Nghề làm bánh tro Đắc Sở

Lam Điền| 05/07/2019 21:31

(HNMCT) - Nghề làm bánh tro (còn gọi là bánh gio) ở Đắc Sở (huyện Hoài Đức) có từ xa xưa. Theo các tài liệu, ban đầu bánh tro chỉ làm để phục vụ ngày tết âm lịch và Tết Đoan ngọ (mùng 5-5 âm lịch), sau trở thành sản phẩm thương mại hóa, được bán rộng rãi trên thị trường.

Nghề làm bánh tro (còn gọi là bánh gio) ở Đắc Sở (huyện Hoài Đức) có từ xa xưa.

Làm bánh tro đòi hỏi công phu và mất nhiều thời gian. Đầu tiên là chế nước tro: Lấy vỏ và quả thầu dầu, vỏ bưởi, cây vừng đem đốt thành tro, sau đó đem tro trộn với nước vôi theo tỷ lệ nhất định để nước tro có màu nâu vàng, phảng phất hương vôi, có vị ngọt thơm mát đặc trưng. Ngày nay, có cơ sở chuyên làm nước tro, người thợ làm bánh đỡ được một khâu khó để tập trung vào các công đoạn chính là chuẩn bị lá dong, gạo nếp cái hoa vàng, gói bánh và luộc bánh.

Lá dong phải là lá dong tẻ, tươi xanh, to bản và lành lặn, đem rửa sạch rồi luộc lên cho mềm, dai để khi gói sẽ không nứt và cho thứ bánh trong, thơm. Gạo nếp được ngâm trong nước tro từ 5-7 giờ cho ngấm đủ nước rồi mang ra gói bánh. Khi gói bánh, phải đổ gạo gọn vào lòng chiếc lá rồi cuốn lá và bẻ mép ở hai đầu bánh cho thật khít, cân đối. Tùy sở thích, có thể tạo hình bánh theo hình vuông, hình trụ (giống bánh giò) hay gói dài (như bánh tẻ). Công đoạn cuối cùng là đem bánh vừa gói ra luộc trong khoảng 5 giờ thì bánh chín nhừ, đạt độ nuột nà, mềm dẻo.

Khi thưởng thức bánh tro không thể thiếu một thứ đồ ăn kèm là mật mía. Hương thơm, vị dẻo của gạo nếp trong bánh sẽ hòa quyện với vị ngọt nhẹ và thơm tự nhiên của mật mía để tạo nên một hương vị đặc biệt của món bánh tro Đắc Sở.

Nước ta có nhiều vùng, nhiều làng làm bánh tro nhưng bánh tro Đắc Sở có vị thanh mát khác hẳn. Đây chính là điều cốt lõi làm nên thương hiệu bánh tro Đắc Sở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề làm bánh tro Đắc Sở