Giữ nét đẹp nghề làm đàn Đào Xá

Nguyễn Mai| 19/06/2020 06:39

(HNM) - Đào Xá là làng thuần nông thuộc xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Ngoài làm ruộng, người dân nơi đây - với sự khéo léo, tinh tế thiên phú - còn làm ra những cây đàn nguyệt, đàn bầu, đàn tranh... Hiện nay, số hộ làm đàn có xu hướng giảm dần, chính quyền và người dân đang nỗ lực giữ nét đẹp nghề truyền thống của quê hương.

Sản xuất đàn tại một hộ gia đình ở thôn Đào Xá (xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa). Ảnh: Minh Phú

Vang danh làng nghề

Thôn Đào Xá nằm cuối huyện Ứng Hòa, giáp với tỉnh Hà Nam. Đây là vùng quê vang danh với làng nghề làm đàn truyền thống.

Căn nhà của nghệ nhân Đào Văn Soạn nằm sâu trong xóm nhỏ, luôn rộn tiếng đục, đẽo. Tại đây, mỗi năm có hàng trăm cây đàn được hoàn thành, sau đó chuyển đi khắp mọi miền đất nước. Nghệ nhân Đào Văn Soạn cho biết: "Nghề làm đàn ở Đào Xá có từ cách đây gần hai trăm năm, do cụ Đào Xuân Lan truyền dạy. Từ thế kỷ XIX, những người thợ tài hoa của Đào Xá đã đưa gia đình vào nội thành Hà Nội để lập phường nghề. Nay, các cửa hiệu bán đàn khu vực quanh Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam chủ yếu là người Đào Xá...".

Bản thân ông Soạn cũng được thừa hưởng nghề làm đàn từ người cha truyền lại, đến nay đã gần 50 năm. Gia đình có 4 người thì cả con trai, con dâu, con rể đều làm nghề với nhiều sản phẩm: Đàn tam, đàn tứ, đàn nguyệt, đàn bầu, đàn tranh, đàn đáy...

Điều đặc biệt là, dù người làng nghề nơi đây chưa học qua trường lớp nào về âm nhạc nhưng đều tinh tường các cung bậc âm thanh. Họ thẩm âm bằng kinh nghiệm được trao truyền lại từ đời này sang đời khác và sự tinh tế của mỗi người. Ngoài thẩm âm, người thợ làm đàn rất thạo nghề mộc, biết chọn gỗ, cưa, xẻ, đục đẽo... để cho ra đời những cây đàn ưng ý nhất. "Mỗi tháng, tôi chế tác khoảng 5-7 cây đàn bầu, đàn nguyệt… từ đôi bàn tay và đôi tai thẩm âm được tôi luyện qua nhiều năm", anh Đào Ngọc Khương cho biết.

Theo Trưởng thôn Đào Xá Trần Việt Hào, thôn có 127 hộ dân thì có 10 hộ làm đàn với khoảng 30 lao động. Đào Xá được công nhận làng nghề truyền thống vào năm 2016 và ông Đào Văn Soạn là nghệ nhân ưu tú duy nhất ở làng được UBND thành phố Hà Nội phong tặng.

Nghề làm đàn không giúp người dân nơi đây giàu có nhưng cũng cho họ cuộc sống tươm tất. Mỗi tháng, nếu chăm chỉ, chịu khó, một lao động có thu nhập không dưới 10 triệu đồng. Anh Phùng Văn Chung cho biết: “Làm nghề đàn cần tỉ mỉ, kiên trì bởi nếu sai một chi tiết nhỏ là tiếng đàn đã khác, nhưng bù lại thu nhập khá hơn so với làm ruộng. Với nghề làm đàn truyền thống, thu nhập của gia đình tôi đủ nuôi con cái học hành”. Còn theo chị Nguyễn Thị Huệ, người làm đàn phải không ngừng cải tiến sản phẩm. Nếu như đàn tranh trước đây chỉ có 16 dây thì nay làm thành 22 dây theo yêu cầu người chơi, đáp ứng được đòi hỏi của thị trường.

Nỗ lực bảo tồn nghề truyền thống

Gia đình anh Đào Văn Tuấn và chị Nguyễn Thị Huệ (con trai, con dâu ông Soạn) đã theo nghề làm đàn được 5 năm. “Trước đây tôi làm nghề lái xe. Khi lớn tuổi thì quay về học nghề của bố, mong muốn lưu giữ nghề tổ tiên để lại…”, anh Tuấn bộc bạch.

Tuy nhiên, ở Đào Xá hiện không còn nhiều người tâm huyết với nghề truyền thống. Theo ông Trần Việt Hào, 30 năm về trước, đàn là nét đẹp văn hóa đồng thời là nghề mưu sinh của người dân; nhưng hiện nay số hộ làm đàn ở thôn không còn bao nhiêu. Nguyên nhân do ngày công làm đàn thấp hơn so với nhiều nghề khác. Ngoài ra, nghề làm đàn đòi hỏi phải cần cù, tỉ mỉ và để trở thành thợ giỏi phải chịu học hỏi và đúc rút kinh nghiệm qua nhiều năm. Trong khi đó, làm công nhân trong các khu công nghiệp không cần học nhiều, lại dễ kiếm tiền hơn.

Mặt khác, nguyên liệu làm đàn ngày càng khan hiếm. Để làm được những cây đàn ưng ý, người thợ làm đàn phải chọn gỗ theo chuẩn riêng - “thành trắc, mặt vông” - tức thành đàn làm bằng gỗ trắc, mặt đàn làm bằng gỗ ngô đồng. Các hộ làm nghề phải tới các tỉnh miền núi, tìm mua gỗ tại vườn nhà dân. Thêm nữa, nhạc dân tộc gần đây không được nhiều người yêu thích nên số đàn bán ra giảm nhiều, số hộ làm đàn cũng ít dần.

Khó khăn là thế, song người làng nghề vẫn quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống. Nghệ nhân Đào Văn Soạn vẫn ấp ủ việc thành lập tổ văn nghệ Đào Xá, còn anh Đào Ngọc Khương cho biết sẽ dạy các con nghề làm đàn, coi đó là cách để đàn Đào Xá không bị mai một... Cùng với người dân, cơ quan chức năng của xã Đông Lỗ và huyện Ứng Hòa cũng đang lên kế hoạch hỗ trợ thôn xây dựng nhà truyền thống trưng bày, giới thiệu đàn Đào Xá; thiết kế website để quảng bá; lồng ghép với các tour du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan...

Mỗi người đều nỗ lực bảo tồn nghề làm đàn, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hiến của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ nét đẹp nghề làm đàn Đào Xá