Cửa hàng may Đức Hạnh - Một thời ký ức của người Hà Nội

Thu Hằng| 28/03/2021 05:12

(NSHN) - Ở Hà Nội có nhiều người biết đến cái tên Đức Hạnh - một cửa hiệu chuyên bán và may đo quần áo cho trẻ em duy nhất còn sót lại từ thời Pháp ở phố Hàng Trống. Đây từng là cửa hàng yêu thích của người dân Thủ đô trong một giai đoạn dài, gian khó của đất nước.

Cửa hiệu ngày mới thành lập.

Khi còn là cô nữ sinh trường Đồng Khánh, bà Trần Thức Lễ đã say mê với nghề nữ công. Năm 1950, cùng với chồng là ông Nguyễn Văn Lãng, bà Lễ đã mở cửa hàng may Đức Hạnh với tâm huyết mang đến những sản phẩm tinh tế, chất lượng cho đối tượng duy nhất là trẻ em (từ sơ sinh đến 15 tuổi). Từ đó đến nay, trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nhà may Đức Hạnh ở phố Hàng Trống vẫn là địa chỉ quen thuộc với người dân Hà Nội và các vùng lân cận.

Bà Trần Thức Lễ - người sáng lập thương hiệu Đức Hạnh và chồng bà, ông Nguyễn Văn Lãng.

Ngay từ những ngày mới ra đời, Đức Hạnh đã có uy tín và sớm đứng vững trên thương trường. Mỗi bộ quần áo Đức Hạnh đều chỉn chu, được lựa chọn cẩn thận từ chất vải, màu sắc, mẫu thêu đến những đường kim, mũi chỉ. Ngoài những kiểu dáng, kích cỡ phù hợp với từng lứa tuổi thì nét đặc trưng nhất của quần áo Đức Hạnh là những mẫu thêu áp vải trang trí và thêu tay tỉ mỉ góp phần làm cho trang phục trở nên vô cùng xinh xắn và đáng yêu.

Năm 1960, theo chủ trương công tư hợp doanh, nhà may tư nhân Đức Hạnh đã sáp nhập với Công ty Bông vải sợi Hà Nội lập ra cửa hàng quốc doanh Đức Hạnh chuyên bán và may đo quần áo trẻ em do Công ty Bông vải sợi Hà Nội quản lý.

Với 5 cửa hàng liền nhau ở phố Hàng Trống và một tổ hợp may gồm gần 100 thợ may và máy may, 10 thợ kỹ thuật tạo mẫu, đã tạo ra những sản phẩm quần áo trẻ em mẫu mực, khiến cho Đức Hạnh trở thành niềm tự hào của Công ty Bông vải sợi Hà Nội lúc bấy giờ.

Vào nhà nước, bà Trần Thức Lễ đảm nhiệm khâu quan trọng nhất của sản phẩm - khâu kỹ thuật: Từ thiết kế, số đo đến chất lượng đường kim, mũi chỉ. Bà đã cống hiến toàn bộ tài năng, sức lực của mình, góp phần quan trọng vào sự hưng thịnh của công ty trong thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước.

Ngày ấy, mua được một bộ quần áo cho con ở cửa hàng Đức Hạnh là niềm mơ ước của biết bao gia đình. Các cửa hàng bách hóa cũng có bày bán ít đồ may sẵn nhưng rất ít kiểu cách để lựa chọn. Người ta hài lòng với Đức Hạnh ở chất lượng vải tốt, quần áo được may cẩn thận, chắc chắn, giá cả hợp lý và kiểu dáng có nét rất riêng, rất Hà Nội.

Mẫu nhí của Đức Hạnh.

Mẫu nhí trong trang phục Đức Hạnh.

Năm 1982, khi bà Lễ nghỉ hưu, lớp thợ lành nghề chuyên cắt may cho trẻ em của công ty cũng về hưu, Đức Hạnh không có người kế tục nên tan rã dần. Sản phẩm may Đức Hạnh dần biến mất trên thị trường. Nhiều người đi mua quần áo cho con, qua phố Hàng Trống chỉ biết ngẩn ngơ nhìn.

Nghỉ hưu nhưng với lòng yêu nghề và quý trẻ thơ nên bà Lễ vẫn khôi phục thương hiệu Đức Hạnh của gia đình. Năm 1991, bà thuê nhà ở 32 Hàng Trống (đến năm 2000) để mở lại cửa hàng. Sau đó chuyển về làm trong nhà ở ngõ 21 Hàng Trống.

Sinh thời, bà Trần Thức Lễ thường nói, điều quan trọng nhất để Đức Hạnh tồn tại là chữ tín: “Nếu nghề của tôi mà chỉ chạy theo lợi ích trước mắt, làm nhanh, làm ẩu để cùng một lúc làm ra nhiều sản phẩm, không chú ý đến thẩm mỹ, nâng cao chất lượng phục vụ thì e không tồn tại được”. Không một lúc nào Đức Hạnh bỏ qua điều này. Chất lượng sản phẩm luôn được đặt lên hàng đầu nên cửa hàng luôn giữ được sự tin cậy, trân trọng của khách hàng.

Nhiều khách hàng nhí của Đức Hạnh ngày xưa vẫn nhớ mãi niềm vui, hãnh diện mỗi khi được mặc trên người chiếc áo đẹp. 50-70 năm đã trôi qua nhưng những kỷ niệm vẫn tươi mới. “Mẹ may cho cái áo lạnh ở nhà may Đức Hạnh mặc gần 4 năm. Sau này khi vào Nam, chiếc áo ấy lại để cho cô em gái họ mặc, đường may chắc chắn đến khi bạc màu áo vẫn không bị đứt chỉ” - một khách hàng 6X tâm sự.

Xúc động hơn, có người viết: “U80 rồi. Một lần về, đi ngang Đức Hạnh nhớ tới hôm vợ chồng chở đứa con trai đầu lòng sinh năm 1967 ra may đo cho con một bộ quần yếm, áo sọc. Rồi mãi mấy tháng sau mới dành đủ tiền chụp được một pô ảnh cho con trong bộ quần áo ấy”...

Nhiều người vẫn nhớ bà Trần Thức Lễ, với một tấm lòng tâm huyết với nghề, yêu quý trẻ thơ: “Tuổi thơ của tôi cũng được mặc đồ may Đức Hạnh. Sau này, các con tôi cũng mặc đồ may của bà. Bà kiểu người xưa, rất kỹ tính, tỉ mỉ; bà may đo kỹ càng, tư vấn chỗ thêu trên áo như thế nào. Lên nhà bà đi cầu thang, lúc về bà còn dặn đi cẩn thận không ngã. Đã lâu rồi, chắc khoảng 15 năm nay không quay lại do các con đã lớn. Một ấn tượng đẹp về người Hà Nội xưa”...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cửa hàng may Đức Hạnh - Một thời ký ức của người Hà Nội