhiều du khách chọn mua khi trẩy hội chùa Hương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh ngọt chè củ mài