Hai nhân vật đứng đầu Thăng Long nổi tiếng thời Trần

Nguyễn Ngọc Tiến| 06/08/2020 12:33

(HNMCT) - Vì triều đình ở Thăng Long nên nhà Trần rất coi trọng việc tổ chức và quản lý kinh thành. Năm 1230, vua Trần Thái Tông đặt ra ty Bình Bạc (như Ủy ban Nhân dân thành phố hiện nay) với nhiệm vụ quản lý thị dân sống trong thành; đến năm 1265 được đổi tên thành Đại An phủ sứ, sau nữa thành Kinh sư Đại doãn. Năm 1394, Kinh sư Đại doãn được đổi tên thành Trung đô doãn. Dù đổi tên gọi nhiều lần nhưng nhiệm vụ không thay đổi, đó vẫn là cơ quan hành chính và tư pháp ở kinh đô.

Đền Hương Tượng - nơi thờ Nguyễn Trung Ngạn. Ảnh: Linh Tâm

Để chọn người đứng đầu Kinh sư Đại doãn, triều đình đề ra quy chế tuyển chọn rất cẩn thận. Cụ thể là viên quan này phải từng cai trị ở các lộ hay phủ, sau đó qua khảo lệ, duyệt, nếu đáp ứng yêu cầu thì được cử làm An phủ sứ phủ Thiên Trường (quê hương nhà Trần). Sau thời gian làm An phủ sứ Thiên Trường, viên quan này lại phải qua lệ khảo, duyệt mới được bổ làm Thẩm hình Viện sự rồi mới đưa về làm Đại An phủ Kinh sư (tức Kinh sư Đại doãn). Nhờ cách tuyển chọn kỹ càng như vậy nên trong 175 năm tồn tại của nhà Trần đã xuất hiện nhiều viên quan đứng đầu kinh thành Thăng Long vừa có đức, vừa có tài, trong đó nổi bật là Trần Thì Kiến và Nguyễn Trung Ngạn.

Trần Thì Kiến (1260 - 1330) người huyện Đông Triều, phủ Tân Hưng (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh). Khi làm quan triều Trần, ông là pháp quan liêm chính, giỏi lý số. Thời gian làm An phủ sứ Thiên Trường, có giai thoại về ông, chuyện là một người nhân ngày giỗ đã đem biếu mâm cỗ, Trần Thì Kiến hỏi vì cớ gì, người ấy trả lời vì ở gần trị sở nên đem biếu chứ không có ý gì khác. Nhưng mấy ngày sau, người này đến xin gặp nhờ vả việc riêng, chưa nghe hết chuyện Trần Thì Kiến đã móc họng nôn với hàm ý trả cỗ khiến người kia muối mặt xin về. Người đời khen ông “Khả dĩ chiết ngục” (phân tích hết mọi lẽ rồi mới kết tội). Năm 1297, Trần Thì Kiến được bổ dụng làm Kiểm pháp quan, kiêm chức Đại An phủ Kinh sư. Mỗi khi có kiện tụng, ông dùng lý lẽ giải quyết; trong triều có việc quan trọng, ông tìm ra cách ứng phó. Về Trần Thì Kiến, sử thần Ngô Sĩ Liên viết: “Thì Kiến hành động lạ lùng quá mức để uốn nắn cái tệ xin xỏ của người bấy giờ, cũng như Án Anh tằn tiện quá mức để uốn nắn cái thói xa xỉ tiếm lễ của Quản Trọng vậy”. Với nhiệm vụ đứng đầu kinh thành Thăng Long, ông không chỉ giữ an ninh trật tự mà còn giải quyết các vụ việc có lý có tình khiến dân chúng nể phục.

Một vị đứng đầu Thăng Long khác là Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370). Ông đỗ Hoàng giáp năm 1304. Nguyễn Trung Ngạn thuở nhỏ tên là Cốt, tự là Bang Trực, hiệu là Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay là huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Khi còn bé, Nguyễn Trung Ngạn được dân trong vùng nể phục, gọi là “thần đồng”. Ông không chỉ là vị quan giỏi việc nội chính mà còn là nhà ngoại giao xuất sắc.

Trong quãng đời làm quan, vì tính cương trực nên hai lần Nguyễn Trung Ngạn bị giáng chức, trong đó có lần do ông can vua không được. Nhưng nhờ tài năng trong điều hành chính sự, giải quyết nhiều vụ việc phức tạp, ông lại được vua phục chức. Năm 1341, Nguyễn Trung Ngạn được tin cẩn trao trọng trách giữ chức Đại An phủ Kinh sư sau khi đã trải qua nhiều chức vụ và vua đứng ra khảo lệ, duyệt. Vì liêm minh nên ông là người đứng đầu Kinh sư Đại doãn nổi tiếng nhất trong lịch sử Thăng Long. Không chỉ làm quan phụng mệnh triều đình, ông còn là nhà thơ có tài. Thơ của Nguyễn Trung Ngạn được nhiều danh nho đánh giá rất cao, nổi tiếng là Giới Hiên thi tập, được sử gia Phan Huy Chú ca ngợi: “Lời thơ hùng hồn mạnh mẽ, sở đắc nhiều phong cách thơ của Đỗ Thiếu Lăng (tức Đỗ Phủ đời Đường)”.

Nhận định về ông, Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Về sau hai lần sung chức Hựu sảnh (Nội mật viện). Đến đời Trần Dụ Tông vào triều, giữ trọn tiếng tốt, không phụ là bậc nho giả, thọ hơn 80 tuổi”. Vì tiếng thơm khi làm quan và nhờ những việc làm cho dân chúng Thăng Long khi đứng đầu Kinh sư Đại doãn nên ông được người dân thờ phụng. Cho đến nay, tại nhiều ngôi đền trong nội đô vẫn thờ ông.

Nguyễn Trung Ngạn đã được chính quyền đặt tên phố trước năm 1954, còn Trần Thì Kiến thì chưa. Tuy nhiên, phố Nguyễn Trung Ngạn nhỏ hẹp. Cách đây hơn chục năm, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn với Thăng Long - Hà Nội. Tại hội thảo này, có ý kiến về việc tìm một con phố dài, rộng và đẹp để đặt tên Nguyễn Trung Ngạn cho xứng với công lao của ông đối với Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, đến giờ điều đó chưa thành hiện thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai nhân vật đứng đầu Thăng Long nổi tiếng thời Trần