Lưu giữ nét đẹp vật truyền thống đầu xuân

Ngân Hà| 27/03/2021 18:20

(NSHN) - Đấu vật là môn thể thao không thể thiếu trong các hội xuân vùng Đồng bằng Bắc Bộ với nhiều sới vật đã lưu truyền, tồn tại qua hàng trăm năm. Không chỉ mang lại nụ cười sảng khoái ngày xuân, sới vật còn biểu đạt tinh thần thượng võ dân tộc, là nơi giữ gìn bản sắc văn hóa làng, xã từ ngàn xưa.

Các sới vật đầu xuân thu hút các đô vật từ khắp nơi về tham dự.

Nét đẹp đầu xuân

Hằng năm, sau Tết Nguyên đán, nhiều địa phương tại Hà Nội lại sôi động, tưng bừng mở lễ hội, tiệc làng, trong đó, hoạt động không thể thiếu là tổ chức vật truyền thống. Theo ông Nguyễn Văn Trường, cán bộ phụ trách môn vật, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, môn vật thể hiện nét đẹp, khoe sức khỏe của con người, vì vậy, cứ mỗi độ xuân về, các thôn, xóm lại tổ chức các sới vật nhằm rèn luyện sức khỏe cho thanh niên trai tráng và cũng thể hiện tinh thần thượng võ, đoàn kết.

Một trong những hội vật nổi tiếng nhất là ở làng Mai Động (phường Mai Động, quận Hoàng Mai), nơi được ví là "tổ lò vật" thu hút hàng nghìn người tham gia, cổ vũ. Hội vật được tổ chức nhằm tưởng nhớ danh tướng Nguyễn Tam Trinh (thời Hai Bà Trưng) đã mở lò dạy võ cho dân làng. Ai cũng có thể đăng ký tham gia, không phân biệt già trẻ. Vì vậy mà giải vật này không nặng tính ăn thua, tranh giành giải thưởng, mà chủ yếu đề cao tinh thần thượng võ, rèn luyện sức khỏe. Trải qua nhiều năm tổ chức, sới vật làng Mai Động đã trở thành nơi lưu giữ những tinh túy văn hóa dân gian ngay trong lòng Thủ đô.

Là một trong những hội vật vẫn giữ nguyên nét cổ truyền, hội vật làng Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) luôn có sức hút đặc biệt. Chỉ cần trống vật nổi lên là già, trẻ, gái, trai, đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi đến vây quanh sàn đấu. Ông Cấn Đỗ Hiều, người dân xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) chia sẻ: "Cứ mỗi năm, đến ngày hội vật, trên sới vật thô sơ, người làng chúng tôi lại trổ tài, cùng nhau học những miếng võ độc đáo".

Trong khi đó, hội vật Hồng Hà (huyện Đan Phượng) đã vượt qua biên giới để thu hút được nhiều đô vật ở nước ngoài đến đọ sức, như Uzbekistan, Ukraine... Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Thể dục thể thao huyện Đan Phượng cho biết, Hồng Hà là một trong số các địa phương có truyền thống về vật. Nơi đây đã sinh ra nhiều đô vật mang huy chương vàng về cho Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.

Bên cạnh những sới vật trên, thành phố Hà Nội còn rất nhiều địa phương có sới vật nổi tiếng tại các lễ hội như: Lễ hội làng Bùng, xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất); chùa Nành, xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm)...

Nhận xét về môn thể thao truyền thống này tại Hà Nội, Trưởng phòng Quản lý thể dục - thể thao (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Đinh Văn Luyến cho biết, chính nhờ phong trào môn vật dân tộc tại Hà Nội phát triển rộng khắp nên đã sản sinh ra nhiều đô vật xuất sắc như: Nguyễn Đình Khinh, Phí Hữu Tình, Nguyễn Bá Long, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Thị Lụa... Nhiều đô vật trưởng thành từ các sới vật làng đã lọt vào các đội tuyển của thành phố Hà Nội và quốc gia, được phong kiện tướng, đã giành hơn 100 Huy chương vàng ở các giải trong nước và quốc tế, góp sức để Hà Nội nhiều năm giành giải Nhất toàn đoàn tại Giải Vô địch vật dân tộc toàn quốc.

Chung tay gìn giữ môn thể thao truyền thống

Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quốc Oai Nguyễn Vũ Hán, để môn vật phát huy nét đẹp truyền thống và phát triển bền vững, cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức thêm các giải đấu tăng cơ hội thi đấu cho các vận động viên.

Còn ông Nguyễn Văn Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Thể dục thể thao huyện Đan Phượng chia sẻ, để phát triển môn thể thao truyền thống này, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, còn phải nâng cao chất lượng chuyên môn các giải đấu bằng cách tổ chức thêm nhiều giải vật, mời các vận động viên chuyên nghiệp thuộc đội tuyển Hà Nội, Quân đội về thi đấu biểu diễn phục vụ người xem, kích thích phong trào địa phương.

Đồng quan điểm, vốn trưởng thành từ một trong những "lò vật" của huyện Quốc Oai, đô vật quốc gia Cấn Tất Dự bày tỏ mong muốn: "Tham gia đấu vật, ngoài mục đích rèn luyện sức khỏe, học hỏi những thế vật hay, lớp trẻ chúng tôi mong muốn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa quê hương. Vì vậy, tôi rất mong có nhiều giải đấu hơn nữa để tạo cơ hội thi đấu, rèn luyện cho các vận động viên chuyên nghiệp, cũng như phát triển phong trào vật truyền thống tại Hà Nội".

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định, thời gian tới, Sở sẽ tích cực phối hợp cùng nhiều địa phương trong cả nước thường xuyên tổ chức, giao lưu thi đấu vật dân tộc, nhằm đẩy mạnh phát triển phong trào môn thể thao này tại các tỉnh, thành phố. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, nâng cao chất lượng phong trào, tạo nguồn cho đội tuyển vật của thành phố và quốc gia, đồng thời tiếp tục gìn giữ, phát huy bản sắc môn thể thao truyền thống của Thủ đô.

Cụ thể, hôm nay (27-3), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thạch Thất tổ chức Giải Vô địch vật truyền thống tại sới vật Phùng Xá mừng Xuân Tân Sửu 2021 và chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27/3/1946 - 27/3/2021).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lưu giữ nét đẹp vật truyền thống đầu xuân