Cỗ chay xứ Đoài

Đăng Duy| 10/08/2019 14:30

(HNMCT) - Ở nhiều làng xứ Đoài, nay thuộc các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì... của thành phố Hà Nội, từ xưa đến nay, mỗi khi vào hội làng đều có nội dung thi làm cỗ chay dâng cúng thành hoàng làng.

Một mâm cỗ chay có đủ các món: Ngoài các loại bánh chay, thì còn có “gà quay”, “cá rán”, “nem công”, “chả phượng”, “giò”... Có mâm bày hẳn 20 món, đứng đầu về số lượng và chất lượng cũng được đánh giá là “tuyệt hảo”. Tất cả các mâm cỗ chay đều được làm từ các nguyên liệu thuần thực vật, không hề có thịt động vật, dù chỉ là chút ít. Hầu hết các món được làm từ bột nếp, nhào với đường hoặc mật, rồi rán trong chảo với dầu thực vật làm chủ yếu từ dầu lạc.

Khán giả dự hội hoặc thực khách trước khi ăn có thể quan sát kỹ từng món ăn để xem tài nghệ bếp núc của các lão nông, của chị em nông dân. Một bát mọc, trong đó có cả một miếng “thịt lợn” hình vuông, đủ cả các phần hình da, mỡ và nạc nhưng thực chất được làm hoàn toàn bằng bột. Một bát miến nổi “váng mỡ” (thực chất là dầu thực vật), bên dưới là các sợi miến dài hoàn toàn được làm từ bột nếp. Một đĩa “cá rán” trông bắt mắt nhưng thực chất cũng chỉ làm từ bột, tạo hình cá rồi chiên... Với một mâm cỗ chay 20 món thì phải dùng khoảng 10kg bột, 5-7kg đường hoặc mật, 0,8-1,0kg lạc nhân, 0,5-0,7 lít dầu lạc...

Một điều rất đáng chú ý nữa là các món cỗ chay có thể bảo quản trong điều kiện bình thường đến 15 ngày. Cỗ chay là sản phẩm nông nghiệp, thể hiện sự khéo léo của đôi tay những người lao động, đồng thời là một nét văn hóa Việt Nam rất đáng trân trọng, bảo tồn.       

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cỗ chay xứ Đoài