Văn hóa, giáo dục thời Lê ở Thăng Long

Nguyễn Ngọc Tiến| 13/09/2020 06:00

(HNMCT) - Cùng với phát triển kinh tế, vào nửa cuối thế kỷ XV, nhà Lê đã đẩy mạnh giáo dục Nho học và xây dựng một nền văn hóa của triều đại mình trên đất Thăng Long.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi thờ các bậc Tiên thánh, Tiên sư, Tiên hiền... Ảnh: Linh Tâm

Để xác định ranh giới với láng giềng, Lê Thánh Tông cho vẽ bản đồ Đại Việt mang tên Hồng Đức bản đồ, trong đó có bản đồ thành Đông Kinh. Tuy nhiên, trong kho Hán Nôm chỉ có 9 bản đồ thành Đông Kinh sao chép theo bản đồ Hồng Đức, không thấy bản đồ gốc. Nhờ có chú thích trên bản đồ mới biết Hoàng thành Thăng Long xây bằng gạch đá, trên có ụ bắn. Ngoài lập bản đồ, nhà Lê còn xây dựng nhiều công trình có giá trị kiến trúc, ở cửa phía Nam (cửa Đại Hưng) có đình Quảng Văn để niêm yết pháp lệnh, cáo thị của nhà nước.  

Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng ở phía Tây thành Thăng Long từ thời Lý nhưng có quy mô nhỏ bé. Để khuyến khích và mở mang giáo dục Nho học, năm 1483, vua Lê Thánh Tông cho xây dựng, mở mang Văn Miếu - Quốc Tử Giám rộng thêm thành khu học xá lớn. Văn Miếu mở rộng có điện Đại Thành thờ Tiên thánh (Chu Công), Tiên sư (Khổng Tử), Tứ phối (Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử). Nhà giải vũ hai bên tả hữu thờ Tiên nho, Tiên hiền. Đằng sau Văn Miếu là khu nhà học gọi là Thái Học, có lập 2 giảng đường, một ở phía Đông, một ở phía Tây làm chỗ dạy học. Ở đây còn có chỗ cho học sinh ở, mỗi bên 3 dãy, mỗi dãy 25 gian, chứa đủ 300 học sinh. Đề cao khoa cử và khuyến khích mọi người đua nhau vào con đường khoa cử, vua Lê Thánh Tông còn định lệ xướng danh, vinh quy long trọng hơn và bắt đầu định lệ dựng bia tiến sĩ ở Văn Miếu.

Năm 1481, trong kỳ thi Hội sau khi đã thi Đình, nhà vua ngự ở điện Kính Thiên làm lễ xướng danh rồi cho viết tên người trúng tuyển lên giấy vàng yết ở cửa Đông Hoa (cửa Đông). Năm 1484, lần đầu tiên trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam vua Lê Thánh Tông sai dựng bia đá khắc tên người trúng tuyển tiến sĩ từ khoa Nhâm Tuất (1442) đến khoa Giáp Thìn (1484), gồm 10 khoa, mỗi khoa một bia. Mỗi bia tiến sĩ gồm một bài văn bia kể về khoa thi ấy và tán tụng công lao sự nghiệp của nhà vua rồi liệt kê tên họ, quê quán những người đã trúng tuyển. Những văn bia này được dựng hai bên bờ Thiên Quang tỉnh (giếng Thiên Quang) - xây từ năm 1484, nay vẫn còn.

Trong tấm bia năm Nhâm Tuất (1442), do Thân Nhân Trung soạn, có ghi: “Vậy thì bia này dựng lên giúp ích được nhiều vì kẻ ác biết chỗ mà răn, kẻ thiện biết chỗ mà gắng, chứng rõ về trước, chỉ rộng về sau, một là để mài giũa danh tiết cho sĩ phu, hai là để giúp thêm mạch mệnh cho nước nhà. Việc thánh quân làm chẳng phải ngẫu nhiên, ai trông vào cũng nên hiểu ý sâu xa đó”. Từ khoa thi Hội đầu tiên đến khoa thi Hội cuối cùng, triều Lê đã mở 26 kỳ thi, đào tạo được 984 tiến sĩ. Hiện nay, Văn Miếu còn giữ được bia 13 tiến sĩ đời Lê, trong đó có Phan Phu Tiên người làng Đông Ngạc - một sử gia lớn của triều Lê.

Cùng với việc khuyến khích học hành thi cử, năm 1495, Lê Thánh Tông thành lập hội Tao Đàn. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Thấy hai năm Quý Sửu và Giáp Dần được mùa đặt các bài ca vịnh để ghi điềm lành. Nội dung gồm những bài về đạo làm vua, vua giỏi tôi hiền, nhớ bậc anh tài kỳ tuấn và đùa viết vội thành văn... nhân gọi là Quỳnh Uyển cửu ca”. Nhà vua làm bài tựa cho thi ca tập, tự xưng là “Tao Đàn Nguyên súy”, tập hợp 28 văn thần gọi là “Tao đàn nhị thập bát tú”, theo vần 9 bài thơ xướng ấy các văn thần họa lại. 28 văn thần gồm: Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Ngô Luân, Ngô Hoán, Nguyễn Xung Xác, Lưu Hưng Hiếu...

Sự xuất hiện của hội Tao Đàn đánh dấu bước phát triển cao của sáng tác văn thơ cung đình do Lê Thánh Tông đề xướng, khuyến khích. Quan điểm văn hóa của hội Tao Đàn là quan điểm Nho gia dùng văn học phục vụ nhà nước phong kiến. Có điều nhà nước phong kiến lúc này còn có vai trò tích cực, nghĩ đến quyền lợi dân tộc nên những bản tụng ca có những yếu tố tích cực như: Tinh thần trách nhiệm với lịch sử, với dân tộc, niềm tự hào đất nước thịnh trị có văn hiến, có hòa bình và trăm họ yên ấm.

Tuy nhiên, nhà Lê đã chia văn hóa thành hai dòng đối lập là chính thống và dân gian. Nhà Lê muốn xây dựng một nền văn hóa chính thống dành riêng cho vua quan, phân biệt và tách rời, đối lập với văn hóa dân gian của dân chúng. Dù còn sử dụng trống đồng, còn biểu diễn Bình Ngô phá trận nhạc, nghĩa là còn tôn trọng di sản dân tộc, nhưng càng ngày triều đình càng coi thường văn hóa dân gian. Ở Thăng Long, nhà Lê cấm hát chèo, múa rối trong cung đình, phân biệt đối xử với nghệ sĩ dân gian, gọi họ là “xướng ca vô loài”, cấm con trai của họ đi thi, cấm con gái lấy chồng nhà quyền quý. Điều đó khiến dân chúng Thăng Long ngấm ngầm phản đối...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa, giáo dục thời Lê ở Thăng Long