Tiền và nghề đổi tiền ở Thăng Long

Nguyễn Ngọc Tiến| 26/12/2020 06:41

(HNMCT) - Năm 970, nhà Đinh cho đúc đồng tiền có tên là Thái Bình Hưng Bảo, đây là đồng tiền riêng đầu tiên của Đại Cồ Việt. Trước đó, người Việt dùng tiền của các triều đình phong kiến phương Bắc. Sự ra đời đồng tiền riêng đã khẳng định Đại Cồ Việt là nước độc lập.

Đồng tiền Thiên phúc Trấn Bảo mặt sau có chữ Lê.

Khi Lý Công Uẩn lập ra kinh đô Thăng Long, tiền được đúc tại đây và từ triều Lý đến triều Trần, nơi đúc tiền nằm trong xưởng bách tác. Đó là xưởng tập trung các nghề thủ công, sản xuất nhiều mặt hàng tiêu dùng phục vụ vua, quan và tầng lớp quý tộc. Nguyên liệu chính để đúc tiền là đồng pha trộn với các kim loại khác gồm chì, kẽm, sắt, làm cho tiền cứng nhưng không giòn, kéo dài tuổi thọ. Tiền đúc xong được đưa vào kho ở Thăng Long do một quan phụ trách, ông này xuất tiền theo lệnh của vua. Do ảnh hưởng của phương Bắc nên đơn vị tiền cơ bản gồm quan, tiền và đồng tiền đúc Đại Việt chỉ có một mệnh giá.

Đến thời nhà Hồ, tiền Việt có sự thay đổi lớn. Cùng với tiền đúc, Hồ Quý Ly cho in tiền giấy với 7 mệnh giá và lần đầu tiên trong lịch sử tiền Việt Nam, Hồ Quý Ly đưa những con vật có ý nghĩa tâm linh vào tiền là long, ly, quy, phượng. Giấy in tiền là giấy dó, loại tốt do làng Yên Thái sản xuất. In tiền giấy là quan điểm hoàn toàn mới so với các triều đại phong kiến trước đó vì Hồ Quý Ly coi tiền đơn giản chỉ là phương tiện thanh toán hàng hóa. Tuy nhiên, dân chúng Thăng Long vốn quen sử dụng tiền kim loại đúc nên thờ ơ với tiền giấy và đó là thất bại của Hồ Quý Ly.

Đến thời Lê, xưởng bách tác bị xóa bỏ. Ngoài đúc ở Thăng Long, tiền còn được đúc ở trấn Sơn Tây. Hình thức tiền cơ bản không có gì thay đổi so với tiền thời Lý, Trần. Đồng tiền có hình tròn, ở giữa có lỗ vuông. Theo quan niệm về vũ trụ của người phương Đông là trời tròn, đất vuông. Mép ngoài và bao quanh lỗ hình vuông có gờ để bảo vệ phần chữ bên trong và làm cho đồng tiền đẹp hơn. Tiền nhà Lê cũng theo thuyết âm dương. Mặt trước đồng tiền có niên hiệu của vua đang trị vì, gọi là mặt dương. Mặt sau thường để trơn, là mặt âm. Tiền được dùng để trả lương cho các quan, binh lính và dùng để thưởng cho người có công với nước, nhưng quan trọng nhất là để mua bán hàng hóa.

Đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo thời Đinh với mặt trước (trái) và mặt sau (phải).

Đồng tiền Thiên Phúc Trấn Bảo thời Tiền Lê với mặt trước (trái) và mặt sau (phải).

Thời Lê, giao thương ở Thăng Long ngày càng nhộn nhịp nên kinh đô còn được gọi là Kẻ Chợ. Các nhà buôn trong nước không chỉ mang hàng hóa về bán ở Thăng Long mà còn cất hàng đi các nơi khác tiêu thụ. Thế kỷ XVI, Thăng Long bắt đầu xuất hiện các thương nhân Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh đến mua tơ tằm, sơn, quế… Họ cũng bán đồng cho triều đình cùng các hàng hóa tiêu dùng mà Đại Việt không có. Tuy nhiên, thương nhân nước ngoài không lấy tiền của Đại Việt vì hai lý do: Một là không có giá trị quy đổi với các nước khác, hai là số tiền đồng họ nhận được sau khi bán hàng quá lớn, trong khi trọng tải thuyền buôn có hạn. Nhưng triều Lê buộc các nhà buôn phải giao dịch bằng tiền Đại Việt, vì thế sinh ra nghề đổi tiền ở Thăng Long.

Để có thứ tiền mà thương nhân nước ngoài yêu cầu, các nhà buôn trong nước phải mang tiền đồng đến các nhà đổi tiền để đổi lấy bạc nén hay tiền México (loại tiền đúc bằng bạc, có giá trị thanh toán quốc tế khi đó). Ngược lại, để có tiền Đại Việt trả cho thương nhân trong nước, họ cũng phải mang bạc, tiền México đến các điểm đổi tiền để đổi lấy tiền Đại Việt. Làm nghề đổi tiền hầu hết là phụ nữ, họ không cần bàn tính lạch cạch gạt lên gạt xuống như mấy hiệu buôn người Hoa. Họ cũng chẳng biết tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Hà Lan, song họ không bao giờ nhầm. William Dampier - nhà hàng hải và thương nhân người Anh đã viết trong cuốn Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài 1688 (Un voyage au Tonkin en 1688), bày tỏ sự nể phục phụ nữ Thăng Long làm nghề đổi tiền: “Đổi tiền là một nghề quan trọng ở đây. Làm nghề này là phụ nữ, họ là những người khéo léo và khôn ngoan đặc biệt. Họ thực hiện công việc về đêm và biết cách sinh lời giỏi chẳng kém các nhà buôn cổ phần tinh khôn nhất ở London”.

Khi thực dân Pháp đánh thành Hà Nội năm 1882 và chiếm Hà Nội năm 1883, nghề đổi tiền vẫn thịnh hành vì nhiều đồng tiền nước ngoài vẫn được phép lưu hành. Năm 1902, chính phủ Pháp chọn Hà Nội làm thủ đô của Liên bang Đông Dương và cấm sử dụng tiền nước ngoài. Trên lãnh thổ Việt Nam chỉ có hai loại tiền được phép lưu hành là tiền kim loại của triều Nguyễn và tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Đông Dương phát hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiền và nghề đổi tiền ở Thăng Long